Xin Thứ trưởng đánh giá kết quả các chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Có thể khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 23 - 29/8/2018 đã thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ nội dung trao đổi giữa Chủ tịch nước và Lãnh đạo cấp cao hai nước, các văn kiện ký kết cũng như những hoạt động của doanh nghiệp.
Chuyến thăm là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập, khi lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao ta thăm chính thức hai nước, với Ê-ti-ô-pi-a là sau 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/2/1976 – 23/2/2018) và với Ai Cập là đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (01/9/1963 – 01/9/2018), khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước này.
Cả Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập đã dành cho Chủ tịch nước và Đoàn sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị, thân tình với các nghi lễ cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có hội đàm, hội kiến với tất cả các Lãnh đạo cấp cao nhất của nước Bạn: Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Các cuộc gặp gỡ đều diễn ra trong không khí hữu nghị, cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Tôi xin điểm lại một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, về chính trị, ngoại giao, với Ê-ti-ô-pi-a, hai bên nhất trí trong thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao để tạo đòn bẩy trong hợp tác song phương. Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất cần tăng cường phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Là một trong số các nước châu Phi có đóng góp và tham gia tích cực nhất vào hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Ê-ti-ô-pi-a cam kết sẽ chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam - điều này rất quan trọng trong bối cảnh ta đang tích cực chuẩn bị về lực lượng, trang thiết bị, đào tạo chuyên môn để có thể tham gia ở quy mô lớn hơn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước ta tới Ai Cập được thực hiện chỉ một năm sau chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Áp-đen Pha-ta An Xi-xi tới Việt Nam (9/2017), thể hiện mong muốn của Việt Nam muốn thúc đẩy hợp tác song phương với Ai Cập theo hướng thực chất, hiệu quả. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy đà phát triển quan hệ giữa hai nước hiện nay, đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, trên các kênh Đảng, chính phủ, quốc hội, giao lưu nhân dân…, ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, trong khuôn khổ Liên hợp quốc, hợp tác Nam-Nam, Cộng đồng Pháp ngữ…
Kết thúc chuyến thăm, tại cả Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập, hai bên đều ra Tuyên bố chung, đề ra các định hướng lớn, làm cơ sở để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương Việt Nam-Ê-ti-ô-pi-a, Việt Nam-Ai Cập trong thời gian tới.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được coi là trọng tâm trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước tới hai nước. Cả Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập đều là những thị trường lớn và giàu tiềm năng với dân số gần 100 triệu dân mỗi nước, và đang trong quá trình cải cách kinh tế. Ai Cập hiện là một trong ba nền kinh tế hàng đầu châu Phi, Ê-ti-ô-pi-a cũng đang phát triển rất năng động, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới ở mức trung bình trên 10% trong suốt hơn một thập kỷ qua, được ví như “con hổ châu Phi”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi sâu rộng, thống nhất những biện pháp cụ thể để biến tiềm năng thành kết quả cụ thể, trong đó khẳng định khuyến khích và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên tích cực vào cuộc, tăng cường trao đổi, kết nối kinh doanh, xâm nhập thị trường của nhau, đồng thời hỗ trợ nhau mở rộng thị trường: Việt Nam hỗ trợ Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập tiệp cận thị trường ASEAN, và qua Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường các nước châu Phi -Ả Rập rộng lớn.
Hai diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm, với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp hai nước là minh chứng cho thấy sự quan tâm và sức hút về thị trường của nhau đối với các doanh nghiệp hai bên. Bạn cần các mặt hàng ta có thế mạnh như điện tử, gạo, hải sản…trong bối cảnh các thị trường truyền thống của ta đang có dấu hiệu chững lại. Tôi tin tưởng rằng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp của ta và cơ hội của hai nước đạt mục tiêu 1 tỷ đô la kim ngạch như Lãnh đạo hai nước đề ra.
Lãnh đạo cấp cao cũng trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác. Với Ê-ti-ô-pi-a, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông và công nghệ thông tin…. Tập đoàn Viettel đánh giá cao tiềm năng thị trường của Ê-ti-ô-pi-a, bày tỏ quan tâm và mong muốn triển khai dự án đầu tư tại đây.Với Ai Cập, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác địa phương và trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, nông nghiệp - thủy sản, giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, trong đó có việc Ai Cập cấp học bổng cho sinh viên ta học tiếng Ả-rập tại Ai Cập.
Thứ ba, trong chuyến thăm, rất nhiều văn kiện hợp tác quan trọng đã được ký kết: ký 3 văn kiện với Ê-ti-ô-pi-a và với Ai Cập 8 văn kiện trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, nông nghiệp, tài chính, dầu khí đến đào tạo, hợp tác địa phương, góp phần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương.
Có thể khẳng định rằng chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ê-ti-ô-pi-a và Ai Cập đã tạo ra những động lực mới cho việc tăng cường quan hệ song phương. Vấn đề quan trọng bây giờ là các Bộ, Ngành, địa phương và doanh nghiệp cần tích cực vào cuộc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai bên để biến các tiềm năng to lớn thành hiện thực.
Được biết, trong chuyến thăm, Chủ tịch nước ta cũng đã có cuộc gặp gỡ với Lãnh đạo Liên minh châu Phi. Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về ý nghĩa của hoạt động này?
Có thể nói quan hệ Việt Nam - Châu Phi là mối quan hệ đặc biệt. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây là nguồn cảm hứng lớn lao, truyền động lực cho nhân dân các nước châu Phi vùng lên giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách thực dân. Chúng ta cũng không bao giờ quên sự ủng hộ của nhân dân các nước châu Phi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, hàng nghìn chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp…của Việt Nam có mặt tại nhiều nước châu Phi để giúp đỡ các dân tộc châu Phi bè bạn.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống châu Phi. Hợp tác Việt Nam - châu Phi thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 53/55 quốc gia châu Phi, kim ngạch hai chiều đạt khoảng 6,7 tỷ USD (2017), ngày càng có nhiều các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư, kinh doanh tại châu Phi, các sĩ quan Việt Nam hiện đã có mặt tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng…. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận là các kết quả này chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp cũng như tiềm năng to lớn của hai bên, trong đó có cả những lý do khách quan và chủ quan như điều kiện địa lý xa xôi, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến thị trường này.
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước đã đến thăm trụ sở Liên minh Châu Phi (AU) tại thủ đô Adis Abiba của Ethiopia và hội kiến với Quyền Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, Bà A-mi-ra Eo-pha-điu Mô-ha-mét Eo-pha-điu nhằm trao đổi và chủ động đề xuất một số phương hướng hợp tác giữa Việt Nam và AU cũng như các nước thành viên trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại – đầu tư. Nếu biết tận dụng việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Phi (AcFTA) vừa qua và quyết tâm của các nước thành viên AU đẩy mạnh cải cách hiệu quả, tôi tin rằng doanh nghiệp ta có nhiều cơ hội để xâm nhập thị trường lớn và giàu tiềm năng này. Nhân dịp này Chủ tịch nước đã đề nghị và Quyền Chủ tịch Uỷ ban AU đã nhất trí sẽ sớm thiết lập cơ chế đối thoại phù hợp để thúc đẩy hợp tác đồng bộ giữa Việt Nam và AU cũng như phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trên các diễn đàn đa phương, vì lợi ích của các nước đang phát triển.