Chủ tịch nước trần đức lương trả lời phỏng vấ Tạp chí Diplomacy (Hàn quốc) Ngày 22 tháng 8 năm 2001
Câu hỏi 1: Xin Ngài Chủ tịch cho biết mục đích và kết quả của chuyến thăm Hàn Quốc lần này?
Trả lời:
Đây là lần đầu tiên tôi có vinh hạnh được tới thăm đất nước Hàn Quốc tươi đẹp của các bạn với tư cách là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Chuyến thăm của tôi lần này tới Hàn Quốc diễn ra vào thời điểm đầy ý nghĩa, mở đầu Thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ mới và quan hệ hai nước đã bước sang năm thứ 10 với nhiều triển vọng mới. Tôi và Ngài Tổng thống Kim Tê Chung đã có các cuộc trao đổi sâu rộng về việc phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi có cùng nhận thức chung về việc cần tăng cường và xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới cho mối quan hệ song phương Việt - Hàn, đó là: “Đối tác toàn diện trong Thế kỷ 21”. Mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển tốt đẹp không chỉ có lợi cho Việt Nam và Hàn Quốc mà còn góp phần tích cực cho việc gìn giữ hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu á- Thái Bình Dương.
Câu hỏi 2: Xin Ngài Chủ tịch cho biết những vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối phó là gì?
Trả lời:
Sau 15 năm đổi mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, trước mắt, chúng tôi đang có cả cơ hội lớn và thách thức lớn. Cơ hội lớn mà chúng tôi có được là thế và lực của đất nước chúng tôi đã lớn mạnh lên nhiều. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế được tăng cường. Đất nước còn nhiều tiềm năng lớn về tài nguyên, lao động. Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định. Môi trường hoà bình, sự hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tạo điều kiện để chúng tôi tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực. Đồng thời, chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; chất lượng cạnh tranh và hiệu quả của sự phát triển kinh tế; giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cũng như các vấn đề xã hội nẩy sinh.v.v. Chúng tôi hiểu rằng những thách thức đó là điều tất yếu nẩy sinh trong thời kỳ quá độ. Điều quan trọng nhất là chúng tôi ý thức rất rõ, quyết nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới.
Câu hỏi 3: Xin Ngài cho biết tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay? Những chính sách kinh tế lớn của Việt Nam trong thế kỷ 21?
Trả lời:
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế 1991-2000, kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trong nước năm 2000 tăng gấp đôi so với năm 1990. Nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, văn hoá - xã hội không ngừng tiến bộ; thế và lực của đất nước đã hơn hẳn 10 năm trước để vững vàng bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu. Bước vào đầu Thế kỷ 21, với mục tiêu đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng tôi chủ trương khơi dậy và ra sức phát huy nội lực, giữ vững độc lập tự chủ, đi đôi với mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế Các chính sách, biện pháp kinh tế chính là phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ thị trường trong nước; phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với văn hoá; thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển và thu nhập giữa các vùng và các tầng lớp dân cư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước.
Câu hỏi 4: Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 5 và nước đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam. Xin Ngài cho biết triển vọng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong năm 2001?
Trả lời :
Tôi rất vui mừng nhận thấy chỉ mới gần 10 năm sau khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước chúng ta đã phát triển nhanh chóng. Hai nước đã trở thành đối tác đầu tư và bạn hàng quan trọng của nhau, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế của mỗi nước. Trong năm 2000 vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn quốc đã đạt trên 2 tỷ USD và trong 4 tháng đầu năm 2001 đã đạt được 670 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Về đầu tư, Hàn Quốc đang đứng thứ 4 trong danh sách các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư tính đến tháng 5/2001 là 3,2 tỷ USD với 297 dự án đang hoạt động. Đầu tư của Hàn Quốc ở Việt Nam đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Tiềm năng để mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới còn rất phong phú và to lớn. Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn để khai thác và phát huy một cách tốt nhất những tiềm năng đó. Tôi hy vọng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả to lớn hơn nữa trong tương lai.
Câu hỏi 5: Ngài muốn mời các doanh gia Hàn Quốc vào kinh doanh trong các lĩnh vực nào ở Việt Nam?
Trả lời:
Chúng tôi luôn coi trọng và hoan nghênh các nhà đầu tư và kinh doanh Hàn Quốc vào Việt Nam. Trong những năm qua, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào nhiều ngành kinh tế quan trọng tại Việt Nam từ cơ sở hạ tầng đến công nghiệp và dịch vụ... Tôi hy vọng trong thời gian tới các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào những ngành mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển và Hàn Quốc có thế mạnh, đó là: cơ sở hạ tầng, điện tử, viễn thông, công nghiệp chế tạo và chế biến, nhất là chế biến nông sản, hải-thuỷ sản và lâm sản. Về phần mình, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát huy tiềm năng của hai bên để mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Câu hỏi 6: Ngài là vị nguyên thủ đầu tiên của Việt nam sang thăm Xơ-un kể từ khi Xơ-un và Hà Nội lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Xin Ngài cho biết ấn tượng chung của mình về Hàn Quốc?
Trả lời:
Tại chuyến thăm này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những nỗ lực và thành tựu to lớn mà nhân dân Hàn Quốc đã tạo dựng được trong công cuộc phát triển kinh tế cũng như vượt qua những khó khăn to lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế. Với quyết tâm mạnh mẽ, các bạn đã xây dựng đất nước mình thành một nước công nghiệp phát triển với cơ sở hạ tầng kinh tế mà nhiều quốc gia Châu á khác khâm phục. Những gì các bạn đạt được trong lĩnh vực phát triển kinh tế cũng là điều mà nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam mong muốn đạt được. Chuyến thăm này cũng là dịp để đoàn chúng tôi có dịp tiếp xúc với những người dân Hàn Quốc giàu lòng mến khách, đầy tự tin và quả cảm cũng như phát hiện thêm những nét tiêu biểu của nền văn hoá có bản sắc dân tộc rất rõ ràng.
Câu hỏi 7: Xin Ngài bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên và cho biết ý kiến về triển vọng thống nhất Triều Tiên?
Trả lời:
Cuộc gặp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên tháng 6/2000 là một sự kiện chính trị quan trọng không chỉ đối với bán đảo Triều Tiên mà còn đối với cả khu vực Đông á. Việt Nam luôn theo dõi sát sao tình hình bán đảo Triều Tiên và hoan nghênh sự kiện này vì nó đánh dấu một bước tiến mới trong tiến trình hoà giải và tiến tới thống nhất hai miền. Là một đất nước từng bị chia cắt, Việt Nam rất hiểu và chia sẻ nguyện vọng hoà bình thống nhất của nhân dân hai miền Triều Tiên. Nhân dân Việt Nam chân thành mong muốn nguyện vọng đó sớm trở thành hiện thực.
Câu hỏi 8: Tôi được biết đây là cuộc gặp thứ hai giữa Ngài và Tổng thống Kim Tê Chung. Xin Ngài cho biết ấn tượng của mình về Tổng thống Kim Tê Chung? Đặc biệt, Ngài có bình luận gì về việc Tổng thống Kim Tê Chung được đề cử nhận giải Nô-ben hoà bình?
Trả lời:
Trong lần gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Kim Tê Chung, tôi đã có một ấn tượng tốt đẹp về Tổng thống. Ông là một người cởi mở, thẳng thắn, lịch thiệp và là một nhà lãnh đạo tài năng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và hiệu quả của ông, Hàn Quốc sớm hồi phục sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu á năm 1997-1998 và tiếp tục nhịp độ tăng trưởng tốt. Ông đã có những đóng góp hết sức to lớn cho đất nước Hàn Quốc. Việc ông được đề cử nhận giải thưởng Nô-ben hoà bình là sự ghi nhận của quốc tế đối với những đóng góp đó. Tôi chân thành chúc mừng Tổng thống Kim Tê Chung nhân sự kiện này.
Câu hỏi 9: Ngài có bình luận gì về chương trình phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ?
Trả lời:
Vì đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam luôn mong muốn và ủng hộ mọi nỗ lực vì hoà bình và ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới. Vì lẽ đó, tôi cho rằng việc triển khai chương trình phòng thủ tên lửa quốc gia của Hoa Kỳ (NMD) sẽ tác động tiêu cực tới sự cân bằng chiến lược khu vực và toàn cầu, gây tổn hại đến quá trình giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí hiện nay và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới. Việc làm này không có lợi cho hoà bình và an ninh quốc tế, đi ngược lại xu thế của thời đại là hoà bình và phát triển.
Câu hỏi 10: Theo kinh nghiệm của mình, Ngài suy nghĩ thế nào về một vị Chủ tịch nước?
Trả lời:
Nhà nước chúng tôi là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, do Đảng cộng sản lãnh đạo. Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội và đối ngoại. Đây là một vinh dự to lớn đồng thời cũng là một trọng trách mà Quốc hội đã giao cho. Tôi nguyện đem hết sức mình để làm tốt nhiệm vụ cao cả này vì một đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, và vì một thế giới hoà bình, không có chiến tranh, các dân tộc đều bình đẳng, cùng nhau hợp tác, phấn đấu cho phồn vinh và hạnh phúc.
Câu hỏi 11: Ngài sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình thế nào? Ngài có những ham thích gì?
Trả lời:
Khoa học có một vị trí quan trọng trong cuộc đời tôi. Từ một nhà khoa học địa chất, nhà nghiên cứu về quản lý kinh tế đến cương vị Chủ tịch nước hiện nay, tôi đã trưởng thành qua nhiều năm gắn bó với việc nghiên cứu khoa học. Tôi vẫn rất ham thích theo dõi các thành tựu mới của nhân loại về trái đất và về vũ trụ; ham thích nghiên cứu về triết học và lịch sử. Nghiên cứu khoa học luôn là một niềm say mê trong cuộc đời tôi. Mặc dù rất bận rộn, tôi vẫn thường dành thời gian cho việc nghiên cứu các vấn đề chính trị, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, đặc biệt nghiên cứu và tìm hiểu kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của các nước khác. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian thích hợp cho các hoạt động thể thao, đọc và thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật.