Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thư tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn cho phóng viên Tập đoàn Kiwano - Vương quốc Bỉ - 20/9/2002


THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN PHÓNG VIÊN TẬP ĐOÀN KIWANO - VƯƠNG QUỐC BỈ (Ngày  20  tháng 9 năm  2002)

Câu hỏi 1: Kể từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xin Ngài cho biết những thành tựu và tình hình chung của Việt Nam  trong năm 2002?

Trả lời:

Sau hơn 15 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện và sâu sắc, Việt Nam đã thu được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn và đang bước vào giai đoạn phát triển mới cao hơn, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Năm 2002 là năm thứ hai Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 và kế hoạch phát triển 5 năm 2001 - 2005. Trong bối cảnh  kinh tế thế giới suy giảm, gây nhiều tác động bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam, thiên tai lại liên tiếp xảy ra trong nước, chúng tôi đã nỗ lực phấn đấu đạt được những tiến bộ quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Sáu tháng đầu năm 2002, Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP 6,7%, trong đó công nghiệp tăng trên 14%, dịch vụ tăng gần 6%, nông, lâm, ngư nghiệp tăng trên 4%... Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, nhất là xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, tạo công ăn việc làm..., tiếp tục phát triển.  Chúng tôi tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB; đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM và các tổ chức quốc tế và khu vực khác mà Việt Nam là nước thành viên. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh đàm phán để gia nhập WTO... Tuy nhiên, nền kinh tế đất nước chúng tôi phát triển chưa thật vững chắc, còn nhiều yếu kém và hiện đang có những dấu hiệu suy giảm về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Thực tế đó đòi hỏi chúng tôi phải có quyết sách và bước đi thật phù hợp  trong thời gian tới để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tránh nguy cơ tụt hậu và thua thiệt khi hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng tôi phải tận dụng tối đa thời cơ và thuận lợi mới, đồng thời phải ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những diễn biến bất lợi có thể xảy ra, phát huy thế và lực đất nước chúng tôi đã tạo dựng được trong những năm qua để xây dựng thành công một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Câu hỏi 2: Xin Ngài cho biết những phương hướng lớn trong chương trình hành động của Chính phủ cho giai đoạn 2002 -  2007?

Trả lời:

Để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội  2001 - 2010, trong năm năm tới, Chính phủ Việt Nam tập trung thực hiện tốt ba nhiệm vụ lớn sau: Thứ nhất, là nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; phát triển sản xuất đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế  theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy mọi nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư; khẩn trương hình thành về cơ bản  thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Thứ hai, là tạo bước tiến mới trong sự phát triển con người một cách toàn diện, cải thiện môi trường xã hội và tự nhiên, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đáp ứng những đòi hỏi bức xúc của nhân dân là việc làm, xóa đói giảm nghèo, đời sống vật chất và tinh thần cùng với điều kiện học tập, chữa bệnh được cải thiện; an ninh trật tự xã hội được đảm bảo, các tệ nạn xã hội bị đẩy lùi. Thứ ba, là xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực cao; đẩy lùi và ngăn chặn tệ tham nhũng, lãng phí và quan liêu; mở rộng dân chủ, công khai đi đôi với nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và trong xã hội. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi cần phải giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia trong mọi tình huống. Về quan hệ quốc tế, chúng tôi tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, bảo vệ hòa bình, chống nguy cơ chiến tranh và chạy đua vũ trang.

Câu hỏi 3: Theo Ngài, vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài có phù hợp với các phương hướng trên trong công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam hay không?

Trả lời:

Chúng tôi luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, coi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam . Hiện nay, cơ cấu thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 34% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp trên 12,7% GDP. Khu vực kinh tế này đã thu hút trên 35 vạn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp. Trong nhiệm kỳ 2002-2007, Chính phủ chúng tôi dự kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 8-10 tỷ đô la, bao gồm vốn các dự án đã được cấp phép  nhưng chưa thực hiện của các năm trước, vốn thực hiện các dự án cấp phép mới và vốn bổ sung các dự án đã thực hiện. Chúng tôi khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, các ngành công nghệ cao, vật liệu mới, điện tử, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và các ngành Việt Nam có lợi thế, gắn với công nghiệp hiện đại và tạo việc làm.

Câu hỏi 4: Theo Ngài Việt Nam hiện nay cần phải làm gì để xây dựng lại lòng tin của cộng đồng kinh doanh quốc tế và thúc đẩy kinh doanh và đầu tư của Việt nam ở  nước ngoài?

Trả lời:

Việt Nam đã có niềm tin của cộng đồng kinh doanh quốc tế, thể hiện qua số vốn đầu tư nước ngoài, mức ODA và số lượng tín dụng mà các nhà tài trợ và các thể chế tài chính quốc tế cam kết với Việt Nam trong các năm qua liên tục tăng. Bên cạnh các lợi thế so sánh như giá nhân công thấp, tay nghề lao động cao, tài nguyên phong phú, Việt Nam còn được đánh giá là nước ổn định cao về chính trị đó là điều kiện tiên quyết cho sự an toàn của đầu tư và bảo đảm  môi trường kinh doanh ổn định lâu dài và có hiệu quả. Xây dựng lòng tin của cộng đồng kinh doanh quốc tế là một cam kết chính trị được thể hiện trong đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước Việt Nam . Chính phủ chúng tôi luôn duy trì sự ổn định về chính trị và có chính sách nhất quán đối với đầu tư nước ngoài, đang thực hiện ráo riết việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn mà các nhà đầu tư gặp phải, tiến hành hàng loạt các biện pháp cụ thể, như phân cấp, cấp giấy phép, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp phép.., tạo thuận lợi cho đầu tư. Chúng tôi đang cố gắng để đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh của Việt Nam  ra nước ngoài. Đến nay, một số mặt hàng của Việt Nam như hải sản, gạo, cà phê, hạt tiêu ... đã chiếm được thị phần đáng kể trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có hơn 40 dự án đầu tư tại 12 nước và vùng lãnh thổ, chủ yếu trong các ngành xây dựng, chế biến thực phẩm, thương mại, dịch vụ. Chính phủ chúng tôi cho rằng hướng quan trọng nhất để phát triển kinh tế đối ngoại là tăng cường năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất, nhất là các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu đối với tất cả những mặt  hàng Việt Nam có hoặc không có lợi thế so sánh. Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài thông qua việc tìm kiếm thị trường, đàm phán và tham gia các thể chế thương mại song phương và đa phương.

Câu hỏi 5: Việt Nam là thành viên của ASEAN và APEC, theo Ngài, vai trò của Việt Nam tại khu vực trong tương lai sẽ như thế nào?

Trả lời:

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, tuy là một thành viên mới nhưng bằng những nỗ lực và ý thức trách nhiệm cao, Việt Nam  đã có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy sự hợp tác của Hiệp hội trên nhiều mặt theo hướng đoàn kết, hợp tác vì một ASEAN hoà bình, ổn định và phát triển đồng đều, kiên trì các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, mở rộng quan hệ ASEAN với bên ngoài. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN VI (1998) thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA), bao gồm  mọi lĩnh vực hợp tác của ASEAN trong 6 năm (từ 1999 đến 2004). Với vai trò là Chủ tịch Uỷ ban thường trực ASEAN và Diễn đàn khu vực ARF nhiệm kỳ 2000-2001, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị AMM 34 và ARF 8 tại Hà Nội, được các nước trong Hiệp hội đánh giá cao. Hội nghị đã thông qua một loạt sáng kiến, đặc biệt là Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây thực sự là một văn kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế của ASEAN. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện HPA, các chương trình liên kết kinh tế ASEAN như AFTA, AIA, AICO... Là thành viên chính thức của APEC từ năm 1998, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động trong diễn đàn như tổ chức các hội nghị nhóm công tác; đề xuất các sáng kiến, như sáng kiến về “Đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực hướng tới kinh tế tri thức” (đã được ghi nhận trong Tuyên bố chung của các Nhà Lãnh đạo APEC năm 2001), đề nghị APEC ủng hộ các thành viên APEC chưa phải là thành viên WTO được sớm gia nhập Tổ chức này... cũng như đưa ra các sáng kiến cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong APEC và trong từng nền kinh tế. Việt Nam đã quyết định đăng cai Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006. Chúng tôi ý thức được là sự thịnh vượng của Việt Nam gắn liền với sự thịnh vượng chung của khu vực. Chính sự ổn định của Việt Nam về chính trị và xã hội, sự phát triển kinh tế của Việt Nam là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực và cũng là điều kiện để thực hiện những chương trình mà ASEAN, APEC hiện nay đang theo đuổi. Có thể nói rằng chỉ sau vài năm gia nhập  ASEAN, APEC, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của các tổ chức này. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi  để Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực  và chủ động hơn nữa vì một ASEAN, APEC tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác  và phát triển, qua đó vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Câu hỏi 6: Việt Nam gần đây đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ và hiện đang trong quá trình đàm phán để gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Xin Ngài cho biết nhận định của mình về tình hình quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu? Xin Ngài cho biết những lĩnh vực mà Việt Nam và Liên minh châu Âu có thể hợp tác nhiều hơn nữa?

Trả lời:

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 11/1990 đến nay, quan hệ Việt Nam-EU đã có những bước phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương với việc ký Hiệp định Hợp tác giữa Việt Nam và EU tháng 7/1995, tham gia Hiệp định Hợp tác ASEAN-EU tháng 3/1997. - Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao nhằm tăng cường quan hệ chính trị và sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam  và EU. - Quan hệ kinh tế, thương mại tăng nhanh, trung bình khoảng 20-30%/năm. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2000 đạt 4,1 tỉ USD, 2001 đạt 4,5 tỉ USD. - Các nước EU đã đầu tư vào Việt Nam ngay từ những ngày đầu khi Việt Nam  ban hành Luật đầu tư nước ngoài (12/1987). Các nhà đầu tư châu Âu đã có mặt trong hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, góp phần tạo nên một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Tính đến tháng 8/2002, EU có 312 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5,93 tỷ USD, vốn pháp định 3,12 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 2 tỷ USD. - Uỷ ban châu Âu-EC và 15 nước thành viên đã viện trợ phát triển cho VN khoảng 2,6 tỉ euro trở thành nhà tài trợ vốn lớn thứ 3 cho Việt Nam (sau Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới). Các dự án của EU đã góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội và chuyển sang nền kinh tế thị trường. Ngày 15/5/2002, Uỷ ban châu Âu (EC) đã thông qua Chiến lược hợp tác giai đoạn 2001-2006 với Việt Nam với tổng số tài trợ đạt khoảng 162 triệu euro và đã thông qua ngân sách chi 101 triệu euro cho giai đoạn 2002-2004. Tôi lạc quan về triển vọng phát triển của quan hệ giữa Việt Nam  và EU trong thời gian tới. Tuy nhiên, quan hệ giữa Việt Nam  và EU còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Hai bên cần nỗ lực nhiều hơn để quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và văn hoá được tăng cường, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam.

Câu hỏi 7:  Việt Nam đang thực hiện nhiều số dự án quan trọng về cơ sở  hạ tầng (đường bộ, hàng không, đường sắt, viễn thông, năng lượng, phát triển các nguồn nhân lực...). Xin ngài cho biết về những  dự án quan trọng  liên quan đến lĩnh vực này  trong tương lai?

Trả lời:

Phát triển cơ sở hạ tầng là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, đầu tư và cải thiện đời sống của nhân dân.  Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, như xây dựng các cụm khí -điện-đạm; cải tạo và nâng cấp hệ thống truyền tải điện, nâng cấp các Quốc lộ, xây dựng đường Hồ Chí Minh xuyên suốt Việt Nam và nối với các nước trong khu vực, cải tạo các tuyến đường giao thông ở các đô thị lớn; xây dựng một số cầu lớn; nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, mở thêm tuyến mới đến các trung tâm  kinh tế; hiện đại hóa các sân bay quốc tế, nâng cấp các sân bay nội địa; cung cấp đủ nước sạch cho đô thị, khu công nghiệp và 90% cư dân nông thôn; giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước và xử lý chất thải ở các đô thị... Chính phủ Việt Nam mong muốn và hoan nghênh các chính phủ, các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục ủng hộ, cung cấp vốn ODA hoặc đầu tư trực tiếp vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là đường bộ, đường sắt, đường biển, bưu chính viễn thông, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực cũng như các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Việt Nam.

Câu hỏi 8: "Toàn cầu hóa" và "Thị trường tự do" là hai khái niệm kinh tế hàng đầu. Xin Ngài cho biết Việt Nam chấp nhận các khái niệm này như thế nào và nhận định của Ngài về vị trí của Việt Nam trong làng quốc tế?

Trả lời:

Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế khách quan, lôi cuốn các nước, bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực, vừa thúc đẩy hợp tác, vừa tăng sức ép cạnh tranh  và tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình vừa hợp tác để phát triển, vừa đấu tranh và hết sức phức tạp, đặc biệt là đấu tranh của các nước đang phát triển bảo vệ lợi ích của mình vì một trật tự kinh tế quốc tế công bằng, chống lại những áp đặt phi lý của các cường quốc kinh tế, các công ty xuyên quốc gia. Chúng tôi chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ mọi thời cơ để phát triển trên nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ quyền quốc gia và bản sắc dân tộc. Chúng tôi chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phát triển kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Chúng tôi không tách mình ra khỏi các quy luật kinh tế chung song cũng không rập khuôn máy móc theo những mô hình hiện có, mà học tập kinh nghiệm của các nước có chọn lọc nhằm tìm ra một mô hình kinh tế phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất của Việt Nam. Với trình độ phát triển kinh tế hiện nay, có thể nói vị trí kinh tế của Việt Nam trong “làng toàn cầu” còn hết sức nhỏ bé. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam là một bộ phận của kinh tế khu vực và thế giới, tương tác với các nền kinh tế khác. ở một số thị trường, hàng hóa Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình, thậm chí còn có vai trò điều tiết mức giá quốc tế như gạo, cà phê, hạt tiêu. Xuất phát điểm là nước nông nghiệp nên chúng tôi bắt đầu tham gia thị trường thế giới với những hàng nông sản và những mặt hàng này đã khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng trong 20 năm tới, Việt Nam không chỉ được biết đến bởi những mặt hàng nông sản mà còn bởi những hàng công nghiệp, hàng công nghệ cao và đến lúc đó vị thế của Việt Nam sẽ không thể khiêm tốn như hiện nay.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer