Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn cho phóng viên Hãng thông tấn Prensa Latina thường trú tại Hà Nội - 18/10/2002


THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CHO PHÓNG VIÊN HÃNG THÔNG TẤN PRENSA LATINA THƯỜNG TRÚ TẠI HÀ NỘI (Ngày 18-10-2002)

Câu hỏi 1: Sau khi được tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, xin Thủ tướng  cho biết những kế hoạch chính của đất n­ước trong những năm tới để đạt mục tiêu đưa Việt Nam tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như­ công cuộc xoá đói giảm nghèo?

Trả lời:

Mục tiêu của chúng tôi là đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, tạo nền tảng để Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001- 2005. Trước mắt, trong mấy năm tới, chúng tôi tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành về cơ bản hệ thống thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển con người một cách toàn diện; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao công tác giáo dục đào tạo, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi và ngăn chặn tệ tham nhũng, lãng phí và quan liêu, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực cao đi đôi với nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và trong xã hội.

Câu hỏi 2: Công cuộc Đổi mới của Việt Nam đã trải qua hơn 15 năm. Thủ tướng nhận định như thế nào về hình thức trong tương lai để tiếp tục chính sách đổi mới này ở Việt Nam?

Trả lời:

Chúng tôi vui mừng khẳng định rằng những thành tựu mà chúng tôi thu được trong hơn 15 năm qua là to lớn và toàn diện. Những thành tựu đó đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Xuất phát từ thực tiễn phong phú và những thành quả thu được qua hơn 15 năm đổi mới, Đại hôi IX của Đảng chúng tôi tiếp tục làm rõ thêm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là: - Xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển bình đẳng theo pháp luật dưới sự điều tiết vĩ mô của nhà nước, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo; - Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, không ngừng chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết các vấn đề xã hội như dân trí, đói nghèo, khoảng cách giàu nghèo giữa các cá nhân và giữa các vùng của đất nước. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc rất được coi trọng; - Phát huy động lực chủ yếu để phát triển đất nước là sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân theo sự lãnh đạo của Đảng; - Trong quá trình phát triển, chúng tôi kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” cho mỗi hành động của mình. Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và sự ủng hộ của các nước và các tổ chức quốc tế, nhất định nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Câu hỏi 3: Việt Nam hy vọng một kết quả như thế nào tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào cuối tháng này được tổ chức tại thành phố Los Cabos (Mêxicô)? Trả lời: Với  21 nước thành viên, có tổng số dân  gần 2,5 tỷ người và tổng GDP 17 nghìn tỷ USD (chiếm 56% tổng GDP toàn cầu), APEC đã và đang trở thành một diễn đàn ngày càng có vai trò quan trọng trong các vấn đề kinh tế, chính trị và an  ninh trong khu vực cũng như trên thế giới. Tiếp theo các Hội nghị cấp cao của APEC tại Brunây năm 2000, tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2001, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 10 được tổ chức tại Los  Cabos (Mêxicô) từ 26-27/10/2002 sẽ là dịp để các nhà lãnh đạo các nước thành viên thảo luận về nỗ lực thực hiện các sáng kiến đã đề ra trong “Thỏa thuận Thượng Hải”, chiến lược APEC điện tử, các hoạt động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, phát triển nguồn lực hướng tới kinh tế mới... Chúng tôi hoan nghênh việc các nước thành viên APEC sẽ ra thông điệp ủng hộ việc kết thúc vòng đàm phán Doha vì phát triển (DDA) đúng hạn, tiếp tục ủng hộ quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam và Nga. Hội nghị năm nay sẽ tiếp tục bàn về việc triển khai các biện pháp chống khủng bố đã được các nhà lãnh đạo APEC thông qua trong Tuyên bố chống khủng bố tại Thượng Hải. Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác kinh tế chống khủng bố trong APEC trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của Liên Hợp Quốc và dựa trên nguyên tắc cơ bản của APEC là tự nguyện, linh hoạt, tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể của từng thành viên và không làm ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của tất cả các nước thành viên, Hội nghị cấp cao lần này sẽ thu được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên APEC, đóng góp vào hòa bình, an ninh và sự phát triển phồn vinh của Khu vực châu á - Thái Bình Dương  cũng như trên toàn thế giới.

Câu hỏi 4: Trước đây Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên đã thăm khu vực Mỹ La Tinh và cách đây chưa đầy 2 năm, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm cũng đã thăm khu vực này. Vậy Mỹ La Tinh, một châu lục nằm cách xa Việt Nam về mặt địa lý,  có tầm quan trọng như thế nào đối với đất nước Việt Nam?

Trả lời:

Tuy cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng Việt Nam và các nước Mỹ La Tinh có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cùng phải trải qua quá trình đấu tranh lâu dài để giành độc lập dân tộc. Chính vì vậy, giữa nhân dân các nước chúng ta luôn có mối quan hệ hữu nghị và cảm thông sâu sắc, sự đồng tình và ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp chính nghĩa của mình. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ tình đoàn kết và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân các nước Mỹ La Tinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong những năm qua, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ của Việt Nam và chủ trương hướng mạnh sang khu vực châu á - Thái Bình Dương của các nước Mỹ La Tinh, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và khu vực này có những bước phát triển đáng khích lệ trên nhiều mặt chính trị, kinh tế, thương mại:  Hoạt động trao đổi đoàn giữa Chính phủ và nhân dân ngày càng mở rộng, được đánh dấu bằng các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống các nước ác-hen-ti-na (2/1997), Pê - ru (7/1998), chuyến thăm Nam Mỹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (9/1999) và chuyến thăm Trung Mỹ mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên... Việt Nam đã ký các hiệp định hợp tác về kinh tế, thương mại, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, về văn hoá, giáo dục, thể thao với một số nước Mỹ La Tinh như ác-hen-ti-na, Pê -ru, Chi Lê, Mêxicô... Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ La Tinh tăng dần hàng năm và đã đạt gần 250 triệu USD vào năm 2001. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ La Tinh còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị, hữu nghị tốt đẹp và tiềm năng của hai bên. Trong thời gian tới, Việt Nam và các nước Mỹ La Tinh cần khai thác tốt hơn những thế mạnh và tiềm năng của mình để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đặc biệt  trên các lĩnh vực như công nghệ sinh học, xây dựng, y tế, chăn nuôi, trồng trọt, du lịch, tài chính, khai thác chế biến dầu lửa, khoáng sản, hải sản, xây dựng kết cấu hạ tầng...; xúc tiến ký kết các hiệp định hợp tác nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh ... Tôi tin rằng theo hướng đó và cùng với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, hai bên có thể khắc phục được khoảng cách xa xôi về địa lý, đưa quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ La Tinh lên một tầm cao mới. Tôi hy vọng chuyến thăm Cu Ba và Chi Lê của tôi lần này sẽ góp phần thúc đẩy  hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Cu Ba, Chi Lê nói riêng và khu vực Mỹ La Tinh nói chung vì lợi ích của mỗi nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam á - Mỹ La Tinh và trên thế giới.

Câu hỏi 5: Thủ tướng đánh giá như thế nào về mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Cu Ba. Những đề tài chính nào sẽ được đề cập  trong những cuộc toạ đàm giữa Thủ tướng  và Chủ tịch Cu Ba Phi-den Ca-xtrô?

Trả lời:

Được xây đắp trên cơ sở những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hô-xê Mác- ti, trong nhiều thập kỉ qua, quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác anh em, gắn bó thắm thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước chúng ta không ngừng  được củng cố và phát triển. Nhân dân Việt Nam chúng tôi không bao giờ quên tình cảm cao đẹp, sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình mà Chủ tich Phi-den Ca-xtrô  và nhân dân Cu-ba dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Câu nói bất hủ của đồng chí Chủ tịch Phi-den Ca-xtrô “Vì Việt Nam, Cu-ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” mãi mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người Việt Nam. Tôi vui mừng nhận thấy lãnh đạo hai nước coi trọng việc tăng cường hơn nữa quan hệ toàn diện giữa hai nước, nâng cao hiệu quả các mối quan hệ phù hợp với thế mạnh của mỗi nước nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Chúng ta đã và đang triển khai tốt các chủ trương lớn, đã cùng nhau thỏa thuận: Duy trì tiếp xúc cấp cao hàng năm, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, khuyến khích hợp tác trực tiếp giữa các ngành, địa phương cũng như giữa các doanh nghiệp hai nước. Kết quả tốt đẹp của các kỳ họp Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là kỳ họp 20 tiến hành tại Hà Nội tháng 8 năm 2002 vừa qua, khẳng định hiệu quả của quan hệ hai nước chúng ta trong tình hình mới. Lần đầu tiên thăm  Cu-ba tươi đẹp,  tôi rất xúc động khi được đến với một đất nước mà tôi luôn nghĩ tới với những tình cảm quý mến và lòng cảm phục sâu sắc. Đây cũng là dịp để tôi được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn mà nhân dân hòn đảo tự do anh hùng đã nỗ lực hết mình, vượt qua bao khó khăn, thử thách để đạt được dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Phi-đen Ca-xtrô. Chúng tôi tự hào có những người bạn, người đồng chí anh em thân thiết như Cu-ba và luôn coi những thành tựu, cũng như khó khăn của Cu-ba như của chính mình. Tôi  hy vọng rằng, với truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, chuyến thăm Cu-ba lần này sẽ góp phần vào việc tăng cường hơn nữa tình đoàn kết thuỷ chung, sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác anh em Việt Nam-Cu-ba.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer