Việt Nam, Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc họp về chủ đề "Đẩy nhanh quá trình phục hồi bao trùm và Nâng cao năng lực ứng phó rủi ro thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam”
Đồng chủ trì về phía LHQ có Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra; tham dự cuộc họp có đại diện một số Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam (các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường), đại diện các tổ chức LHQ tại Việt Nam và một số đối tác phát triển quốc tế (Ngân hàng thế giới - WB, Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID, Cơ quan Phát triển Pháp – AFD, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA, EU, Hà Lan, Úc, Anh, Ireland, Nhật Bản, Italy, New Zealand, Thụy Sỹ, Đức và Pháp).
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã chia sẻ nhiều thông tin, đánh giá về tình hình thiệt hại và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong đợt bão lũ tại các tỉnh miền Trung; cho biết trong thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai ở Việt Nam đã được cải thiện, đầu tư nâng cấp mạnh mẽ; nhiều công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai đã được đầu tư, việc quan trắc, dự báo thiên tai được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới, công tác truyền thông cho người dân được coi trọng, đạt hiệu quả cao.Tuy nhiên, trước tình hình thiên tai diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng trầm trọng, công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam hiện đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Ngoài những tác động rõ ràng trước mắt có thể đo đếm và lượng hoá được, thiên tai còn để lại nhiều tác động lâu dài về kinh tế, xã hội, sức khoẻ, tâm lý của người dân, đe doạ sinh kế, khả năng tiếp cận các điều kiện cơ bản để bảo đảm cuộc sống như điện, nước, vệ sinh, quyền sử dụng đất, sở hữu nhà của một số cộng đồng dân cư, đặc biệt là những người dân nghèo, do đó có thể thúc đẩy di dân ngoài ý muốn và kèm theo đó là các vấn đề xã hội, trong đó các cộng đồng nghèo, miền núi, các nhóm người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Thứ trưởng cho rằng ứng phó với thiên tai không chỉ là thách thức riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu nhiều quốc gia đang phải đối mặt; thiên tai có để đảo ngược các thành quả về kinh tế-xã hội mà một quốc gia đạt được sau nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, và trên phạm vi toàn cầu, sẽ tác động tiêu cực đến việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) ở Việt Nam. Để ứng phó hiệu quả với thách thức này, LHQ, thể chế đa phương lớn nhất hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhiều khuôn khổ chính sách toàn cầu quan trọng về rủi ro thiên tai, trong đó phải kể đến Khung Hành động Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức LHQ dành cho Chính phủ Việt Nam ngay từ khi Việt Nam gia nhập LHQ năm 1977, cũng như trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm qua và đặc biệt trong đợt bão lũ miền Trung gần đây, nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống cho người dân và nâng cao năng lực ứng phó thiên tai.
Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotrachia sẻ những khó khăn do mưa lũ gây ra cho các tỉnh miền Trung với những thiệt hại hết sức nghiêm trọng; khẳng định LHQ coi công tác cứu trợ nhân đạo là kim chỉ nam trong hoạt động, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thể chế, xây dựng các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi nhiều lĩnh vực sau đại dịch như y tế, giáo dục, gia cố hệ thống đê điều chống lũ, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, hỗ trợ đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long trước các thách thức của biến đổi khí hậu, thúc đẩy thực hiện Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai…
Đại diện các Bộ, ngành và các đối tác phát triển cũng đã chia sẻ thông tin về thiệt hại lũ lụt, những nỗ lực đang triển khai để hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền Trung; đồng thời, đề xuất một số định hướng, giải pháp trung hạn và dài hạn nhằm giúp nhanh chóng phục hồi và nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai như nâng cấp cơ sở dữ liệu về thiên tai, cơ sở vật chất và trang thiết bị liên quan; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng chống thiên tai; công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư và quy hoạch, xây dựng các khu đô thị nhằm đảm bảo khả năng ứng phó thiên tai; nâng cao nhận thức của cộng đồng về kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai; mở rộng các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu của cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công tại các địa phương.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng cuộc họp đã diễn ra thành công, mang ý nghĩa tích cực và là bước khởi đầu quan trọng thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; nhấn mạnh cần có đánh giá tổng thể và cách tiếp cận dài hạn cũng như cơ chế phối hợp, trao đổi thường xuyên, hiệu quả giữa LHQ, các đối tác phát triển và các Bộ ngành hữu quan của Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan để đảm bảo vừa phục hồi nhanh, vừa bền vững, lâu dài và bao trùm, bảo đảm mọi người dân đều được quan tâm, hỗ trợ, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ trưởng mong muốn LHQ và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai, khẳng định Bộ Ngoại giao sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, đồng hành cùng các đối tác liên quan trong quá trình này./.
* Khung Sendai về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (2015–2030) là một văn kiện quốc tế đã được các quốc gia thành viên LHQ thông qua vào tháng 3/2015 tại Hội nghị Thế giới về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai được tổ chức tại Sendai, Nhật Bản và được Đại Hội đồng LHQ thông qua vào tháng 6/2015 với 4 ưu tiên hành động và 7 mục tiêu toàn cầu.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |