Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn báo Korea Herald (Hàn Quốc)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn
báo Korea herald (Hàn quốc)
(Ngày 24 tháng 8 năm 2001)
Câu hỏi 1: Chủ tịch Trần Đức Lương là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam thăm Hàn Quốc. Xin Ngài cho biết về ý nghĩa của chuyến thăm này?
Trả lời:
Đây là lần đầu tiên tôi có vinh hạnh được tới thăm đất nước Hàn Quốc tươi đẹp của các bạn trên cương vị là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Chuyến thăm của tôi lần này tới Hàn Quốc diễn ra vào thời điểm đầy ý nghĩa, mở đầu Thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ mới và quan hệ hai nước đã bước sang năm thứ 10 với nhiều triển vọng mới. Cũng tại chuyến thăm này, Ngài Tổng thống Kim Tê Chung và tôi có dịp để khẳng định lại quyết tâm của hai nước tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc cũng như những văn kiện được ký kết đã thể hiện quyết tâm đó. Một khuôn khổ mới cho quan hệ hai nước đã được xác định, đó là: “Đối tác toàn diện trong Thế kỷ 21”. Tôi hy vọng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới, góp phần vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Câu hỏi 2: Xin Ngài cho biết những chủ đề mà Ngài sẽ trao đổi với Tổng thống Kim Tê Chung trong các cuộc hội đàm cấp cao?
Trả lời :
Chủ đề chính trong các cuộc hội đàm giữa tôi và Ngài Tổng thống Kim Tê Chung sẽ là: Thứ nhất, tập trung đánh giá những tiến bộ trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua. Thứ hai, cùng nhau thảo luận, tạo dựng một khuôn khổ mới thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, trong đó nhấn mạnh tới việc tăng cường trao đổi giữa lãnh đạo chính trị và quan chức hai nước; gia tăng qui mô đầu tư, thương mại, hợp tác trên các lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp, tài nguyên, công nghệ thông tin, năng lượng hạt nhân, xây dựng, hàng không; hợp tác thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là là hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ đa phương như ASEAN+3, APEC, ASEM và Liên Hợp Quốc cũng như việc duy trì và củng cố hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Câu hỏi 3: Ngài đánh giá như thế nào về quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam?
Trả lời:
Quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong 9 năm qua đã phát triển nhanh chóng, có hiệu quả và đang gia tăng mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, giáo dục, du lịch. Về chính trị, hai nước thường xuyên duy trì các cuộc thăm viếng, tiếp xúc ở các cấp lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các ngành, địa phương, đoàn thể nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu giữa hai nước trên các lĩnh vực khác nhau. Về quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư, hai nước đã trở thành đối tác đầu tư và bạn hàng quan trọng của nhau; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở mỗi nước. Hàn Quốc là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2000 là hơn 2 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ 4 trong bảng danh sách các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư tính đến tháng 5/2001 là 3,2 tỷ USD với 297 dự án đang hoạt động. Chính phủ Hàn Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 22,5 triệu USD và cho vay ưu đãi 128 triệu USD để thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo. Hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, thể dục - thể thao, y tế và du lịch cũng được xúc tiến mạnh. Tôi hy vọng với quyết tâm và nỗ lực của cả hai nước, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn, tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước, đáp ứng lợi ích của mỗi nước, góp phần tích cực vào việc duy trì hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.
Câu hỏi 4: Quan hệ Hàn Quốc và Việt Nam đã được cải thiện đáng kể kể từ khi bình thường hoá năm 1992. Theo Ngài thì đâu là những sức mạnh đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng đó.
Trả lời:
Sau gần một thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước chúng ta đã phát triển nhanh chóng và ngày càng có hiệu quả cao trong mọi lĩnh vực. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đã sang thăm lẫn nhau. Hai nước cũng đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng. Sở dĩ có được sự phát triển mạnh mẽ đó chính là vì hai nước chúng ta đều nằm trong khu vực Đông á, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hoá. Hai nước có nhiều tiềm năng có thể bổ sung cho nhau: Việt Nam có nguồn nhân lực và tài nguyên dồi dào. Hàn Quốc có vốn và kỹ thuật. Chính phủ và nhân dân hai nước đều có nhu cầu chung là kiến tạo hoà bình, ổn định ở khu vực để phát triển kinh tế trong nước vì cuộc sống tốt đẹp hơn và đều rất coi trọng việc nỗ lực thúc đẩy phát triển quan hệ Việt-Hàn đáp ứng yêu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước. Điều này càng có ý nghĩa mỗi khi chúng ta nhắc đến hậu quả chiến tranh ở Việt Nam trước đây. Luôn hướng tới tương lai, chúng ta vui mừng nhận thấy triển vọng quan hệ giữa hai nước chúng ta là đầy hứa hẹn, tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực là hết sức to lớn.
Câu hỏi 5: Ngài có quan điểm như thế nào về chính sách “ánh dươn” của Tổng thống Kim? Theo Ngài, cần phải làm gì để thúc đẩy hơn nữa hoà bình và an ninh ở bán đảo Triều Tiên? Chúng tôi có thể chờ đợi Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong tiến trình hoà hợp hai miền Triều Tiên
Trả lời:
Hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên có liên quan chặt chẽ với hoà bình, ổn định ở Đông Bắc á và Châu á-Thái Bình Dương nói chung. Là dân tộc đã có cùng chung cảnh ngộ đất nước bị chia cắt, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn có hoà bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc giải quyết các vấn đề bán đảo Triều Tiên một cách hoà bình, thông qua đối thoại; ủng hộ nguyện vọng hoà bình thống nhất đất nước của nhân dân trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên và Tuyên bố chung Nam-Bắc ngày 15/6/2000 và những tiến triển gần đây ở Bán đảo Triều Tiên, coi đây là bước tiến tích cực, góp phần làm dịu tình hình căng thẳng và duy trì hoà bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên và khu vực. Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy tiến trình hoà giải, hợp tác và giao lưu Nam-Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất ở bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để góp phần vào việc củng cố và thúc đẩy hoà bình, ổn định và hợp tác trên bán đảo Triều Tiên.
Câu hỏi 6: Điều gì đã được thảo luận giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên trong chuyến thăm Việt Nam của ông Kim Dâng Nam khi ông tới thăm Hà Nội vừa qua? Việt Nam có quan điểm thế nào về đề nghị cung cấp gạo của ông Kim?
Trả lời:
Từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 7 năm 2001, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao nước CHDCND Triều Tiên Kim Dâng Nam đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của CHDCND Triều Tiên tới Việt Nam kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1964, tạo không khí mới và cơ sở mới đưa mối quan hệ hợp tác hữu nghị đã có từ lâu giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên bước vào Thế kỷ 21. Trong chuyến thăm này, hai bên đã tập trung trao đổi về các biện pháp để thúc đẩy quan hệ song phương. Hai bên cũng thoả thuận hai Chính phủ sẽ tiến hành đàm phán để xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết cho việc tăng cường và mở rộng sự giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá... giữa hai nước và sớm họp phiên thứ 4 Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-khoa học-kỹ thuật giữa hai nước để thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương. Phía CHDCND Triều Tiên cũng đã cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc khắc phục thiên tai thời gian qua của nhân dân Triều Tiên.
Câu hỏi 7: Ngài có nghĩ rằng nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Chính Nhật sẽ thăm Hàn Quốc để dự cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên tại Xơ-un trong năm nay không?
Trả lời:
Nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ mọi nỗ lực của cả hai miền Triều Tiên tiến tới hoà giải và thống nhất đất nước. Vì lẽ đó, chúng tôi hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức tại Bình Nhưỡng tháng 6/2000 và cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai được dự định sẽ tổ chức tại Xơ-un trong năm nay. Việc Chủ tịch Kim Chính Nhật có đến Xơ-un như dự định được hay không phụ thuộc vào sự chuẩn bị của hai phía và chúng tôi khó có điều kiện biết rõ hơn các bạn.
Câu hỏi 8: Ngài có dự kiến đi thăm CHDCND Triều Tiên không? Ngài có dự định khuyên chính phủ CHDCND Triều Tiên áp dụng chính sách đổi mới và mở cửa như Việt Nam không?
Trả lời:
Việt Nam luôn mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và đi thăm Bình Nhưỡng cũng là một mong muốn của tôi nhằm tiếp tục phát triển mối quan hệ đó. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Chủ tịch Quốc hội CHDCND Triều Tiên Kim Dâng Nam, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước và phía CHDCND Triều Tiên bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau 15 năm đổi mới. Chúng tôi cho rằng, việc phát triển mỗi nước cần trước hết dựa trên những điều kiện đặc thù về văn hoá, lịch sử, chính trị của nước mình, không thể và không nên áp dụng một cách máy móc bất cứ mô hình nào. Tất nhiên, việc học hỏi kinh nghiệm của nước khác là cần thiết. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ biết cần làm gì để đem lại hạnh phúc và phồn vinh cho nhân dân mình.
Câu hỏi 9: Việt Nam đã đạt được sự phát triển kinh tế mạnh mẽ kể từ đầu những năm 1990 đến nay và đang trở thành một cường quốc kinh tế trong ASEAN. Xin Ngài cho biết lý do của thành công này?
Trả lời:
Những thành công trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu nhờ vào các yếu tố sau: Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt đề ra đường lối đổi mới kinh tế toàn diện, mà các bước được tiến hành phù hợp với đặc thù của đất nước. Chính sách đổi mới đã giải phóng được sức lao động, khơi dậy tiềm năng của mọi thành phần kinh tế trong xã hội và phát huy ở mức cao nhất nội lực đồng thời với việc sử dụng một cách có hiệu quả sự giúp đỡ từ bên ngoài. Trong quá trình tiến hành đổi mới, chúng tôi luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ hai, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, Việt Nam có hoà bình và ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Chính yếu tố ổn định chính trị được giữ vững đã tạo được một môi trường tốt cho đầu tư nước ngoài và điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thứ ba, nguồn tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam là con người. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống đoàn kết, cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất. Những truyền thống quý báu đó đã được phát huy tốt nhất trong giai đoạn hiện nay khi đất nước trải qua giai đoạn phát triển mới. Người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được những thành tựu khoa học và công nghệ mới cũng như những loại hình ngành nghề mới. Mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều nhằm đem lại hạnh phúc và ấm no cho nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và nhân dân Việt Nam đóng vai trò quyết định trong việc biến những chủ trương chính sách đó thành hiện thực. Nhân dân chúng tôi đã đang và sẽ làm được điều đó.
Back Top page Print Email |