Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn
Đài truyền hình Việt Nam (Ngày 26/12/2002)
Câu hỏi 1: Xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn, thách thức và thành công nổi bật của Ngoại giao Việt Nam trong năm 2002
Trả lời :
Những thách thức, khó khăn lớn trong năm 2002 là : tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, cạnh tranh gay gắt trên phạm vi toàn cầu nhằm thu hút nguồn đầu tư trực tiếp và tìm thị trường xuất khẩu, nạn khủng bố lan rộng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta tuy cao những chưa đạt dự kiến. Các thế lực thù địch vẫn tìm cách phá hoại ta bằng nhiều cách. -Ngoại giao Việt Nam năm 2002 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào thành tích chung của đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện ở những điểm sau : + Thứ nhất, quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, các đối tác và các khu vực đều được thúc đẩy cả về lượng và chất dưới sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Trong năm 2002, chúng ta đã tham gia 107 điều ước quốc tế (91 hiệp định song phương và 16 điều ước quốc tế đa phương). + Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh quá trình chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế và tranh thủ được nguồn lực đáng kể từ bên ngoài cho phát triển đất nước, ngành Ngoại giao đã đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác trong ASEAN, hợp tác Đông Á ; thúc đẩy việc thực hiện các chương trình, dự án về hợp tác phát triển, thuận lợi hoá thương mại, đầu tư trong ASEM, APEC; tiến trình đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). + Thứ ba, tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động ngoại giao đa phương ở khu vực và trên thế giới với nhiều sáng kiến quan trọng tạo dựng dấu ấn Việt Nam trên thế giới. Tại Khoá họp 57 Đại hội đồng Liên Hợp quốc, ta được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng; tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 23 Liên minh Nghị viện các nước ASEAN (AIPO-23) và hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch AIPO... + Thứ tư, các hoạt động đối ngoại trên nhiều lĩnh vực khác cũng như công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và công tác thông tin-văn hoá đối ngoại được tăng cường và đẩy mạnh. Việc Việt Nam được tín nhiệm chọn đăng cai Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 5 vào năm 2004 và Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2006 chứng tỏ đất nước ta là một địa chỉ ổn định và an ninh tốt, một đối tác, một người bạn đáng tin cậy của các nước và các khu vực trên thế giới.
Câu hỏi 2: Năm qua là năm đầu tiên, chúng ta thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng 9 về phát huy vai trò của ngoại giao trong việc thúc đẩy các hoạt động ngoại thương. Xin Bộ trưởng cho biết, Ngoại giao Việt Nam đã đạt được thành tựu gì trong lĩnh vực này ?
Trả lời:
Phục vụ phát triển kinh tế là mục tiêu và yêu cầu hàng đầu của hoạt động ngoại giao. Ngành Ngoại giao đạt được các thành tích chính sau : - ở mức độ nhà nước, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị và góp phần chuẩn bị tốt các nội dung kinh tế cho các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo cấp cao nước ta; góp phần tháo gỡ những khó khăn trong hợp tác kinh tế của ta với các nước. - Các Cơ quan Đại diện Việt Nam (CQĐD) ở nước ngoài tập trung nghiên cứu thị trường, chính sách và hoạt động thương mại của sở tại, đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với các Bộ, ngành và doanh nghiệp trong nước. - Ngành Ngoại giao đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; thẩm định đối tác, tư vấn; tổ chức các hội thảo chuyên đề kinh tế Việt Nam; tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. - Vốn và chất xám của cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng được chú trọng khai thác và huy động về nước, khuyến khích Việt kiều tham gia vào các hoạt động kinh tế trong nước cũng như các hoạt động hợp tác kinh tế giữa nước ta với nước sở tại. Trong năm 2002, hơn 200 trí thức Việt kiều đã về nước làm việc với các ngành, địa phương. Đến nay, bà con Việt kiều đã có 50 dự án theo Luật đầu tư nước ngoài với số vốn khoảng 200 triệu USD và 560 dự án theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước với số vốn khoảng 850 tỷ đồng Việt Nam.
Câu hỏi 3: Xin Bộ trưởng nhận định về bối cảnh quan hệ quốc tế và đường hướng của hoạt động ngoại giao Việt Nam trong năm tới.
Trả lời :
1- Tình hình thế giới năm 2003 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế-thương mại thế giới với các tác động đa chiều của toàn cầu hoá vẫn là nỗi lo ngại của đa số các nước đang phát triển; nguy cơ chiến tranh, xung đột, khủng bố tại một số nơi như những đám mây đen đe doạ nhân loại và đất nước ta. - Năm 2003 là năm có vị trí “bản lề” trong việc Kế hoạch 5 năm 2001-2005, là năm chúng ta phải huy động tối đa các nguồn lực để tiếp tục phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững. - Những thách thức lớn đối với ngành Ngoại giao Việt Nam là : tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế càng sát gần, thời hạn thực hiện các cam kết về tự do hoá thương mại và đầu tư trong Hiệp hội ASEAN và với một số nước đang đặt ra một cách cấp bách; những khó khăn mới sẽ nảy sinh trong hợp tác kinh tế với các nước, trong việc thực hiện Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ và trong các cuộc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
2-Hoạt động đối ngoại của chúng ta thời gian tới sẽ được triển khai theo các hướng chủ yếu sau : - Tiếp tục đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tăng cường chủ động hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài và không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. - Tiếp tục thúc đẩy hoạt động đối ngoại trên mọi lĩnh vực theo hướng nâng cao hiệu quả thiết thực phục vụ phát triển kinh tế, tăng cường trao đổi văn hoá, khoa học công nghệ, giáo dục, tạo dựng khuôn khổ quan hệ hữu nghị và hợp tác ổn định, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài với các nước, các khu vực.
Nhân dịp Năm mới, thay mặt toàn thể cán bộ-nhân viên Bộ Ngoại giao, tôi xin chân thành chúc khán giả truyền hình cùng toàn thể biên tập viên-phóng viên, nhân viên Đài Truyền hình Việt Nam và gia đình luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt.