Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn phóng viên hãng “Images, Words Ltd.” (Anh)


Chủ tịch nước Trần đức Lương trả lời phỏng vấn phóng viên hãng “Images, Words Ltd.” (Anh) Hà nội,
(ngày 25 tháng 7 năm 2001)

Câu hỏi: Xin Ngài cho biết ASEAN đang phải đối phó với những thách thức gì?

Trả lời:

Trong quá trình tồn tại và phát triển, ASEAN ngày nay đã là một Hiệp hội bao gồm cả mười quốc gia Đông Nam á, trở thành một nhân tố thiết yếu cho hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Đông Nam á, Châu á - Thái Bình Dương và trên thế giới, ngày càng có vị trí và tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, ASEAN phải đối phó với không ít thách thức trên con đường phát triển, nhất là trước tác động của toàn cầu hoá và tình trạng chênh lệch ngày càng lớn về trình độ phát triển giữa các nước. Thách thức lớn nhất đối với ASEAN hiện nay là tiếp tục duy trì ổn định, đoàn kết và hợp tác của ASEAN để phục hồi sự phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới luôn biến động và có xu hướng phát triển chậm lại, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài nhất là về khả năng cạnh tranh kinh tế, thương mại đầu tư, công nghệ và tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc phát triển các thể chế hoặc cơ chế về các vấn đề an ninh khu vực. Tôi cho rằng vị trí và vai trò của ASEAN ở Châu á-Thái Bình Dương và trên thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng xử lý và vượt qua những thách thức đó. Những nỗ lực hợp tác chung của ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài chắc chắn sẽ giúp ASEAN giải quyết những thách thức và các vấn đề của mình, đưa Hiệp hội lên tầm phát triển mới, có vị trí và vai trò lớn hơn trong khu vực và trên thế giới.

Câu hỏi: ASEAN có thể làm được gì để thúc đẩy sự thịnh vượng ở Việt Nam?

Trả lời:

Một ASEAN hoà bình, ổn định, phát triển sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước thành viên. Là thành viên của ASEAN, chúng tôi đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với cả Hiệp hội. Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước ASEAN khác tăng nhanh góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. ASEAN hiện chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam và 25% tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam. Các chương trình tạo thuận lợi và tự do hoá kinh tế ASEAN như Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Chương trình Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO)... có thể đem lại cho Việt Nam những lợi ích kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học-công nghệ, giúp tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiến tiến cần thiết cho công cuộc hiện đại hoá kinh tế của Việt Nam cũng như mở đường cho Việt Nam tham gia các cơ chế hợp tác và tổ chức khác như APEC, WTO... Thực hiện quyết định của Hội nghị cấp cao ASEAN 11/2000, tăng cường liên kết ASEAN, Hội nghị AMM-34 tại Hà Nội đã ra Tuyên bố thu hẹp khoảng cách phát triển để tăng cường liên kết trong đó nội dung chủ yếu là giúp đỡ Việt Nam, Lào, Căm- pu-chia, Mi-an-ma nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các thành viên ASEAN phát triển hơn. Các lĩnh vực ưu tiên là phát triển hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực. Thực hiện tốt quyết định này sẽ là sự hỗ trợ rất thiết thực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Hợp tác ASEAN có thể bổ trợ cho các mối quan hệ song phương vốn có của Việt Nam với các nước láng giềng trong khu vực, tăng cường hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, góp phần cải thiện cơ bản và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị hợp tác của Việt Nam với các nước này. ASEAN sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội thúc đẩy và tăng cường hơn nữa mối quan hệ tay đôi với các nước ngoài ASEAN, các tổ chức quan trọng và khu vực khác, trên các lĩnh vực chính trị, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội; tham gia các Hiệp định hợp tác của ASEAN với các bên đối thoại như EU, Canada, Australia... Kinh nghiệm phát triển của ASEAN sẽ giúp cho Việt nam đi nhanh hơn trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. Chúng tôi cho rằng sự thịnh vượng của Việt Nam gắn liền với sự thịnh vượng chung của khu vực. Sự tham gia đóng góp tích cực của Việt Nam vào việc củng cố và phát triển Hiệp hội cũng chính là lợi ích thiết thực của Việt Nam.

Câu hỏi: Ngài đánh giá thế nào về quan hệ của Việt Nam và ASEAN với Anh và Liên minh Châu Âu?Ngài có muốn mối quan hệ với Châu Âu chặt chẽ hơn không?

Trả lời:

Quan hệ giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu kể cả song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương ASEM và ASEAN-EU đã có những bước phát triển tích cực trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo. Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã được ký năm 1995; quan hệ kinh tế và thương mại hai chiều không ngừng được mở rộng; việc trao đổi đoàn ở các cấp được tiến hành thường xuyên. Trong số những nước Châu âu có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam có Vương Quốc Anh. Nhiều dự án đầu tư lớn của Anh đang được triển khai ở Việt Nam như dự án khai thác khí đốt và xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nam Côn Sơn. Tôi mong rằng các mối quan hệ đó tiếp tục phát triển vì lợi ích của cả hai bên. Hợp tác giữa hai châu lục á - ÂU nói chung (ASEM) và giữa hai tổ chức khu vực ASEAN-EU nói riêng đang được thúc đẩy trên cả 3 lĩnh vực: đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực khác như trao đổi văn hoá, khoa học kỹ thuật... Hiện nay, với tư cách là Chủ tịch thường trực ASEAN và là điều phối viên Châu á trong ASEM, Việt Nam đang chủ động, sáng tạo điều hoà và thúc đẩy việc thực hiện “ Khuôn khổ hợp tác á-Âu 2000”, “Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị ASEM 3” cũng như các chương trình hợp tác giữa ASEAN và EU. Việt Nam cho rằng ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác giữa Châu Âu trong đó có EU và Anh với Châu á trong đó ASEAN và Việt Nam là hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ. Các nước thành viên Châu Âu cần tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng buôn bán, mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa của các nước Châu á nhất là đối với các nước có trình độ phát triển thấp hơn. Mặt khác, đối thoại chính trị, hợp tác văn hóa phải được thúc đẩy theo hướng nhằm tăng thêm điểm đồng, củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, để tăng cường hợp tác và phát triển, không làm phương hại hoặc cản trở việc thúc đẩy hợp tác.

Câu hỏi: Theo Ngài thì những biện pháp gì đang được tiến hành để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư và thúc đẩy đầu tư ở Việt Nam và ASEAN?

Trả lời:

Kể từ sau cuộc khủng khoảng tài chính tiền tệ khu vực năm 1997, đầu tư nước ngoài vào ASEAN nói chung và vào Việt Nam nói riêng có xu hướng giảm sút. Việc thu hút đầu tư nước ngoài trở lại không đơn giản nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phát triển chậm lại, cạnh tranh về vốn, công nghệ, thị trường trên thế giới ngày càng trở nên gay gắt. Trong bối cảnh đó, ASEAN đã có nhiều quyết định quan trọng nhằm thúc đẩy đầu tư trong khu vực và lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài mà trước hết là những biện pháp nhằm ổn định kinh tế và đối phó với những bất ổn kinh tế có thể xảy ra, khôi phục đà tăng trưởng như thiết lập cơ chế cảnh báo, theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô, sự dịch chuyển dòng vốn; thúc đẩy cam kết thực hiện Khu vực tự do hoá thương mại AFTA, triển khai thực hiện khu vực về đầu tư (AIA), thoả thuận về hoán đổi tiền tệ trong ASEAN... cũng như phát triển nhiều chương trình dự án hợp tác khu vực như mạng giao thông ASEAN, hệ thống đường xuyên á, phát triển tiểu vùng. Thứ hai là mở rộng quan hệ hợp tác với các nước đối thoại mà trước hết là với các nước Đông Bắc á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc) trên các lĩnh vực tài chính, công nghiệp thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Thứ ba là vận động các nước các tổ chức quốc tế hỗ trợ kể cả việc khuyến khích tư nhân tham gia vào các dự án của ASEAN nhất là các dự án phát triển tiểu vùng như Chương trình phát triển khu vực lưu vực sông Mê Công của ASEAN và Dự án phát triển Hành lang Đông-Tây. Đối với Việt Nam, các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài luôn luôn được điều chỉnh để thích ứng với tình hình theo hướng ngày càng thông thoáng và khuyến khích hơn. Từ năm 1997 đến nay, chúng tôi đã 4 lần sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài. Một loạt các ưu đãi cho hoạt động đầu tư được thực hiện như miễn giảm thuế thu nhập, thuế xuất khẩu, giảm giá dịch vụ cơ bản, giá thuê đất và đảm bảo cân đối ngoại tệ... Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài được tiến hành nhằm nắm bắt và giải quyết nhanh chóng những vướng mắc cụ thể của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện các hình thức đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Giảm mạnh và tiến tới xóa bỏ sự phân biệt về chính sách và pháp luật giữa đầu tư trong nước và ngoài nước. Cải tiến và đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, từng bước thực hiện cơ chế đăng kí đầu tư... Tôi tin tưởng chắc chắn rằng những nỗ lực chung của ASEAN và của mỗi nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ khơi dậy tiềm năng to lớn của khu vực, đưa kinh tế của mỗi nước và khu vực phát triển năng động trở lại, khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư, làm cho ASEAN tiếp tục trở thành thị trường hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Câu hỏi: Toàn cầu hoá có ý nghĩa thế nào đối với Việt Nam và ASEAN? Trả lời: Toàn cầu hoá đã trở thành xu thế chung, tác động đến mọi quốc gia lớn và nhỏ trên thế giới. Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam và ASEAN, quá trình toàn cầu hoá đem lại cả thời cơ và thách thức. Tham gia vào quá trình toàn cầu hoá có nghĩa là Việt Nam và các nước ASEAN hội nhập chung với thế giới, tìm thấy ở đó những cơ hội, tiềm năng hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển, hiện đại hoá nền kinh tế nhất là về thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực công nghệ thông tin, xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, Việt Nam và ASEAN cũng đứng trước những thách thức không nhỏ mà trước hết là những biến động về chính trị-kinh tế trên thế giới có ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia ; thứ hai là đi cùng với quá trình toàn cầu hoá là tình trạng chênh lệch ngày càng lớn về trình độ phát triển giữa các nước phát triển và đang phát triển; thứ ba, diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt về thị trường vốn, công nghệ; thứ tư là làm phát sinh những vấn đề về môi trường... Chúng tôi cho rằng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế là một quá trình vừa hợp tác để phát triển, vừa đấu tranh rất phức tạp, đặc biệt là để bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, vì một trật tự kinh tế quốc tế công bằng, chống áp đặt phi lí của các cường quốc kinh tế và các công ty xuyên quốc gia. Trong bối cảnh đó, mỗi quốc gia phải lựa chọn cho mình những bước đi phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của mình để có thể tranh thủ được cơ hội, hạn chế những tác động tiêu cực mà quá trình toàn cầu hoá đem lại.

Câu hỏi: Ngài cho rằng ASEAN sẽ trở thành một tổ chức như thế nào trong tương lai và tổ chức này sẽ có vai trò như thế nào trên thế giới?

Trả lời:

Tầm nhìn ASEAN 2020 được thông qua năm 1997 tại Kuala Lumpur, Malaysia đã xác định trong vòng 20 năm tới ASEAN sẽ trở thành “một nhóm hài hoà các quốc gia, rộng mở với bên ngoài, sống trong hoà bình, ổn định và thịnh vượng, gắn bó với nhau bằng quan hệ đối tác trong phát triển năng động và trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”. Hướng tới mục tiêu đó, ASEAN đang nỗ lực thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội nhằm đưa ASEAN lên tầm phát triển cao mới, có vai trò và vị trí cao hơn trên trường quốc tế. Điều này cho phép chúng ta có thể lạc quan về tương lai tốt đẹp của ASEAN trong hai thập kỷ tới, đó là: Thứ nhất, vào năm 2020 Đông Nam á sẽ là một khu vực hoà bình, tự do và trung lập; các tranh chấp về lãnh thổ cũng như những khác biệt khác sẽ được giải quyết bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở các nguyên tắc của Hiệp ước Bali; sẽ trở thành khu vực không có vũ khí hạt nhân; sẽ là một lực lượng hữu hiệu đối với hoà bình và công lý ở Châu á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Thứ hai, Liên kết kinh tế ASEAN sẽ chặt chẽ hơn qua việc thành lập khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực đầu tư (AIA); các mạng lưới đường bộ, năng lượng trong ASEAN được hình thành; sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn về thị trường vốn và tiền tệ; khoảng cách phát triển giữa các thành viên được thu hẹp; ASEAN trở thành một lực lượng kinh tế phát triển năng động và bền vững, có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh việc bản sắc riêng của mỗi dân tộc được gìn giữ, một bản sắc chung của ASEAN cũng sẽ hình thành; nghèo đói không còn là một thách thức lớn; sẽ trở thành một khu vực xanh, sạch; xã hội không còn những tệ nạn như ma tuý; chất lượng cuộc sống của con người sẽ được nâng lên. Thứ ba, ASEAN sẽ có quan hệ rộng mở với bên ngoài, có vai trò quan trọng trên các diễn đàn quốc tế, có quan hệ ngày càng tăng với tất cả các bên đối thoại, các tổ chức quốc tế và khu vực khác trên cơ sở đối tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tôi tin tưởng rằng với kinh nghiệm thành công trong hơn 30 năm tồn tại và phát triển của Hiệp hội, với những sáng tạo và nỗ lực của từng nước và cả Hiệp hội, ASEAN sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn 2020. Câu hỏi: Theo Ngài thì viễn cảnh của Việt Nam trong tương lai sẽ thế nào? Trả lời : Tôi lạc quan về viễn cảnh tốt đẹp của đất nước chúng tôi. Một nước Việt Nam độc lập gắn liền với CNXH, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu và khát vọng chung của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chúng tôi phấn đấu trong giai đoạn phát triển 2001-2010 đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất văn hoá, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được hình thành về cơ bản; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer