Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13

(MOFA) - Sáng nay 18/11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã được khai mạc theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”. Trang thông tin điện tử Bộ Ngoại giao trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung bài phát biểu khai mạc Hội thảo của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thưa Bà Phạm Lan Dung, Quyền Giám Đốc Học viện Ngoại giao

Thưa các Quý Bà, Quý Ông Đại sứ, đại diện Đoàn Ngoại giao

Thưa các vị khách quý, các Keynote speakers, các diễn giả và các đại biểu đang tham dự Online,

Thưa các quý vị đại biểu và các vị khách quý,

Thay mặt cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, tôi lấy làm vinh hạnh được chào mừng và cảm tạ các quý vị Đại sứ, đại diện Đoàn Ngoại giao, các diễn giả và các vị khách quý có mặt tại Học viện Ngoại giao hôm nay, cũng như đang tham dự trực tuyến từ khắp các nơi trên thế giới, đã dành thời gian tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”.

Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Học viện Ngoại giao đã mời tôi tham dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo quan trọng này. Trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiếp tục  duy trì tổ chức đã cho thấy chuỗi Hội thảo là diễn đàn không thể thiếu đối với hoà bình, ổn định và hợp tác biển ở khu vực.

Thưa Quý Bà, Quý Ông,

Biển Đông, nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, là hàn thử biểu rõ rệt đối với hoà bình, ổn định và hợp tác ở cả khu vực rộng lớn này. Những diễn biến và phát triển ở Biển Đông, dù là diễn biến tốt, hay không tốt, sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực, và ở các khu vực khác trên thế giới. Đó là bởi vì quá trình tương tác giữa các nước lớn với nhau, giữa các nước lớn với các tổ chức đa phương khu vực, với luật pháp quốc tế nói chung, sẽ tác động rất lớn đến trật tự và phương thức vận hành của thế giới nói chung. Có thể nói không quá rằng, tương lai trật tự thế giới có vận hành dựa trên luật lệ hay không, có bảo đảm quyền bình đẳng giữa các quốc gia không, có dựa trên các khuôn khổ hợp tác đa phương, minh bạch và bao trùm hay không, sẽ được quyết định một phần bởi cách ứng xử của chúng ta ở Biển Đông và ở khu vực Ấn Độ Dưong – Thái Bình Dương nói chung.

Kể từ Hội thảo Biển Đông năm ngoái, chúng ta được khích lệ phần nào khi nhìn thấy không khí đối thoại thẳng thắn, xây dựng ở Biển Đông tiếp tục được duy trì giữa tất cả các bên; luật pháp quốc tế, nhất là quyết định của các cơ quan tài phán và Công ước Luật Biển 1982 vẫn được thừa nhận rộng rãi là cơ sở pháp lý quan trọng duy trì trật tự trên Biển; tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử COC giữa ASEAN-Trung Quốc được khôi phục và có những tiến triển nhất định. Bên cạnh đó, các quốc gia đều ý thức về việc cùng hợp tác khai thác các tiến bộ khoa học công nghệ phuc vụ phát triển xanh, bền vững và bảo tồn không gian và môi trường biển. Chúng ta cũng được khích lệ khi các quốc gia gần và xa đều chân thành mong muốn xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng, kết nối, vận hành dựa trên luật lệ và sẵn sàng đóng góp tích cực, xây dựng cho các hoạt động hợp tác khu vưc, trong đó có các hoạt động hợp tác an ninh biển.

Tuy nhiên, tình hình Biển Đông trong một năm qua cũng làm dấy lên nhiều mối lo ngại mới. Số hoạt động quân sự trên biển, dưới biển, trên không và không gian vũ trụ gia tăng nhanh chóng đang làm dấy lên lo ngại về chạy đua vũ trang và nguy cơ sự cố va chạm ngoài ý muốn. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi UNCLOS 1982 được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực.

Thưa Quý Bà, Quý Ông,

Hơn một năm qua, đại dịch Covid đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của thế giới, tạo ra các khủng hoảng đơn kép, kéo với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với lòng tin, hợp tác và tương lai phát triển của thế giới. Hơn lúc nào hết, thế giới đang cần chung tay, hợp tác vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế và nỗ lực thực hiện các mục tiêu toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Lịch sử đã cho chúng ta bài học rằng, những khoảnh khắc lịch sử quan trọng như thế này là những thời điểm quan trọng có thể dẫn chúng ta đến các tương lai khác nhau. Nhìn lại lịch sử vấn đề Biển Đông, chúng ta vừa thấy được nỗ lực và thành quả của các nước trong khu vực trong việc phân định biển, kiểm soát bất đồng, tăng cường hợp tác, duy trì hoà bình, ổn định trên biển, song cũng đã có một số xung đột, va chạm và không ít hành động đơn phương làm phức tạp tình hình. Trong suốt quá trình này, chủ trương của Việt Nam về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán, luôn kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình và cùng các bên giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; luôn hoan nghênh nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực đóng góp cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ (junction) quan trọng. Điều này đòi hỏi chúng ta hết sức tỉnh táo, nhận diện tình hình một cách khách quan, đưa ra các khuyến nghị trên cơ sở đúc kết các bài học lịch sử và các khuyến nghị chính sách một cách khoa học, trên cơ sở đó thu hẹp khoảng cách nhận thức, gia tăng tính minh bạch trong môi trường chiến lược khu vực, giảm thiểu thông tin xấu, qua đó củng cố lòng tin chiến lược và hợp tác giữa tất cả các bên liên quan.

Chính vì vậy, tôi trân trọng sự lựa chọn của Học viện Ngoại giao đối với chủ đề Hội thảo năm nay:“Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn”. Ý nghĩa của nhìn lại quá khứ không phải là để khơi dậy hay xét lại những gì đã xảy ra trong quá khứ mà là để nhìn lại những bài học kinh nghiệm, áp dụng vào thực tiễn ngày hôm nay nhằm hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Như nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein đã từng nói: “Learn from yesterday, live for today, hope for tomorrow. The important thing is not to stop questioning.”

Với tinh thần đó, tôi mong muốn Hội thảo sẽ làm rõ:

Một là, những việc cần làm để tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các nước, nhất là các nước yêu sách, để kiểm soát bất đồng, tìm kiến giải pháp cùng chấp nhận được, đưa Biển Đông trở thành vùng biển hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển;giải quyết các tranh chấp và bất đồng thông qua các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Hai là,các biện pháp xây dựng trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS như các biện pháp cần có để khuyến khích các bên nghiêm túc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ DOC, không làm phức tạp thêm tình hình, không tiến hành các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông, tôn trọng Công ước Luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc, tôn trọng quyền lợi hợp pháp trên cơ sở luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, của các bên liên quan ở Biển Đông là tiền đề cần thiết để xây dựng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Cần tháo gỡ khó khăn gì để các bên sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi.

Ba là, làm thế nào xây dựng cấu trúc an ninh đa phương ở khu vực, xử lý hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống với vai trò trung tâm của ASEAN. Cách tiếp cận đa phương là hết sức cần thiết không chỉ đối với việc xử lý các vấn đề an ninh khu vực nói chung mà còn với vấn đề Biển Đông nói riêng. Sự nhất quán với cách tiếp cận đa phương còn là cách tiếp cận hiệu quả của ASEAN trước những vấn đề an ninh của khu vực. Với vấn đề Biển Đông, đây còn là cách tiếp cận đảm bảo được quyền lợi của tất cả các quốc gia có quyền và lợi ích liên quan nhằm hướng tới mô hình quản lý Biển Đông xanh và bền vững.

Bốn là,có thể thực thi biện pháp gì nhằm thúc đẩy hợp tác biển trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào quản lý biển, đặc biệt là kinh tế biển xanh nhằm phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng trên biển. Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng hậu đại dịch phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định, an toàn và không bị gián đoạn của tuyến giao thông đường biển. Biển Đông là không gian kết nối, thúc đẩy giao thương toàn cầu, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn, nhất là đối với hàng hoá chiến lược.Tìm ra các phương thức thúc đẩy sự an toàn và ổn định của mạng lưới hậu cần trên biển, xác định các nhân tố hỗ trợ bổ sung như kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác an ninh cảng biển, và các yếu tố có thể gây gián đoạn như sức khỏe con người trong ngành vận tải biển, các quy định về xuất nhập cảnh...là các biện pháp đảm bảo kết nối thông suốt và hợp tác biển hiệu quả.

Kính thưa các Quý vị đại biểu,

Thư Quý Bà, Quý Ông,

Trong suốt 13 năm qua, chuỗi hội thảo Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức đã chứng tỏ được là diễn đàn uy tín hàng đầu ở khu vực để thảo luận về hoà bình và hợp tác vì phát triển ở Biển Đông.

Với sự tham dự của các chuyên gia, học giả nổi tiếngtrong nghiên cứu Biển Đông, cùng với sự ủng hộ tích cực của các quý vị đại biểu có mặt tại đây và đang tham dự trực tuyến, Hội thảo sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần đối thoại, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn và xây dựng, đóng góp nhiều ý tưởng, sáng kiến cho việc tăng cường đối thoại, hợp tác ở Biển Đông thời gian tới. Đó là nguồn chất xám quý giá cho những người làm chính sách như chúng tôi học hỏi, tiếp thu, áp dụng, cùng hướng tới mục tiêu chung là hoà bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên không gian biển.

Đặc biệt, đây là năm đầu tiên Hội thảo Biển Đông thường niên được tổ chức ngay tại Học viện Ngoại giao, trong cơ sở mới khang trang Học viện vừa hoàn thiện, với hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tôi hy vọng rằng không gian hiện đại này sẽ thành công hơn trong việc kết nối các học giả và tạo ra môi trường thảo luận cởi mở, khoa học.

Trên cơ sở đó, tôi xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Chúc quý vị đại biểu, các vị khách qúy, các đại biểu đang tham dự trực tuyến dồi dào sức khoẻ, đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Chúc Học viện Ngoại giao vượt qua được những khó khăn thách thức do Covid-19 đặt ra, tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo Biển Đông ngày càng uy tín và chất lượng, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp hoà bình và hợp tác biển khu vực.

Xin chân thành cám ơn./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer