Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan trả lời phỏng vấ Thông tấn xã Việt Nam về quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa kỳ
Nhân việc Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Washington đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn: Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nội dung cơ bản của Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ vừa được ký Bộ trưởng: Trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng Hiệp định được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau như đã được nêu rõ trong lời nói đầu của Hiệp định. Đồng thời hai bên cũng tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế nhưng có tính đến Việt Nam là một nước đang phát triển ở trình độ thấp, còn đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cũng vì lẽ đó mà bản Hiệp định này tuy được gọi là Hiệp định về quan hệ thương mại nhưng không chỉ đề cập tới lĩnh vực thương mại hàng hóa mà còn bao gồm cả các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ. Nói một cách khác, khái niệm "thương mại" ở đây được đề cập theo nghĩa rộng, hiện đại, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhân đây cũng xin nói thêm rằng, ngày nay các hiệp định song phương thường phải lấy các thoả thuận đa phương, nhất là các qui định của WTO, làm cơ sở. Tuy nhiên, vì những nét đặc trưng của nước ta như đã nói ở trên, các cam kết chỉ có mức độ về phạm vi cũng như thời gian. Đó là những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình đàm phán. Nhưng do cơ chế, trình độ phát triển và quy mô của hai nền kinh tế khác xa nhau và do đây là một Hiệp định có nội dung bao gồm nhiều lĩnh vực, cuộc đàm phán đã phải kéo dài 5 năm và không đơn giản chút nào. Trong các cam kết, tôi muốn nhấn mạnh cam kết tại Điều 1, Chương I về quy chế tối huệ quốc, trong đó nói rõ hai bên dành cho nhau ngay lập tức và vô điều kiện sự đối xử không kém phần thuận lợi hơn so với sự đối xử đối với nước khác (đương nhiên, không kể đến các nước nằm trong liên minh thuế quan hoặc khu vực mậu dịch tự do mà hai bên tham gia, ví dụ Hoa Kỳ sẽ không được hưởng những ưu đãi của ta dành cho các nước tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và ta cũng không được hưởng tất cả các ưu đãi Hoa Kỳ dành cho các nước khác trong khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA)). Phóng viên: Vậy theo Bộ trưởng, ý nghĩa của Hiệp định là ở chỗ nào? Bộ trưởng: Cần khẳng định rằng việc ký kết Hiệp định là thành tựu của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Đảng và Nhà nước ta. Hiệp định được ký kết đúng dịp hai nước kỷ niệm lần thứ 5 thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 5 năm ấy, nhờ cố gắng của cả hai bên, quan hệ hai nước, kể cả về kinh tế - thương mại đã có những bước phát triển đáng khích lệ, nhưng chưa hoàn chỉnh. Do đó hai bên đều coi việc đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại là một hướng ưu tiên nhằm hoàn tất việc bình thường hoá quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước. Tôi hy vọng rằng, sau khi Hiệp định có hiệu lực, quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Mỹ sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Về mặt quốc tế, đây là một bước quan trọng trong qúa trình nước ta hội nhập với nền kinh tế thế giới, tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Rõ ràng việc này có lợi cho xu thế hợp tác ở Đông Nam á và châu á - Thái Bình Dương. Phóng viên: Nhưng theo Bộ trưởng, thường thường ở Mỹ, quá trình phê chuẩn Hiệp định không đơn giản, bên cạnh đó, Mỹ là một nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và ở trình độ phát triển cao, việc mở cửa thị trường sẽ đem lại cho nước ta những vấn đề gì? Bộ trưởng: Việc ký Hiệp định là sự kiện quan trọng, song mới chỉ là bước đầu. Quá trình phê chuẩn và nhất là việc thực hiện Hiệp định sẽ không đơn giản. Ngay thủ tục phê chuẩn Hiệp định ở Mỹ cũng khá phức tạp. Hơn nữa, không phải là điều bí mật, một số giới ở Mỹ vẫn mang nặng "hội chứng Việt Nam", ra sức cản trở việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, thậm chí tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng lợi ích hợp tác sẽ thắng thế. Thế và lực của nước ta đã khác nhiều so với mươi năm trước. Việt Nam có vị trí quan trọng ở Đông Nam á, là một thị trường đầy tiềm năng. Những người có tầm nhìn xa trông rộng ở Mỹ chắc hiểu rõ điều đó. Nói chung, hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của nước ta, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, mọi sự hợp tác đều chứa đựng yếu tố cạnh tranh, do đó ra sức phát huy nội lực, nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh của chúng ta cả ở tầm quốc gia, ở cấp độ doanh nghiệp cũng như về từng mặt hàng mới là điều quyết định. Phóng viên: Vậy ta cần làm gì sau khi có Hiệp định? Bộ trưởng: Có Hiệp định là điều cần nhưng chưa đủ. Điều quyết định nhất là chủ động tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh trên cả 3 cấp độ, đồng thời các doanh nghiệp của ta cần phát huy tinh thần "tiến công", không ngồi chờ mà chủ động thâm nhập thị trường Mỹ, tìm hiểu bạn hàng, đối tác, nhu cầu, luật pháp, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ đầu tư, công nghệ nguồn. Bộ Thương mại sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc này. Tôi đã bàn với các đồng chí Đại sứ và Tham tán Thương mại ở Hoa Kỳ về những biện pháp cần thiết để giúp các doanh nghiệp tận dụng khả năng mới mở ra.