Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên về tư tưởng Hồ Chí Minh


“Tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi cho ngoại giao Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng”

 Dành cho Báo Quốc tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và là người sáng lập ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong hơn nửa thế kỷ qua, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta  luôn đi dưới ngọn cờ tư tưởng của Người. Nhân kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 19/5/2003, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã dành riêng cho Báo Quốc Tế bài viết nhan đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi cho ngoại giao Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng”. Quốc Tế xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Trong những ngày này trên đất nước ta, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kỷ niệm lần thứ 113 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với tình cảm thành kính, thân thương và lòng biết ơn sâu sắc. Gần ba mươi tư năm đã trôi qua kể từ ngày “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, nhưng Bác Hồ vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta; cuộc đời và nhân cách của Bác vẫn là tấm gương để mỗi chúng ta phấn đấu và noi theo; tư tưởng của Bác là cội nguồn sức mạnh, điểm tựa và niềm tin cho chúng ta trên con đường đi vào tương lai, “soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” (1). Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng soi rọi cho nền ngoại giao cách mạng hiện đại Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ bảo, tham gia trực tiếp của Bác Hồ, nền ngoại giao cách mạng hiện đại Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh cùng với những bước đường cách mạng của cả dân tộc, đóng góp xứng đáng vào những thành quả cách mạng của dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại” (2). Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với những nguyên lý và nội dung cơ bản, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh có nguồn gốc ở chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống văn hoá và ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hoá và kinh nghiệm ngoại giao thế giới và ở thế giới quan, phương pháp luận mác-xít. Từ nguồn gốc ấy, trên nền tảng ấy đã đơm hoa kết trái những nội dung chủ yếu của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là các quyền dân tộc cơ bản, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế, là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là hoà bình và chống chiến tranh xâm lược, là hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam, là xây dựng quan hệ hữu hảo với các nước lớn, là xác định ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam. Chiếm vị trí quan trọng trong toàn bộ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Đó là phương pháp dự báo và nắm đúng thời cơ, ngoại giao tâm công và dĩ bất biến ứng vạn biến. Đó là phong cách ngoại giao với tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, ứng xử linh hoạt, thể hiện giản dị, dễ cảm hoá và thuyết phục, ngắn gọn, hàm súc và dễ hiểu. Đó là nghệ thuật vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến), nhân nhượng có nguyên tắc và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh thể hiện trong đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng ta. Việc vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong những giai đoạn và thời khắc lịch sử cho tới nay đã giúp ngoại giao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó, trở thành một mặt trận và binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam. Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh giúp chúng ta nâng cao khả năng xử lý các vấn đề quốc tế và đối ngoại của đất nước trong giai đoạn mới, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực luôn biến động sâu sắc và khó lường. ý nghĩa cũng như giá trị thực tiễn và thời sự của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đối với hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay và mai sau cũng thể hiện ở chỗ đó. Dĩ bất biến ứng vạn biến là một phương pháp ngoại giao rất đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phương pháp này bắt nguồn từ triết lý phương Đông và đã được cha ông ta vận dụng tài tình trong bao thế kỷ đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và tiếp tục phát triển, đã vận dụng hiệu quả và sáng tạo triết lý và kinh nghiệm “lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi” để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác nghềnh, để bảo vệ nhà nước và chính quyền cách mạng Việt Nam non trẻ, để tranh thủ mọi cơ hội có thể được nhằm cứu vãn hoà bình, xây dựng thế và lực sẵn sàng đối phó và khắc phục mọi thử thách. Người chỉ rõ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt” (3). Linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc để vừa đảm bảo giữ vững được nguyên tắc, vừa thực hiện được lợi ích của quốc gia dân tộc. Cái bất biến trong hoạt động đối ngoại là chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Vì thế, muốn “ứng vạn biến” thì phải xác định được giới hạn của nhân nhượng, đánh giá đúng về mình và đối tác, về chiều hướng chuyển biến của so sánh lực lượng, về cái thuận và nghịch của tình hình quốc tế trong từng giai đoạn và thời điểm cụ thể, từ đó xác định bước đi thích hợp. Thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nắm vững mục tiêu, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán khôn khéo, mau lẹ và kịp thời để ứng phó thích hợp với từng hoàn cảnh, từng tình thế, từng đối tượng trong từng trường hợp và vấn đề cụ thể. Dĩ bất biến ứng vạn biến trong hoạt động đối ngoại là sự kết hợp hài hoà giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo trong tấn công ngoại giao, trong nhận biết, tạo dựng và nắm bắt cơ hội để bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc. Việc vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn là sự đảm bảo cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. So với các thời kỳ cách mạng trước đó, thế giới hiện nay đã có những đổi khác cơ bản, đất nước Việt Nam cũng đã đổi thay sâu sắc và phát triển mạnh mẽ, ngoại giao Việt Nam cũng đã trưởng thành trong thời đại Hồ Chí Minh, nhưng tính chất của thời đại và sự vận động của các mâu thuẫn vẫn tiếp tục thể hiện ở các mức độ và cấp độ khác nhau trong quan hệ quốc tế và sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia mà hoạt động đối ngoại của nước ta luôn phải lưu ý thoả đáng và xử lý kịp thời. Vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để nhận biết đúng đắn những chuyển biến ấy, tranh thủ được cái có lợi nhất cho đất nước, hạn chế tối đa cái bất lợi cho dân tộc. Phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn là những chuẩn mực để hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hướng vào đó, dựa vào đó mà xử lý thành công những vấn đề mới đặt ra cho đất nước nói chung và cho đối ngoại Việt Nam nói riêng. Đảng ta coi chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện tại cũng như mai sau tiếp tục xuất phát từ nền tảng tư tưởng đó và theo hướng kim chỉ nam ấy. Vì thế, việc không ngừng nghiên cứu, học tập, quán triệt và thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có tầm quan trọng quyết định đối với việc triển khai thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng. Chỉ như vậy đối ngoại Việt Nam mới có thể vươn lên ngang tầm với thời đại, mới có đủ khả năng để xử lý kịp thời và thoả đáng, có lợi nhất cho đất nước tất cả những vấn đề nảy sinh. Chỉ có như vậy, ngoại giao Việt Nam mới có thể trở thành nền ngoại giao cách mạng, chính quy và hiện đại, xứng đáng là nền ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và tiếp tục soi rọi cho ngoại giao Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đảng. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là sự thể hiện sức sống bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và tiếp tục phát triển những giá trị nhân văn cao cả trong tư tưởng của Người. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của chúng ta đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đã phấn đấu và hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do của dân tộc, vì tương lai phồn vinh của đất nước Việt Nam. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là di sản tinh thần to lớn và kho báu vô giá đối với tất cả những người làm công tác đối ngoại trong thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh.      

Chú thích: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 84.2. Sách đã dẫn, trang 20.3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, trang 319.

 
Back Top page Print Email

Related news:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer