Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Tuần báo Quốc tế về quan hệ Việt Nam - châu Phi(Đăng trên Đặc san về quan hệ Việt Nam - châu Phi - tháng 5 năm 2003)


Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: “Quan hệ Việt Nam - châu Phi vượt lên trên các mối quan hệ đơn thuần dựa trên lợi ích” “Việt Nam - Châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21” là tên cuộc hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao chủ trì. Cuộc hội thảo đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với các nước châu Phi, mối quan hệ truyền thống hữu nghị, đã bước sang một trang mới mang tính hợp tác và phát triển. Báo Quốc Tế trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trước cuộc hội thảo này.

Quốc Tế: Việt Nam có quan hệ hữu nghị truyền thống với hầu hết các nước châu Phi. Xin Bộ trưởng cho biết hiện nay châu Phi có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên:

Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Phi là quan hệ giữa những người anh em cùng cảnh ngộ, được Bác Hồ kính yêu của chúng ta đặt nền móng từ những năm 1920, khi Người hoạt động tại Paris cùng với các đồng chí châu Phi trong Hiệp hội các dân tộc bị áp bức ở Á- Phi. Những điểm tương đồng về lịch sử và nguyện vọng cháy bỏng về độc lập dân tộc đã làm cho nhân dân ta và nhân dân các nước châu Phi thêm gắn bó. Gần 50 năm trước, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam đã khích lệ nhân dân các dân tộc châu Phi đứng lên đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân, làm cho thập kỷ 60 của thế kỷ 20 trở thành thập kỷ châu Phi với hơn 20 nước châu Phi giành được độc lập. Trong suốt hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nhân dân châu Phi luôn đứng bên cạnh Việt Nam, cùng với các thành viên của Phong trào Không Liên kết nhiệt thành ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Trải qua biết bao biến đổi, biết bao thăng trầm của lịch sử, tình cảm của Bác cùng với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và hình ảnh của dân tộc Việt Nam đi đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập luôn được các thế hệ người châu Phi yêu chuộng tự do gìn giữ. Do đó, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, quan hệ với các nước châu Phi vượt lên trên các mối quan hệ đơn thuần dựa trên lợi ích. Củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi và phát huy tối đa mối quan hệ ấy trong hoàn cảnh mới còn là nghĩa vụ tình cảm, là trách nhiệm với quá khứ và thể hiện truyền thống thủy chung, trước sau như một của dân tộc Việt Nam ta. Theo tinh thần đó, củng cố và phát huy quan hệ truyền thống với các nước châu Phi luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh việc tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với các nước châu Phi. Việc ta chủ động tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam - châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21, mời đại biểu các nước châu Phi, các khách quốc tế tham dự là một trong những nỗ lực của chúng ta theo hướng đó.

Quốc Tế: Quan hệ kinh tế Việt Nam – châu Phi mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết và chưa tương xứng với các mối quan hệ hữu nghị vốn có. Thưa Bộ trưởng, chúng ta cần phải làm gì để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên?

Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: 

10 năm quan hệ kinh tế, thương mại giữa nước ta và các nước châu Phi có những phát triển đáng khích lệ. Trong giai đoạn từ 1991 – 2002, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Phi tăng hơn 10 lần. Chúng ta đã có quan hệ thương mại với nhiều nước như Nam Phi, Angola, Algeria, Tanzania, Ai Cập, Senegal... Về hợp tác lao động, chúng ta đã đưa hàng chục nghìn lượt chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp sang làm việc tại châu Phi. Hiện có hơn 3.500 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước châu Phi. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta đang có hơn 200 chuyên gia nông nghiệp làm việc tại các nước Senegal, Benin, CH Congo, Tchad và Madagascar theo mô hình hợp tác “2+1” (một bên là Việt Nam và một nước đang phát triển và bên kia là Tổ chức Nông lương Quốc tế – FAO). Với hình thức hợp tác này, các chuyên gia Việt Nam chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước và kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho nhân dân địa phương, góp phần thiết thực vào việc hỗ trợ các nước châu Phi phát triển nông nghiệp, tiến tới tự túc về lương thực. Các nước châu Phi đánh giá rất cao hiệu quả làm việc của các chuyên gia Việt Nam, đồng thời hiểu rõ thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, mặc dù là một nước xuất khẩu gạo lớn, muốn có thị trường ổn định trên thế giới, Việt Nam vẫn khảng khái hỗ trợ các nước châu Phi trong cuộc chiến chống đói nghèo. Ngoài các nước nói trên, hiện có nhiều nước châu Phi tỏ mong muốn hợp tác với ta theo hình thức này. Vui mừng trước những thành tích đã đạt được, chúng ta càng cần phải thấy rõ quan hệ kinh tế, thương mại hai bên vẫn còn rất khiêm tốn. Trong khi chúng ta đang phải hết sức cố gắng để mở thị trường cho các hàng xuất khẩu như gạo, quần áo, giày dép và nhiều loại nhu yếu phẩm khác thì thị trường châu Phi với khoảng 800 triệu dân trong các nền kinh tế đang cải cách mở cửa ra thế giới bên ngoài lại rất thiếu những hàng hóa này. Về lao động, ngoài các chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục, các nước châu Phi rất cần lao động có tay nghề cao, có kinh nghiệm đến làm việc trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy – hải sản. Tiềm năng còn lớn như vậy nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là khoảng cách về địa lý, khả năng tài chính và phương tiện thanh toán, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với những nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ở các nước châu Phi và với quan hệ hữu nghị truyền thống, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước châu lục này sẽ có cơ hội phát triển tốt. Về phần mình, để khai thác những cơ hội đó, chúng ta cần tập trung vào những lĩnh vực, những ngành hàng Việt Nam có thế mạnh, phù hợp với thị hiếu và khả năng thanh toán của các thị trường châu Phi như: may mặc, điện tử, giày dép, hàng nông sản chế biến...; tăng cường hợp tác chuyên gia, hợp tác lao động theo các hình thức đã được thực tế chứng minh có hiệu quả, đồng thời tìm ra những hình thức hợp tác mới. Tôi tin rằng, hội thảo Việt Nam - châu Phi: những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21 sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, hiểu rõ hơn khả năng và những quan tâm của nhau để cùng tìm ra những biện pháp khả thi đưa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và châu Phi thêm bước phát triển mới.

Quốc Tế: Xin cảm ơn Bộ trưởng.

(NV thực hiện)

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer