Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Wednesday, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Ngoại giao Việt Nam 2010: Vững bước trên con đường hội nhập và phát triển



(Bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho Tạp chí Cộng sản, số cuối năm 2010)

    Năm 2010 đã để lại những dấu ấn đậm nét về một năm Việt Nam vượt qua không ít khó khăn, thách thức vững bước đi lên. Đó cũng là năm ngoại giao Việt Nam được triển khai chủ động và toàn diện, phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Thế giới không ngừng biến động

Nhìn tổng thể, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, nhưng xung đột sắc tộc, cục bộ, tranh chấp biên giới lãnh thổ, tài nguyên vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi và có chiều hướng ngày càng phức tạp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến gay gắt. Cục diện thế giới ngày càng “đa trung tâm hóa” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hợp tác đa phương được coi trọng hơn nhằm đối phó với các thách thức kinh tế và các vấn đề cấp bách toàn cầu như khủng bố, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang diễn ra quá trình sắp xếp lại các cơ chế quốc tế và cấu trúc hợp tác khu vực cho phù hợp với những phát  triển của tình hình mới. Các nước mới nổi, đặc biệt là nhóm nước BRIC,  có vai trò ngày càng quan trọng trong việc xử lý các vấn đề toàn cầu.

    Kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều; đà phục hồi kinh tế về cuối năm bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Những thách thức như bất ổn tài chính, giảm phát, biến động tỷ giá, thâm hụt ngân sách trầm trọng tại nhiều nước phát triển... đang và sẽ còn làm cho triển vọng phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, một số xu hướng kinh tế thế giới hậu khủng hoảng đã xuất hiện ngày càng rõ nét như việc các nước đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mô hình phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng trưởng cân bằng và bền vững hơn... Trong bối cảnh vòng đàm phán Đô-ha vẫn bế tắc, xu hướng ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, khu vực đang diễn ra sôi động.

    Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục trở thành động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời là trọng tâm điều chỉnh chính sách của các nước lớn. Tại Đông Nam Á, các nước ASEAN đẩy nhanh tiến trình xây dựng cộng đồng, tăng cường hợp tác và liên kết nội khối; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước đối tác và tiếp tục duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực. Tuy nhiên, ở châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề biển Đông, quan hệ căng thẳng Trung - Nhật..., đòi hỏi các nước phải tăng cường đối thoại, hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh chung cho toàn khu vực.    

Vững bước trên con đường hội nhập và phát triển

    Trong bối cảnh đó, năm 2010 được đánh giá là một năm thành công của Việt Nam về đối ngoại. Chúng ta đã triển khai công tác đối ngoại một cách chủ động, toàn diện nhưng vẫn đảm bảo trọng tâm, trọng điểm; qua đó góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

1. Năng động ngoại giao đa phương: Nét nổi bật nhất trong năm là việc Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2010. Với chủ đề "Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động", Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của ASEAN như hai Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 và 17, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 31), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (AMM43), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+), Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA) và nhiều hoạt động liên quan khác.

Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng nhằm thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng và kết nối ASEAN, đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, thúc đẩy hợp tác nội khối cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC).  Cách tiếp cận của ta trong ASEAN đối với vấn đề Biển Đông đã đáp ứng được nguyện vọng chung của tất cả các nước là bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam cũng đã xử lý thành công nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh ở trong và ngoài khu vực, vừa bảo đảm được các nguyên tắc “đồng thuận” và “không can thiệp vào công việc nội bộ” của ASEAN, vừa thể hiện sự chủ động và trách nhiệm của ta với tư cách Chủ tịch ASEAN.

Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, chúng ta đã tích cực tham gia và có những đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động đa phương sôi động ở khu vực và trên thế giới như tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu về an ninh hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, phòng chống tội phạm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, hợp tác sông Mê-công tại nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC), G-20...

2. Thiết thực và hiệu quả cao trong ngoại giao song phương: Một nét nổi bật khác là việc ngoại giao song phương đã góp phần đưa các mối quan hệ của ta với các nước, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng khu vực đi vào chiều sâu.

Mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung tiếp tục được củng cố và phát triển. Kim ngạch thương mại song phương Việt – Trung dự kiến sẽ vượt mục tiêu 25 tỷ USD. Hai nước tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực trong khuôn khổ “Năm hữu nghị Việt – Trung” kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tăng cường trao đổi đoàn, hướng tới giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến biển đảo, tuyên truyền.  Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt – Lào tiếp tục được tăng cường và có bước phát triển mới. Việt Nam đang là một trong số các nhà đầu tư hàng đầu tại Lào với hơn 200 dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD. Quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia được củng cố và phát triển theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Việt Nam hiện có 63 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn khoảng 900 triệu USD. Với các nước ASEAN khác, ngoài khuôn khổ hợp tác trong ASEAN, quan hệ song phương cũng được chú trọng thúc đẩy. Đáng chú ý là với chuyến thăm Mi-an-ma của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Mi-an-ma trên 12 lĩnh vực ưu tiên.

Hợp tác với các nước lớn và các trung tâm kinh tế lớn trên thế giới cũng có những bước tiến triển mới. Quan hệ Việt – Mỹ tiếp tục được thúc đẩy và phát triển theo hướng “đối tác hữu nghị, tích cực, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi”. Hai bên đã có nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao, đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Đáng chú ý, cả Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Gates đều thăm Việt Nam và tích cực tham dự các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN. Quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nhật được cả hai bên tích cực cụ thể hóa. Về kinh tế, hai bên đang bắt tay vào triển khai các dự án lớn như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhà máy điện hạt nhân, khai thác đất hiếm… Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; vốn ODA của Nhật cho Việt Nam trong năm tài khóa 2010 đạt 1,7 tỷ USD. Quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga tiếp tục đi vào chiều sâu. Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, dầu khí, hợp tác quân sự... Việt Nam và EU đã hoàn tất và ký tắt Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), tạo khuôn khổ mới cho sự phát triển toàn diện và sâu rộng quan hệ Việt Nam – EU thời gian tới. Hai bên cũng đã tuyên bố sẽ khởi động đàm phán FTA ngay sau khi hoàn tất trao đổi kỹ thuật. Việt Nam và Anh đã ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Với Hàn Quốc, quan hệ song phương diễn ra sôi động với nhiều hoạt động giao lưu ở các cấp, hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2015. Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trong năm 2010 tiếp tục được tăng cường. Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Ốt-xtrây-li-a được đẩy mạnh với việc hai bên công bố Chương trình hành động giai đoạn 2011 – 2013, trong đó, phía Ốt-xtrây-li-a cam kết sẽ viện trợ giúp ta xây dựng cầu Cao Lãnh.

Chúng ta tiếp tục coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước bạn bè truyền thống, các đối tác tiềm năng. Với Cu-ba, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hai nước đã có những hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ. Quan hệ với các nước châu Phi tiếp tục được thúc đẩy với việc Việt Nam đã tổ chức rất thành công Hội thảo quốc tế Việt Nam – châu Phi lần thứ 2, đẩy mạnh hợp tác với các nước châu Phi trong những lĩnh vực mà ta có thế mạnh như liên lạc viễn thông, nông lâm nghiệp, thủy sản, kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo và phát triển của ta. Quan hệ với các nước Trung Đông được thúc đẩy theo các dự án cụ thể như dự án lọc dầu Nghi Sơn với Cô-oét, đầu tư xây dựng cảng Hiệp Phương và đưa 4.000 lao động bảo vệ sang các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), dự án Long Sơn với Ca-ta…

3. Chủ động trong ngoại giao kinh tế: Năm 2010, kinh tế đối ngoại Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2010 ước đạt 139 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 64,3 tỷ USD tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2009 và kim ngạch nhập khẩu đạt 74,7 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 13,3 tỷ USD (tính tới cuối tháng 11/2010). Ngành du lịch là một điểm sáng với trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 36,5% so với cùng kỳ.  Cũng trong năm 2010, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong năm tài khóa 2011 là 7,9 tỷ USD. Đây là mức cam kết ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh các nhà tài trợ gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Các nội dung kinh tế thực chất đã được lồng ghép vào các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Đông Á, các Hội nghị Bộ trưởng Mê-công – Mỹ và Mê-công – Nhật; chủ động đưa ra một số sáng kiến mới, tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật với hợp tác tiểu vùng sông Mê-công, tham gia và đóng góp tích cực vào hội nghị thượng đỉnh G-20. Công tác ngoại giao kinh tế đã tập trung nghiên cứu, tham mưu đóng góp cho việc xây dựng chủ trương, chính sách kinh tế đối ngoại, nổi bật là quyết định chính thức tham gia quá trình đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuẩn bị khởi động đàm phán FTA với EU.

Ngoài ra, ngoại giao kinh tế cũng chú trọng tới việc phối hợp giải quyết các tranh chấp thương mại với các đối tác, trong đó có việc lần đầu tiên Việt Nam chính thức vận dụng các cơ chế trong WTO để khởi kiện Mỹ về việc áp dụng thuế bán phá giá đối với mặt hàng tôm đông lạnh của ta xuất khẩu sang Mỹ, đấu tranh thành công trong việc ngăn chặn EU tái áp thuế chống phá giá đối với giày mũi da và sản phẩm thép. Đặc biệt, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường Ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ và thuận lợi các hoạt động ngoại giao kinh tế trong thời gian tới.  

4. Gắn bó, phối hợp tốt giữa ngoại giao văn hóa, kinh tế, chính trị và thông tin, tuyên truyền đối ngoại: Về dài hạn, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020. Trong năm 2010, ta đã tranh thủ các sự kiện văn hóa lớn của đất nước, mà trọng tâm là Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và năm Chủ tịch ASEAN, để tăng cường quảng bá văn hóa, du lịch và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, ngành Ngoại giao đã phối hợp vận động thành công UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long và nhiều di tích vật thể và phi vật thể của ta là Di sản thế giới. Trong các dịp hoạt động lớn của đất nước, ta đã kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí quốc tế về tình hình và chính sách của Việt Nam, tích cực, kiên quyết trong đấu tranh dư luận bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Công tác đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo được triển khai chủ động, hiệu quả. Ta duy trì tốt các kênh đối thoại với nhiều nước và tổ chức quốc tế, thường xuyên cung cấp thông tin về thành tựu của ta trong lĩnh vực này; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dân chủ, nhân quyền; tích cực đóng góp cho các hoạt động nhân quyền tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Uỷ ban liên chính phủ về nhân quyền của ASEAN, qua đó đề cao thiện chí, sự cởi mở của Việt Nam, làm thất bại các âm mưu và hoạt động kích động, vu cáo của các lực lượng thù địch, chống đối.

5. Đổi mới, năng động và hiệu quả trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân: Trong năm 2010, chúng ta đã tiến hành tổng kết 6 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục rà soát và chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các chính sách mới đối với kiều bào liên quan đến việc mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, vấn đề quốc tịch… Công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng có nhiều đổi mới tích cực; nhiều hoạt động của kiều bào được gắn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước và hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho kiều bào, góp phần giúp kiều bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chúng ta thường xuyên chú trọng công tác bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, pháp nhân Việt Nam; yêu cầu nhà đương cục các nước đối xử nhân đạo, sớm thả ngư dân và tàu thuyền của ta; đồng thời kiên quyết đấu tranh với việc bắt tàu và ngư dân trái phép, tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển được triển khai chủ động, tích cực, góp phần hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hai do thiên tai gây ra.

6. Công tác biên giới lãnh thổ đã góp phần làm cho tình hình biên giới của ta với các nước láng giềng ngày càng đi vào ổn định; góp phần hạn chế tới mức thấp nhất các hoạt động xâm canh, xâm cư, vi phạm quy chế quản lý đường biên, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi biên giới hải đảo. Một số kết quả nổi bật mà công tác biên giới lãnh thổ đã đạt được trong năm 2010 bao gồm việc ta và Trung Quốc đã tổ chức lễ công bố 3 văn kiện pháp lý quản lý biên giới trên bộ và các cửa khẩu, chính thức hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ta và Lào thống nhất lấy năm 2010 là năm tăng tốc cắm mốc và đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa to lớn trong công tác tăng dày và tôn tạo mốc giới quốc gia. Với Campuchia, công tác phân giới cắm mốc được đẩy mạnh, nhất là vào những tháng cuối năm. Hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong việc chuyển vẽ bản đồ, khảo sát thực địa, đã tổ chức đấu thầu quốc tế thành công trong việc sản xuất bản đồ biên giới chung giữa hai nước và đang phấn đấu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia vào năm 2012. Ta và Trung Quốc cũng đã đàm phán cấp chuyên viên với Trung Quốc về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển và phân định ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

7. Ngoại giao là một mặt trận: Trong năm 2010, khối lượng công việc trong lĩnh vực đối ngoại là rất lớn; thách thức đặt ra rất nặng nề, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN. Nhưng nhờ có sự phối hợp tích cực, chủ động và hiệu quả giữa đối ngoại của Đảng, Quốc hội, ngoại giao nhân dân với ngoại giao Nhà nước chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, gặt hái được những kết quả đáng tự hào. Đồng thời, Bộ Ngoại giao đang tích cực triển khai Luật về Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần Quyết định 295 của Bộ Chính trị về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại. Công tác thẩm định các đề án đối ngoại, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng được phối hợp triển khai đồng bộ với chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực vào thành tích chung của công tác đối ngoại 2010.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI đã chỉ rõ. Việc triển khai ngoại giao toàn diện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về đối ngoại có mặt còn hạn chế. Sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa đối ngoại chưa thật đồng bộ.  Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại cần chủ động và kịp thời hơn; sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành và địa phương cần được tăng cường hơn nữa.

Hướng tới năm 2011: Triển khai đường lối của Đại hội Đảng XI vì các mục tiêu chung của đất nước

Năm 2011 sẽ là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020. Do vậy, những kết quả đạt được của công tác đối ngoại trong năm tới sẽ có ý nghĩa rất to lớn, tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu cho cả nhiệm kỳ tới. Tình hình thế giới và khu vực dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng mặt thuận lợi vẫn là cơ bản, với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là một xu thế lớn ở khu vực và trên thế giới. Kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi, tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu, hội nhập. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động và các nước lớn ngày càng quan tâm hơn tới Đông Nam Á. Sau 25 năm Đổi mới, chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, đã tạo cho mình được một thế và lực mới. Sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta không chủ quan và cần không ngừng nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước mọi diễn biến của thời cuộc. Kinh tế thế giới tuy phục hồi nhưng nhiều mặt vẫn chưa vững chắc. Nguy cơ suy thoái kép và chiến tranh tiền tệ vẫn chưa bị loại trừ hoàn toàn. Sự cạnh tranh trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng diễn biến gay gắt. Sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn vừa tạo ra thời cơ, nhưng cũng đem lại những thách thức không nhỏ... Từ đó, chúng ta cần quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đại hội Đảng XI cũng như Nghị quyết Trung ương 9 (khóa VIII) về bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, nắm vững  nhiệm vụ trung tâm của công tác đối ngoại là tiếp tục góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh đó, những định hướng lớn của công tác đối ngoại thời gian tới sẽ bao gồm:

- Chủ động xây dựng những định hướng chiến lược về đối ngoại nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.  

- Tích cực triển khai các biện pháp đồng bộ, cụ thể nhằm nâng cao sự tin cậy với các nước láng giềng và các đối tác lớn, giải quyết các vấn đề biên giới trên bộ và trên biển; tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác hàng đầu đi vào chiều sâu; đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng ở khu vực và trên thế giới; triển khai có hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được.

- Xây dựng các định hướng trung hạn và dài hạn cho ngoại giao đa phương theo hướng phát huy những kết quả đã đạt được năm ASEAN 2010, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế quốc tế trên tinh thần "Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế" và tận dụng các cơ chế đa phương để tăng cường các mối quan hệ song phương với các đối tác quan trọng.

- Ngoại giao kinh tế sẽ được đẩy mạnh theo hướng xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia chủ động, tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực và liên khu vực, tăng cường công tác tham mưu, dự báo;  xúc tiến kinh tế đối ngoại,  mở rộng đầu tư, thị trường xuất khẩu, lao động, du lịch; củng cố các cơ chế chỉ đạo và triển khai các thỏa thuận quốc tế đã đạt được; vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và phối hợp đấu tranh trong các vụ tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài.

- Tích cực triển khai ngoại giao văn hóa theo những định hướng của Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020. Đề xuất và hoàn thiện các chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.  Kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi âm mưu và các hoạt động chống phá của các lực lượng phản động. Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, bám sát các diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề nảy sinh có thể tác động đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta.

Những thành tựu đối ngoại của năm 2010 tạo đà để đất nước ta thêm vững bước trên con đường hội nhập và phát triển; đồng thời, củng cố niềm tin chúng ta sẽ nhất định triển khai thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội nói chung và đường lối đối ngoại nói riêng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thời gian tới./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer