Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam - 18/10/2002


BỘ TRƯỞNG NGUYỄN DY NIÊN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM 
 về quan hệ Việt Nam - Cộng hoà Pháp (ngày 18/10/2002)

Câu hỏi 1: Xin Bộ trư­ởng cho biết ý kiến đánh giá về quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam - Cộng hoà Pháp thời gian gần đây?

Trả lời:

Việt Nam rất coi trọng quan hệ với nước Cộng hoà Pháp. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973) đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp ngày càng phát triển tích cực và thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực: Về chính trị-ngoại giao: Hai nước thường xuyên tiến hành đối thoại, trao đổi đoàn ở cấp cao nhằm tăng c­ường quan hệ chính trị và tìm kiếm biện pháp cụ thể thúc đẩy sự hợp tác nhiều mặt giữa hai nư­ớc. Đồng thời giữa hai bên còn hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, nhất là trong Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác và đối thoại giữa Châu Á và Châu Âu mà hai nước đều là những thành viên tích cực.  Về kinh tế-thương mại và đầu tư: Việt Nam rất coi trọng và mong muốn mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế và quy mô trao đổi thương mại cho phù hợp với tiềm năng còn rất lớn của hai nước. Cho đến nay, Pháp luôn là đối tác Tây Âu hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng (năm 2001 vừa qua đạt khoảng 1 tỷ USD và Việt Nam liên tục xuất siêu). Pháp là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ ba cho Việt Nam (năm 2002, Pháp cam kết viện trợ cho ta 95 triệu euro, tăng hơn năm 2001 khoảng 30%). Pháp còn là nư­ớc đứng thứ 6 trong tổng xếp hạng đầu tư­ nước ngoài ở Việt Nam với số vốn đăng ký 2,04 tỷ USD cho 120 dự án còn hiệu lực. Ngoài ra, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã tài trợ 321 triệu Euro, tập trung vào 21 dự án chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo và cơ sở hạ tầng. Về hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học-kỹ thuật : Trong những năm qua, hai bên đã tăng cư­ờng các hoạt động giao l­ưu, trao đổi văn hoá (Liên hoan Huế, thúc đẩy hoạt động của các trung tâm văn hoá). Việt Nam là nước đứng đầu châu Á  và thứ ba thế giới nhận đ­ược ngân sách hợp tác văn hóa, khoa học, kỹ thuật của Pháp (77 triệu FF/năm). Pháp luôn được coi là địa điểm quan trọng trong việc đào tạo cán bộ, sinh viên của Việt Nam. Hàng năm còn có 500-600 sinh viên, cán bộ Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Pháp.   Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng được mở rộng trên các lĩnh vực tư pháp, hành chính, hải quan, quốc phòng... và nhiều dự án hợp tác đã được thực hiện có hiệu quả tốt.

Câu hỏi 2:  Với kết quả đó và theo tinh thần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới, chuyến thăm nhà nước tới Cộng hoà Pháp lần này của Chủ tịch Trần Đức Lương có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Chuyến thăm lần này của  Chủ tịch Trần Đức Lương là chuyến thăm cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tới Cộng hoà Pháp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.  Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm  tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở Pháp và châu Âu. Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên xác định khuôn khổ, phương hướng xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, toàn diện, lâu dài và tin cậy giữa hai nước cho những thập kỷ đầu của thế kỷ 21, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc, vì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Chuyến thăm cũng giúp thế giới hiểu rõ hơn đường lối đổi mới, phương hướng và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chính sách đối ngoại và chủ trương hội nhập của Việt Nam.

Câu hỏi 3: Từ ý nghĩa đó, xin  cho biết triển vọng của quan hệ hợp tác Việt Nam- Pháp?

Trả lời:

Cộng hoà Pháp là một trong những đối tác Tây Âu hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam hết sức coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Cộng hoà Pháp. Chúng ta có lý do để lạc quan về mối quan hệ này và tin tưởng rằng quan hệ giữa Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục phát triển, phù hợp tiềm năng sẵn có của  hai nước và trong tương lai, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ trở thành mối quan hệ hợp tác kiểu mẫu trong quan hệ hợp tác Bắc-Nam.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer