Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Tuesday, ngày 07 tháng 01 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn phóng viên hãng Big Media Group (vương quốc Bỉ)


Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn
phóng viên hãng Big Media Group (vương quốc Bỉ)
(Ngày 16 tháng 3 năm 2001)

Câu hỏi 1: Xin Ngài cho biết một số điểm khái quát về công cuộc phát triển kinh tế-chính trị của Việt Nam trong 10 năm qua?

Trả lời:

10 năm qua chúng tôi thực hiện sự nghiệp đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986. Ngay từ đầu, chúng tôi đã chủ trương tiến hành đổi mới toàn diện và đồng bộ, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước tiến hành đổi mới về chính trị. Thực tế trong những năm qua đã khẳng định chủ trương đổi mới với những bước đi và mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam. Với đường lối đúng đắn và một quyết tâm mạnh mẽ trong quá trình thực hiện, những thành tựu mà chúng tôi thu được sau 15 năm đổi mới và 10 năm thực hiện chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội (1991-2000) là rất đáng tự hào, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của đất nước Việt Nam. Thực hiện kế hoạch 5 năm 1996 - 2000, GDP tăng trung bình 7%/năm. GDP năm 2000 tăng 6,75 %, dự kiến năm 2001 sẽ tăng 7,5%. Từ chỗ là nước thường xuyên phải nhập khẩu lương thực, chúng tôi không những đã đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Cho đến nay, chúng tôi đã thu hút trên 36 tỉ USD đầu tư trực tiếp của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, ổn định chính trị được giữ vững, quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Các vấn đề xã hội rất được quan tâm. Năm 2000 chúng tôi cũng đã tạo việc làm mới cho 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy ít nhiều bị ảnh hưởng của khủng hoảng ở các nước bạn bè truyền thống vào những năm cuối 80 và đầu 90, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trong khu vực, nhưng chúng tôi đã không bị rơi vào vòng xoáy của các cuộc khủng hoảng này mà hơn thế, đã tích luỹ và xây dựng được cơ sở vật chất để chuẩn bị tiền đề chuyển sang một giai đoạn phát triển mới cao hơn là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở theo phương châm "là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển", Việt Nam đã trở thành thành viên các tổ chức ASEAN và APEC, có quan hệ hợp tác tốt đẹp với các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và WB, ký Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, đang trong tiến tình gia nhập WTO v.v... Trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới cải cách hành chính, coi đây là đột phá khẩu qua đó nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan Chính phủ và chính quyền các cấp. Đồng thời, việc phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt ở cơ sở, có tầm quan trọng to lớn. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định đảm bảo thực hiện dân chủ, trong đó có Quy chế dân chủ ở cơ sở và các cơ quan Nhà nước. Bước vào thế kỷ 21, chúng tôi hiểu là cần có những quyết sách, bước đi phù hợp nhất để giảm thiểu nguy cơ phát triển không bền vững, tranh thủ tối đa thời cơ mới trên cơ sở thế và lực mà đất nước chúng tôi đã tạo dựng được trong những năm qua với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Câu hỏi 2: Những tiến triển chủ yếu của chính sách tài chính tiền tệ trong 10 năm qua?

Trả lời:

Trong 10 năm qua, đổi mới chính sách tài chính tiền tệ đã đạt được những bước tiến căn bản, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng đã đặt ra và bước đầu tích cực thúc đẩy quá trình hội nhập của Việt nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Về chính sách tài chính, cùng với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thuế, tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước trong GDP ngày càng tăng. Cơ cấu thu, chi ngân sách đã có thay đổi cơ bản về nhiều mặt, trong đó các khoản chi mang tính chất bao cấp hầu hết đã bị cắt giảm, tập trung cho các khoản chi phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình kinh tế then chốt, chi đầu tư cho phát triển nguồn lực con người.... Về chính sách tiền tệ, trước hết phải kể đến những cố gắng trong quá trình triển khai Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức tín dụng. Chính sách cung ứng tiền tệ chuyển từ kế hoạch tập trung sang điều tiết linh hoạt theo cung cầu của thị trường trên cơ sở hệ thống mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ, phê duyệt. Lượng tiền cung ứng hàng năm đã được kiểm soát chặt chẽ. Chính sách lãi suất, tín dụng đã có sự thay đổi quan trọng, phản ánh đúng quan hệ thực tế cung cầu tiền trên thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các thị trường và các công cụ chính sách thị trường ngày càng được hoàn thiện theo hướng hoà nhập tốt hơn vào thị trường tiền tệ khu vực và thế giới. Năm 1999, thị trường chứng khoán ra đời và sau đó Trung tâm Giao dịch chứng khoán tại TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động năm 2000, trở thành một kênh tài chính quan trọng cho đầu tư phát triển, có tác dụng huy động và thúc đẩy sự chu chuyển vốn trong xã hội. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục mở rộng hoạt động của thị trường chứng khoán, khẩn trương chuẩn bị để Trung tâm giao dịch chứng khoán ở Thủ đô Hà Nội sớm đi vào hoạt động. Có thể khẳng định trong 10 năm qua, bên cạnh những khó khăn và những hạn chế gặp phải, chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ hết sức quan trọng, theo hướng phục vụ cho sự hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Câu hỏi 3: Xin Ngài cho biết những mặt hàng xuất khẩu chính đem lại ngoại tệ cho Việt Nam là gì ? Những biện pháp tăng cường xuất khẩu của Việt Nam là gì ?

Trả lời:

Trước hết, tôi muốn nêu bức tranh tổng thể. Cho đến nay Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ. Điều đáng phấn khởi là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 10 năm tăng gấp 6 lần, nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm qua đã đạt được 67,3 tỉ USD, bình quân hàng năm tăng 18,2%. Trong năm 2000, tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi đã đạt 14,3 tỉ USD (tăng 24% so với năm trước) trong đó hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm khoảng 35%, hàng công nghiệp nhẹ chiếm khoảng 35,7%, hàng nông, lâm, thuỷ sản chiếm khoảng 29,3%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài không những đạt giá trị xuất khẩu lớn (6,75 tỉ USD) mà còn tăng trưởng cao (44,7%) và tạo ra nhiều mặt hàng có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước như máy vi tính, hàng điện tử cao cấp. Chỉ riêng giá trị xuất khẩu của hai mặt hàng này năm 2000 đã lên đến 800 triệu USD (tăng 39,2% so với năm 1999). Hàng thủ công mỹ nghệ tuy chỉ đạt 250 triệu USD (tăng 48,8%) nhưng mức tăng của lĩnh vực này rất có ý nghĩa xét trên khía cạnh tạo công ăn việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Từ chỗ có ít mặt hàng xuất khẩu trên 100 triệu USD đến nay đã có 5 mặt hàng trên 1 tỉ USD là dầu thô, gạo, hàng dệt may, giày dép và thuỷ sản. Cùng với việc thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế khác của cả nước, những thành tích về xuất nhập khẩu năm 2000 là rất đáng khích lệ. Trước mắt, chúng tôi thực hiện cơ chế điều hành xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005 trong chiến lược xuất nhập khẩu 10 năm, trong đó có hai nội dung nổi bật là tiếp tục mở rộng hơn nữa quyền kinh doanh của các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và xây dựng lộ trình giảm thiểu các biện pháp hạn chế định lượng trong thời kỳ 5 năm; đối với những mặt hàng cần bảo hộ sẽ áp dụng các công cụ bảo hộ mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi tin rằng với tất cả những chính sách trên, nhất định kim ngạch xuất khẩu và cơ cấu hàng xuất khẩu của chúng tôi trong những năm tới sẽ có những bước phát triển quan trọng.

Câu hỏi 4: Xin Ngài cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có vai trò như thế nào trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam? Những sáng kiến thúc đẩy và hỗ trợ đầu tư nước ngoài? Việt Nam có những chính sách và điều kiện tự nhiên thuận lợi nào để thu hút đầu tư nước ngoài?

Trả lời:

Chính phủ chúng tôi coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận kinh tế quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, gắn bó với sự phát triển đất nước Việt Nam. Trong những năm qua, đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, nhất là trong việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, góp phần khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước. Tính đến thời điểm cuối năm 2000, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện chiếm tỷ trọng khoảng 23% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra 34% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 22% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp vào khoảng 12% GDP chung của cả nước; khu vực đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm cho trên 35 vạn lao động trực tiếp và thu hút hàng chục vạn lao động khác trong các ngành dịch vụ liên quan. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá, vào công cuộc đổi mới và tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã từng bước đưa ra nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khung pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài ngày càng được cải thiện; đặc biệt Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần, trở nên ngày càng thông thoáng và hấp dẫn. Hệ thống chính sách ngày càng được bổ sung và hoàn thiện trong các lĩnh vực về đất đai, tài chính, giá phí, lao động, quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ, cải cách thủ tục hành chính, v.v.. Trong vài năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức những cuộc trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với các nhà đầu tư nước ngoài, cùng nhau tìm cách tháo gỡ các khó khăn. Việt Nam có nhiều thế mạnh tự nhiên về vị trí địa lý (nằm trong khu vực Đông á phát triển năng động), tài nguyên thiên nhiên, lao động... Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục khai thác triệt để những lợi thế này. Bên cạnh đó, công cuộc đổi mới nói chung, trong đó bao gồm chính sách đối ngoại rộng mở theo hướng hội nhập, làm bạn với tất cả các nước, tạo ra những động lực quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng nhờ những nỗ lực đã nói ở trên, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sau khi đi xuống trong những năm 1997-1999, đã có dấu hiệu phục hồi trở lại từ nửa cuối năm 2000 và hy vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm nay và những năm sau.

Câu hỏi 5: Xin ngài cho biết một số dự án hạ tầng cơ sở lớn ở Việt Nam về đường bộ, đường biển, đường sắt, bưu chính viễn thông, năng lượng, phát triển các nguồn nhân lực đã và đang kêu gọi đầu tư nước ngoài? Những dự án lớn trong tương lai?

Trả lời:

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam, hàng năm, các cơ quan hữu quan của Chính phủ đều phối hợp xây dựng và ban hành Danh mục dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài. Danh mục này được xây dựng căn cứ trên các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội dài hạn và ngắn hạn của Chính phủ, các quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế, các địa phương đã được Chính phủ phê duyệt và phù hợp chủ trương, chính sách chung về khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các cơ quan liên quan của Chính phủ và các địa phương tích cực tiến hành các công việc chuẩn bị để sớm ban hành Danh mục dự án gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2001-2005, bao gồm các dự án ưu tiên thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế với những hình thức và nội dung ưu đãi phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dự kiến Danh mục này sẽ được ban hành vào tháng 3 năm 2001. Tôi có thể nói rằng, Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án lớn không chỉ trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, chế biến nông sản, hải sản...mà cả trong xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là đường bộ, đường sắt, đường biển, bưu chính viễn thông, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực cũng như các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Việt Nam.

Câu hỏi 6: Xin Ngài cho biết những đường lối, chủ trương phát triển lớn của Việt Nam trong vòng 5 năm tới?

Trả lời:

Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 là bước rất quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược 2001 - 2010 nhằm những mục tiêu lớn sau: Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phấn đấu đạt nhịp độ tăng tổng sản phẩm trong nước ít nhất 7%/năm. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nâng cao rõ rệt chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế; Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại; Tạo chuyển biến mạnh về phát huy nhân tố con người, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; Giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm; cơ bản xóa đói, giảm số hộ nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo; Giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia...

Câu hỏi 7: Xin Ngài đánh giá về vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế Việt Nam?

Trả lời:

Chúng tôi luôn coi du lịch là một ngành có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát huy những thế mạnh của du lịch Việt Nam còn là một đòi hỏi bức thiết nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa khu vực dịch vụ thành chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch đã được xây dựng và triển khai có hiệu quả, đem lại được một số kết quả bước đầu khả quan. Trong năm 2000, toàn ngành du lịch đã đón hơn 13 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch nội địa là hơn 11 triệu lượt người và khách quốc tế là hơn 2 triệu, đem lại nguồn thu ước tính 1,2 tỉ USD . Chúng tôi cũng đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm khuyến khích du khách quốc tế vào Việt Nam như: dần loại bỏ chế độ hai giá, công dân một số nước vào Việt Nam du lịch trong thời gian 1 tháng không cần phải có thị thực nhập cảnh, giảm phí thị thực nhập cảnh, mở thêm các đường bay quốc tế mới... Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cũng là một hướng mới, bên cạnh các tuyến du lịch có tính truyền thống, các công ty du lịch đã tạo ra các sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng các yêu cầu khác nhau của du khách như: leo núi, lặn biển, du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, giới thiệu văn hoá ẩm thực và trình diễn nghệ thuật dân tộc... Nhờ vào những nỗ lực này, số khách du lịch nội địa và du khách nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng. Với những cố gắng của Chính phủ cũng như của mỗi người tham gia ngành du lịch, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, ngành du lịch Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng được mong đợi cũng như phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của nó.

Câu hỏi 8: Xin Ngài cho biết những tiến triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và mục đích chính của Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ?

Trả lời:

Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, sẵn sàng làm bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, Việt Nam chủ trương coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới, nhất là quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước láng giềng và các nước lớn. Theo tinh thần đó, chúng tôi đã và đang xây dựng mối quan hệ với Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Mối quan hệ đó phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển đáng khích lệ, mới đây nhất là thể hiện qua cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đức Lương với Tổng thống Hoa Kỳ W.J Clin-tơn tại Niu Y-oóc nhân Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ và chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Hoa Kỳ trong tháng 11/2000. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên coi thúc đẩy quan hệ kinh tế- thương mại là trọng tâm của mối quan hệ và đã đạt được những kết quả tích cực. Hai bên đã ký một loạt các Hiệp định và Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực này. Việc hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương (7/2000), Hiệp định về Hợp tác Khoa học và Công nghệ (11/2000) là kết quả của những nỗ lực kiên trì của cả hai bên qua 4 năm thương lượng và là mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, đặc biệt là về mặt kinh tế-thương mại. Quan hệ buôn bán hai chiều Việt Nam-Hoa kỳ đã đạt khoảng 900 triệu USD/năm. Hoa Kỳ là nước đứng thứ 9 trong bảng danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 97 dự án đang hoạt động, thu hút khoảng 3000 lao động. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và điều kiện của hai nước. Việc hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giao lưu văn hoá cũng đã được xúc tiến. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, sinh viên Hoa Kỳ sang học tập, trao đổi kinh nghiệp với đồng nghiệp Việt Nam. Nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã sang học tập và thực tập tại Hoa Kỳ.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer