Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã trả lời phỏng vấn Báo Sài gòn Giải phóng nhân kết thúc Hội nghị lần thứ hai giữa ba Thủ tướng Việt Nam - Campuchia - Lào về xây dựng tam giác phát triểnViệt Nam - Camphuchia - Lào (Đăng trên báo Sài gòn Giải phóng ngày 28/1/2002)
Câu hỏi: Xin Bộ trưởng đánh giá về công tác đối ngoại của Việt Nam trong năm qua và tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ?
Trả lời:
Năm 2001 chúng ta đã triển khai rất tích cực và hiệu quả đường lối mà Đại hội Đảng CSVN lần IX đã đề ra. Vị thế quốc tế của chúng ta ngày càng được nâng cao, chúng ta có nhiều bạn bè, nhiều đối tác và chúng ta đã tham gia tích cực hơn vào các hoạt động quốc tế. Lần đầu tiên Việt Nam được bầu vào các tổ chức quan trọng của thế giới như : Phó Chủ tịch Ban chấp hành UNESCO, thành viên của Uỷ ban Nhân quyền, tham gia vào các cơ quan của Liên hợp quốc như UNDP... Điều quan trọng của ngoại giao năm qua là chúng ta đã có mối quan hệ rất tốt với các nước láng giềng. Với Trung Quốc, qua chuyến đi thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, chúng ta đã tăng cường quan hệ về mọi mặt. Chúng ta đã xử lý tốt những vấn đề giữa hai nước như vấn đề biên giới trên bộ, ký kết các Hiệp định về Phân chia Vịnh Bắc bộ, Hiệp định về nghề cá... Chúng ta tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với Lào, Campuchia, đồng thời chúng ta tăng cường quan hệ với các nước lớn. Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết, thực hiện cũng là thành công đáng kể của Đảng và Nhà nước ta. Trong lúc đó, ta tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước Tây Âu, với các nước truyền thống như Nga và một số nước Đông Âu. Chúng ta có mối quan hệ chặt chẽ với các nước không liên kết, với các nước độc lập dân tộc khác. Nhìn chung hoạt động đối ngoại của chúng ta rất đa dạng, đa phương và đạt kết quả đáng kể. Tôi cũng muốn nói, năm qua hoạt động ngoại giao đã lấy mục tiêu kinh tế làm mục tiêu rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, quan hệ kinh tế của chúng ta với các nước ngày càng được tăng cường. Các nước vẫn tiếp tục viện trợ, cung cấp nguồn vốn rất đáng kể thể hiện rõ nhất là Hội nghị các nước tài trợ vừa họp tháng 12 vừa qua đã cam kết viện trợ ODA cho chúng ta 2,4 tỷ USD bằng với năm 2000. Trong lúc khuynh hướng chung hiện nay là giảm bớt viện trợ ODA, đây cũng là thắng lợi đáng kể. Năm 2001, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Thường trực ASEAN. Chúng ta đã phát huy được vai trò Chủ tịch, giải quyết được khối lượng công việc rất lớn và các nước đánh giá cao đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển của ASEAN. Riêng thành phố Hồ Chí Minh năm qua đã có nhiều hoạt động đối ngoại với các nước láng giềng và khu vực. Thành uỷ và Uỷ ban Nhân dân thành phố đã có nhiều hoạt động quốc tế. Tôi nghĩ đây là điểm sáng rất sáng trong hợp tác quốc tế mà thành phố đã tham gia. Về kinh tế - thương mại, thành phố đã mở ra rất nhiều hoạt động hợp tác; các khách quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài rất muốn đến thành phố. Theo tôi, thành phố có những đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại chung của đất nước.
Câu hỏi: Một sự kiện quan trọng vừa diễn ra tại thành phố đó là Hội nghị lần thứ 2 giữa Thủ tướng ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào về xây dựng tam giác phát triển. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những thoả thuận đạt được của Hội nghị này ?
Trả lời:
Kỳ họp này chỉ trong một ngày mà đã bàn, giải quyết được rất nhiều vấn đề và đi đến thống nhất, hiệu quả rất thiết thực. Tôi nghĩ đây là thành công rất lớn. Thông thường tại các cuộc họp quốc tế thường có các cuộc họp hẹp trước khi đi vào họp chung, lần này ba Thủ tướng cũng có cuộc họp hẹp. Trong cuộc họp hẹp chủ yếu về mối quan hệ giữa ba nước với nhau và trong đó có vấn đề phối hợp giữ an ninh như thế nào ? Chúng ta đang chống những lực lượng xấu can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước, chúng ta đang chống ma tuý, các hoạt động tội ác khác, việc trao đổi của ba thủ tướng là rất cần thiết. Vấn đề tam giác phát triển giữa ba nước là một vấn đề rất quan trọng nó gắn liền với chương trình hành lang Đông - Tây của ASEAN cũng như chương trình tiểu vùng Mê kông mà ASEAN đang phối hợp với một số nước thực hiện để làm thế nào mà thu hẹp khoảng cách các miền trong khu vực, cũng như phát triển nguồn nhân lực trong khu vực này. Trong Tam giác phát triển này có ban vấn đề ra ba Thủ tướng quan tâm nhiều nhất đó là xây dựng cơ sở hạ tầng - giao thông; tăng cường hoạt động thương mại, thúc đẩy du lịch; khai thác nguồn thuỷ điện năng lượng của khu vực này.
Câu hỏi: Thưa Bộ trưởng, những chủ đề nào được ưu tiên trong việc phát triển quan hệ hợp tác giữa ba nước?
Trả lời:
Tôi nghĩ cái lớn nhất đó là xây dựng mạng lưới giao thông giữa ba nước, ba Thủ tướng có nêu vấn đề phải phát huy nội lực của từng nước và kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Câu hỏi: Theo Bộ trưởng sẽ có những chính sách ưu tiên nào được thực hiện nhằm để phát triển khu vực tam giác phát triển trước hết tại 7 tỉnh biên giới của ba nước?
Trả lời:
Về các chính sách ưu tiên, khi ba Thủ tướng họp cũng đã đề cập đến. ở đây có mấy vấn đề như : chính sách thuế quan, miễn giảm thuế đến mức tối thiểu để hàng hoá phát triển dễ dàng; việc đi lại cho công dân của ba nước (để thuận tiện cần nghiên cứu một giấy tờ nào thay thế cho visa như chứng minh thư biên giới chẳng hạn), và một loạt chính sách kinh tế nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào ba nước và hợp tác kinh tế giữa ba nước với nhau. Ba Thủ tướng giao cho các đoàn chuyên viên của ba bên nghiên cứu cụ thể, trình lên ba Thủ tướng.
Câu hỏi: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự thành công của Hội nghị lần này?
Trả lời:
So với Hội nghị lần thứ nhất năm 1999 thì tại Hội nghị này ba Thủ tướng bàn những vấn đề cụ thể hơn và đưa ra một lộ trình rõ ràng. Tôi thấy thành công của Hội nghị hết sức tốt đẹp và đưa lại nhiều hứa hẹn và tôi tin rằng tam giác phát triển nảy sẽ có những bước phát triển mới. Đây là tam giác phát triển nằm trong chương trình chung của tiểu vùng sông Mêkông và nó cũng nằm trong chương trình chung của hành lang Đông Tây mà các nước ASEAN đã thoả thuận. Nếu chúng ta làm tốt việc phát triển tam giác này là chúng ta triển khai tốt chương trình chung của Tiểu vùng sông Mêkông và chương trình hành lang Đông Tây. Câu hỏi: Sau Hội nghị này, việc bắt tay thực hiện các thoả thuận đạt được của các bên sẽ triển khai như thế nào? Trả lời: Chuyên viên của ba nước sau Hội nghị trong một hai tháng tới sẽ phải họp để triển khai kết quả của Hội nghị này và nhất là nêu ra một lộ trình để thực hiện những điều ba Thủ tướng đã thoả thuận. Khi kết luận Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói rõ là việc triển khai này phải làm khẩn trương để trong kỳ họp tới phải báo cáo kết quả những việc đã thực hiện được ở giữa hai kỳ họp của ba Thủ tướng.