Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung dự Hội thảo "Nâng cao nhận thức về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO” ở Bắc Giang

(Baoquocte.vn) - Trong hai ngày 12-13/9, tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO” tại Việt Nam với sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP) TS. Vũ Thị Minh Hương, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft cùng khoảng 100 đại biểu trong và ngoài nước.

Ký ức thế giới ở Bắc Giang

Bắc Giang là miền đất có lịch sử văn hóa lâu đời, là chốn tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Hiện tỉnh có 2.237 di tích các loại, trong đó 711 di tích được các cấp có thẩm quyền xếp hạng, ba di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt, 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh. Tỉnh tự hào có ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Dân ca qua họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình dương.

Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn và phá huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Do đó từ 18 làng quan họ cổ, trong đó có 5 làng được được UNESCO ghi danh năm 2009, đến nay, tỉnh đã có 84 câu lạc bộ quan họ với gần 1.500 hội viên tham gia, hàng trăm nghệ nhân có khả năng truyền dạy quan họ.

Ca trù từ chỗ chỉ có một câu lạc bộ năm 2009, đến nay, toàn tỉnh đã có bảy câu lạc bộ ở các huyện Hiệp hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Tân Yên và thành phố Bắc Giang. Hàng năm, tỉnh và các địa phương trong tỉnh đều tổ chức liên hoan quan họ ca trù, thu hút đông đảo nghệ nhân và nhân dân tham gia hưởng ứng.

Từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, du khách thập phương và cộng đồng dân cứ. Đây là điều kiện rất tốt cho phát huy giá trị di sản, song cũng đặt ra nhiều vấn đề của công tác giữ gìn và bảo tồn.

Bên canh đó, Bắc Giang còn có nhiều Di sản tư liệu quý như Mộc bản chùa Bồ Đà, Văn bia Triều Nguyễn, Sắc phong của các triều đại. Đây là các tư liệu quý mà tỉnh Bắc Giang đang quan tâm bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị. Vì vậy, việc tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo cho những người tham gia làm hồ sơ gìn giữ các di sản tư liệu là vô cùng cần thiết.

Điều đó đã lí giải tại sao Bắc Giang được chọn là nơi tổ chức Hội thảo lần này và niềm vui của người Bắc Giang được thể hiện rõ nét trong phát biểu chào mừng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: “Chúng tôi chân thành cảm ơn Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Giang trong công tác lập hồ sơ xếp hạng,bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tin tưởng giao Bắc Giang được đăng cai tổ chức hội thảo lần này, trân trọng cám ơn các chuyên gia UNESCO, các nhà nghiên cứu ở Trung ương và các tỉnh, thành phố bạn đã dành thời gian và sự quan tâm cho tỉnh Bắc Giang”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội thảo, khi được tổ chức trong không khí những ngày đầu Thu lịch sử trên mảnh đất Bắc Giang, vùng đất Kinh Bắc xưa, quê hương của làn điệu dân ca quan họ và ca trù say đắm lòng người và cũng là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị độc đáo của các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ, Bắc Gang lưu giữ Di sản chùa Vĩnh Nghiêm rất đáng tự hào. Thời gian vừa qua, Bắc Giang phát triển rất mạnh mẽ, là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. có xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thương mại đạt khoảng 5 tỷ USD, là vùng đất Tây Yên Tử, nơi có danh hiệu về di sản phi vật thể, về dân ca quan họ, đây là cơ sở lâu dài đối với Bắc Giang và Việt Nam để thúc đẩy du lịch văn hóa. Bắc Giang là tỉnh có nét đẹp cả về con người, thiên nhiên và văn hóa.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung bày tỏ tin tưởng thông qua Hội thảo, các Bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu về di sản tư liệu; đồng thời tăng cường hợp tác cùng với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của từng địa phương và của cả nước.

Trong thời gian Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe một loạt tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc tế và các Bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho các học giả trao đổi kiến thức về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu.

Phát biểu bế mạc, ông Cung Đức Hân, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) khẳng định, Hội thảo đã đề cập đến tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình Ký ức tại Việt Nam, trên thế giới, cũng như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vấn đề đặt ra với Việt Nam hiện nay cũng như trong thời gian tới là nước ta có bảy di sản, đã đạt được những thành tựu nhất định, song vẫn còn khó khăn thách thức.

Tất cả danh hiệu hay loại hình di sản đều nhắm đến đích cuối cùng là phục vụ cho cộng đồng, cho đời sống người dân nơi có di sản được công nhận. Vì vậy, Hội thảo này là cơ hội đáng quý để chia sẻ kinh nghiệm, từ đó vững bước tiến lên, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành cường quốc có tiếng nói trong bản đồ di sản thế giới, ông Cung Đức Hân nhấn mạnh.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Nằm trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã đi thực tế tại chùa Vĩnh Nghiêm, nơi lưu giữ khối tài liệu Mộc bản phong phú và thờ Trúc Lâm Tam Tổ. Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) - TS. Vũ Thị Minh Hương: “Sau khi được công nhận, nhà chùa và địa phương đã bảo quản và phát huy như thế nào?”. Thầy Thich Thanh Vịnh, Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm nói: “Sau khi được công nhận năm 2012, trong bảy năm qua, tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Dũng đã làm được rất nhiều việc, trong đó có quy hoạch và chuyển cả một trường học đi; kêu gọi đầu tư, xây dựng Dự án bảo tồn và trưng bày Mộc bản. Mỗi năm, nhà chùa lại định kỳ tổ chức lau, vệ sinh Mộc bản. Song song vói việc xây nhà bảo tồn, bảo quản, trưng bày Mộc bản, hàng năm, nhà chùa lại dịch nội dung từng bộ một từ tiếng Hán sang tiếng Việt. Năm nay, nhà chùa dịch bộ Luật khoảng 900 trang. Sau năm 2020, nhà chùa dự kiến dịch bộ Kinh Hoa Nghiêm tập 1: Đại cương Hoa Nghiêm, còn gọi là Hoa nghiêm kinh sớ sao, truyền bá đạo Phật. Đây là giáo án để giảng trên trường.” Cũng theo thầy Vịnh, hiện chùa Vĩnh Nghiêm kết nối với hệ thống 17 chùa Vinh Nghiêm khác trên toàn thế giới.

Chứng kiến tận mắt kho tư liệu quý báu, nhiều đại biểu đã bày tỏ ý định nâng cấp Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm lên tầm thế giới.

Cũng tại sân chùa, các đại biểu đã được thưởng thức Chương trình Dân ca quan họ ngọt ngào tha thiết, “để ai xa, ai gần cũng đem lòng thương mến” do các liền anh, liền chị biểu diễn.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn