Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc - 11/12/2002


Thủ tướng Phan Văn Khải  trả lời phỏng vấn
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc
(Ngày 11/12/2002)

Câu hỏi 1: Thưa đồng chí Thủ tướng Phan Văn Khải, 10 năm qua, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam tăng gấp gần 100 lần. Kể từ khi đồng chí nhậm chức Thủ tướng tới nay, hợp tác kinh tế - thương mạigiưa hai nước  Việt - Trung đã giành được nhiều thành tựu phát triển tốt đẹp, xin đồng chí Thủ tướng cho biết về việc này?

Trả lời:

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc và nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Trung đã có bước phát triển đáng khích lệ vì lợi ích chung. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước đã tăng gần 3 lần trong 5 năm gần đây, từ 1,1 tỷ USD năm 1996 lên gần 3 tỷ năm 2001 và trong 10 tháng đầu năm 2002 đạt gần 2,8 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ đạt trên 3 tỷ USD trong cả năm 2002. Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 18 trong số các nước và khu vực đầu tư vào Việt Nam với 192 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 329 triệu USD. Về hợp tác kinh tế, một số dự án của Chính phủ Trung Quốc như dự án cải tạo Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2001; hiện hai bên đang khẩn trương hoàn thành những công việc cuối cùng để sớm đưa dự án Phân đạm Bắc Giang vào sử dụng. Tháng 12/2001, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp định về việc Trung Quốc cung cấp khoản vốn ưu đãi 40,5 triệu USD để thực hiện dự án mỏ đồng Sin Quyền, Lào Cai. Hai bên cũng đang trao đổi về một số dự án hợp tác lớn khác ở Việt Nam như Bô-xít Đắc Nông, Đắc Lắc; Nhiệt điện Cao Ngạn; thuỷ lợi-thuỷ điện Rào Quán.

Câu hỏi 2:  Hiện nay hai nước Việt - Trung đang tìm kiếm con đường mới và phương thức mới để mở rộng và đi sâu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Xin đồng chí Thủ tướng cho biết về vấn đề này?

Trả lời:

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới, để tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển ổn định của mối quan hệ kinh tế - thương mại, du lịch Việt - Trung, hai bên đang triển khai nhiều biện pháp xúc tiến thương mại như tăng cường thông tin kinh tế, tổ chức hội thảo, tăng cường sự phối hợp trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan phụ trách kinh tế của hai nước, tiến hành trao đổi thường kỳ giữa các cục, sở kinh tế thương mại các tỉnh biên giới hai nước... Chính phủ hai nước khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác du lịch. Tuy có tiềm năng rất lớn nhưng quan hệ kinh tế - thương mại Việt-Trung vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị đang rất tốt đẹp giữa hai nước hiện nay. Cả hai bên cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy mối quan hệ này phát triển mạnh mẽ hơn.

Câu hỏi 3:  Năm 2001, kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước Việt - Trung  lên tới 2 tỷ 500 triệu đô la Mỹ. Vậy đồng chí Thủ tướng có đánh giá gì đối với mục tiêu đạt 5 tỷ USD vào năm 2005?

Trả lời:

Chúng tôi tin tưởng rằng, với cố gắng chung của cả hai nước, tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được khai thác một cách có hiệu quả, đem lại kết quả thiết thực cho cả hai bên và mục tiêu đưa kim ngạch buôn bán giữa hai nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2005 sẽ trở thành hiện thực.

Câu hỏi 4:  Xin đồng chí Thủ tướng cho biết về triển vọng hợp tác của việc thành lập Khu vực tự do mậu dịch Trung Quốc - ASEAN?

Trả lời:

Việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về chính trị lẫn kinh tế. Về mặt kinh tế, đây là mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, góp phần phát triển thương mại và đầu tư ổn định và lâu dài. Đây cũng là một hình mẫu hợp tác kinh tế Nam - Nam. Trong tương lai không xa, xét về góc độ dân số Khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc sẽ là một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất trên thế giới, một thị trường khổng lồ với 1,7 tỷ người tiêu dùng, GDP của cả khu vực sẽ là khoảng 2 ngàn tỷ đô la và tổng giá trị thương mại sẽ đạt khoảng 1,23 ngàn tỷ đô la. Một lợi ích đặc biệt quan trọng của khu vực mậu dịch tự do này là  sẽ ngày càng có nhiều các nhà đầu tư ASEAN và Trung Quốc cũng như nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào thị trường thống nhất mà nếu là hai thị trường riêng biệt sự thu hút sẽ yếu hơn. Về mặt chính trị,  quan hệ chặt chẽ của ASEAN với Trung Quốc góp phần thúc đẩy hợp tác trong khối cũng như các quá trình liên kết kinh tế khác tại Đông Á, nhất là của ASEAN với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như trong khuôn khổ 10+3. Tăng cường hợp tác kinh tế và quan hệ đối tác toàn diện trong khuôn khổ này giúp củng cố hoà bình và hợp tác khu vực, tạo thế cho các nước Đông Á trong quan hệ với các khối kinh tế lớn khác trên thế giới.  Việt Nam đánh giá cao việc Trung Quốc dành quy chế ưu đãi đặc biệt và khác biệt (S&D) cho các nước ASEAN - 4 (Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam) thể hiện qua việc các nước này sẽ có thời gian thực hiện Khu vực tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc dài hơn (từ 2005 đến 2015 so với 2010 của các nước ASEAN - 6 và Trung Quốc cũng như các cam kết phù hợp với trình độ phát triển). Việt Nam cũng hoan nghênh việc Trung Quốc dành quy chế tối huệ quốc cho các nước ASEAN chưa phải là thành viên WTO (Việt Nam, Lào, Campuchia) ngay sau khi Hiệp định khung được ký kết. Việt Nam đang trong quá trình đàm phán thực chất để sớm gia nhập WTO. Việt Nam dự kiến sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO trong thời gian tới và tin tưởng rằng đàm phán Khu vực tự do mậu dịch ASEAN-Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho quá trình này.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer