Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 21 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên trả lời phỏng vấn Báo Thương mại về ASEM


BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO NGUYỄN DY NIÊN TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO THƯƠNG MẠI  về ASEM (Ngày 12 tháng 6 năm 2002)

Câu hỏi 1: Xin Bộ trưởng cho biết Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM đã đề cập đến những vấn đề kinh tế lớn gì giữa hai châu lục Á - Âu?

Trả lời:

Hội nghị lần này đã tiến hành kiểm điểm việc thực hiện các thoả thuận đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM lần thứ 3 tại Hà Nội (10 - 11/9/2001) với 3 nội dung chính là tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch Hành động Thuận lợi hoá Thương mại ASEM (Trade Facilitation Action Plan - TFAP), Kế hoạch Hành động Thúc đẩy Đầu tư ASEM (Investment Promotion Action Plan - IPAP) và hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên của ASEM. Để đẩy nhanh việc thực hiện TFAP, các nước thành viên ASEM sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch đơn giản thủ tục hải quan, loại bỏ dần các rào cản thương mại chung, tạo thuận lợi cho việc đi lại của các doanh nhân ASEM.... Các nước thành viên ASEM cũng sẽ tiếp tục triển khai IPAP thông qua việc phối hợp cải thiện môi trường đầu tư, nghiên cứu thực hiện các biện pháp và mô hình thu hút đầu tư có hiệu quả nhất, tăng cường trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác qua mạng trao đổi thông tin ảo của ASEM.... Trong thời gian tới, ASEM cũng sẽ nghiên cứu và đề ra các chương trình và kế hoạch cụ thể để tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trong các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên của ASEM như công nghệ nông nghiệp, sinh học, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin viễn thông, vận tải và năng lượng. Ngoài các vấn đề hợp tác kinh tế riêng của ASEM nói trên, Hội nghị lần này cũng đã tập trung thảo luận hai vấn đề kinh tế lớn mang tính toàn cầu là (i) Phát triển bền vững (ii) Toàn cầu hoá và các chính sách kinh tế sau sự kiện 11/9. Về phát triển bền vững, ý kiến chung cho rằng xu thế toàn cầu hoá hiện nay đã làm gia tăng mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, do đó cần tăng cường hơn nữa hợp tác ở mức độ toàn cầu để đảm bảo phát triển đồng đều cả 3 yếu tố thiết yếu của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Trên cơ sở đó, cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như xoá đói giảm nghèo, chuyển giao công nghệ, bảo vệ và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, gia tăng năng lực quản lý.... Về toàn cầu hoá và chính sách kinh tế sau sự kiện 11/9: đây là chủ đề đoàn Việt Nam phát biểu chính (Lead speaker) tại Hội nghị lần này. Ta đã nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, chống khủng bố và suy thoái kinh tế toàn cầu là mối quan tâm và nhiệm vụ chung của cộng đồng quốc tế. Hai yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau vì đói nghèo và chênh lệch trình độ phát triển là những nguyên nhân sâu xa của nạn khủng bố. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với nhiều quốc gia trên thế giới là cần tìm ra được những chiến lược và chính sách phù hợp để đảm bảo phát triển bền vững. Những mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững sẽ không thể đạt được ngay cả ở những nước giàu nếu 3/4 dân số thế giới ở những nước nghèo và đang phát triển không được cùng tham gia tích cực và có hiệu quả vào quá trình toàn cầu hoá. Đây trước tiên là trách nhiệm của các quốc gia đang phát triển, qua việc thi hành các chính sách cải cách, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Tuy nhiên, do xuất phát điểm rất thấp, các nước này dù nỗ lực nhiều đến đâu cũng khó có thể đạt được kết quả mong muốn. Do đó các nước phát triển và cộng đồng quốc tế cần có những hành động thích hợp và cụ thể nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các nước đang phát triển, thông qua việc tăng lượng và tính hiệu quả của viện trợ phát triển; cải cách hệ thống tài chính và thương mại quốc tế theo hướng tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tham gia tích cực hơn vào quá trình ra quyết sách; tạo điều kiện tiếp cận thị trường, chuyển giao công nghệ, giảm gánh nặng nợ nần và dành những ưu đãi đặc biệt trong quá trình tham gia WTO. Phát biểu của đoàn ta đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của Hội nghị.

Câu hỏi 2: Toàn cầu hoá là xu hướng chung của thế giới hiện nay nhưng hiện một số nước lớn quay trở lại bảo hộ mậu dịch, ví dụ như chính sách bảo hộ ngành thép, nông nghiệp của Mỹ..... Vấn đề này có được đặt ra tại Hội nghị ASEM lần này không?

Trả lời:

Các nước thành viên Châu á đề cập nhiều đến việc cần dành ưu đãi hơn cho các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hoá về kinh tế, đặc biệt là ưu đãi về tiếp cận thị trường. Trên tinh thần đó, một số nước Châu Á đã tỏ quan ngại về việc một vài nước lớn thực hiện bảo hộ nông nghiệp, cản trở tự do thương mại và gây khó khăn cho nền nông nghiệp của các nước nghèo. Tự do hoá thương mại cần được tiến hành cùng với việc tăng cường hợp tác giải quyết những khó khăn do quá trình toàn cầu hoá mang đến, nhất là đối với các nước đang phát triển, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế toàn cầu.

Câu hỏi 3: Việt Nam có đưa ra sáng kiến, kiến nghị gì tại Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác á-âu và chống lại bảo hộ mậu dịch?

Trả lời:

Hội nghị lần này đã ghi nhận 4 sáng kiến của ta nhằm tăng cường hợp tác Á - Âu trên các lĩnh vực du lịch, tài chính, ngân hàng và thị trường, cụ thể gồm: -  Đẩy mạnh hợp tác du lịch để xoá đói, giảm nghèo và tăng thịnh vượng; -  Hợp tác về đào tạo và trợ giúp kỹ thuật ngành ngân hàng; -  Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về hoạch định chính sách tài khoá; -  Đối thoại ASEM về xây dựng thể chế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá. Tại Hội nghị, ta cũng đã nhiều lần nêu kiến nghị nhấn mạnh cần cải tiến hệ thống thương mại và tài chính quốc tế theo hướng tạo điều kiện cho các nước đang phát triển tham gia tích cực hơn vào quá trình ra các quyết sách chung, thâm nhập thị trường và tham gia WTO. Đây cũng là những yếu tố quan trọng giúp các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, qua đó đóng góp tốt hơn vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế toàn cầu và góp phần đẩy mạnh tự do hoá thương mại theo hướng công bằng và đáp ứng được nguyện vọng của các nước đang phát triển.

Câu hỏi 4: Những nội dung kinh tế quan trọng đệ trình lên Hội nghị cấp cao ASEM 4 sắp tới?

Trả lời:

 Để góp phần tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên ASEM trong lĩnh vực kinh tế, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM đã nhất trí kiến nghị Cấp cao ASEM 4 bàn về các ưu tiên hợp tác kinh tế và tài chính trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế nhằm tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế các quốc gia thành viên trong thời gian tới. Dưới chủ đề này, các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ ASEM sẽ bàn về các xu hướng hội nhập kinh tế, tiền tệ và tài chính hiện nay; tác động của việc lưu hành đồng tiền chung Châu Âu euro; hợp tác phát triển bền vững và về WTO. Theo chương trình của ASEM, ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEM 4 tại Cô- pen-ha-gen, Đan Mạch từ  22 - 24/9/2002 sẽ diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM lần thứ 4 (từ 5 -6/7/2002) và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM lần thứ 4 (từ 18 - 19/9/2002) để trao đổi việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai châu lục.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer