Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
hát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển và liên kết kinh tế toàn cầu và là nơi hội tụ của những nền kinh tế lớn và phát triển năng động nhất trên thế giới, nhưng cũng đang phải đối mặt với những thách thức truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên như biến đổi khí hậu, khủng bố, dịch bệnh, mà điển hình là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo Thứ trưởng, việc theo đuổi và xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác, tự do, rộng mở và bao trùm là một nhu cầu cấp bách nhằm mang lại lợi ích phát triển đồng đều cho đại đa số người dân và các quốc gia trong khu vực và đề nghị các nước cần tăng cường hợp tác, chia sẻ và bảo đảm nguồn cung cấp vắc-xin, duy trì không để đứt gãy chuỗi cung ứng và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng sáng tạo, hiện đại. Các quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối số và thương mại điện tử, mở rộng khả năng thâm nhập thị trường của nhau, tăng cường kết hàng hải và thuận lợi hóa thương mại.
Đánh giá cao vai trò và vị thế của Ấn Độ trong trật tự khu vực và thế giới cũng như đóng góp của Ấn Độ trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống của người dân trong khu vực và tin tưởng với những tiềm lực mạnh trên nhiều lĩnh vực, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng Ấn Độ sẽ là một trong số các đầu tàu hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế.
Nhân đây Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Việt Nam cũng như những thành quả của Việt Nam trong việc đổi mới, xây dựng nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ; đề nghị hai nước chú trọng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nền kinh tế số, đa dạng hóa nguồn cung để thúc đẩy xuất nhập khẩu và cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước cũng như trong khu vực./.
Back Top page Print Email |