Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Thứ trưởng Thương mại Mai Văn Dâu tại Họp báo về Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ


Phát biểu của Thứ trưởng thương mại Mai Văn Dâu tại Họp báo về Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hoa kỳ

 (15giờ ngày 14 tháng 7 năm 2000) Ngày 13 tháng 7 năm 2000 tại Washington (tức ngày 14/7/2000 giờ Việt Nam), Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và bà Salin Barshevski, Đại diện Thương mại thuộc Phủ Tổng thống Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ đã thay mặt Chính phủ hai nước ký Hiệp định giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, kết thúc một quá trình đàm phán lâu dài và kiên trì. Hiệp định được ký đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 5, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã hoàn tất quá trình bình thường hoá quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. So với các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các nước thì Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa kỳ là văn kiện mang tính tổng thể bao gồm 4 vấn đề chủ yếu: Thương mại hàng hoá; thương mại dịch vụ; sở hữu trí tuệ; quan hệ đầu tư và thời gian đàm phán dài nhất. Sở dĩ như vậy là do hai nước có sự khác biệt lớn về trình độ và quy mô phát triển. Hơn nữa, Hiệp định được đàm phán trên cơ sở các nguyên tắc của WTO mà Việt Nam chưa phải là thành viên. Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp do hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi và mới bắt đầu đàm phán để ra nhập WTO nên cần có thời gian tìm hiểu các định chế của tổ chức này. Hoa Kỳ cũng cần có thời gian để hiểu điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, tuy chưa có Hiệp định nhưng quan hệ thương mại và đầu tư đã có những bước phát triển tăng nhanh hơn. Kim ngạch hai chiều đã tăng từ 222 triệu USD năm 1994 lên 879 triệu USD năm 1999. Về đầu tư tính đến quý II năm 2000, Hoa Kỳ đã có 118 dự án được cấp phép ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1.479 triệu USD đứng thứ 9 trong danh sách các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án đầu tư của Hoa Kỳ ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn chưa hoàn chỉnh. Việc ký kết Hiệp định Thương mại với nội dung bao gồm bốn lĩnh vực như trên đã hoàn tất quá trình bình thường hoá quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, tạo cơ sở cho việc tăng cường quan hệ kinh tế thưong mại giữa hai nước Cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được tiến hành trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, có tính đến Việt Nam là một nước chậm phát triển. Việt Nam là một nước đang phát triển ở trình độ thấp nên theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được hưởng những ưu đãi cần thiết như về quy mô và thời gian thực hiện cam kết. Nội dung Hiệp định đã thể hiện được các nguyên tắc đó. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết đáp ứng sự mong đợi không chỉ của các nhà doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ mà cả các nhà doanh nghiệp của nhiều nước khác, chẳng những có lợi cho hai nước, mà còn có lợi cho sự hợp tác ở Đông Nam á, châu á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là một thành tựu mới của việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước Việt Nam và là một bước mới trong quá trình Việt Nam chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Hoa Kỳ cũng đánh giá Hiệp định là một bước quan trọng của việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khẳng định tích cực ủng hộ Việt Nam ra nhập tổ chức này. Việc ký Hiệp định này đem lại lợi ích cho cả hai bên, nhưng đồng thời cũng yêu cầu hai bên có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thực hiện những điều đã cam kết. Cũng như trong mọi việc, quá trình thực hiện Hiệp định sẽ vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn. Song các ngành, các cấp, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ra sức phát huy tối đa nội lực, chủ động và tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả, thiết thực, góp phần vào việc thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ và không ngừng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi được các cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê chuẩn. Chúng tôi tin tưởng với thiện chí và quyết tâm của cả hai bên đưa quan hệ kinh tế thương mại song phương lên tầm cao tương xứng với tiềm năng và mong muốn của Chính phủ và nhân dân hai nước, mọi khó khăn trở ngại sẽ được khắc phục, Hiệp định sẽ được thực hiện đầy đủ trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng lợi ích và chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, góp phần phát triển kinh tế thương mại của hai nước nói riêng và thế giới nói chung. Cùng với việc phát triển quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, chúng tôi tiếp tục ra sức củng cố và đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước khác theo đúng tinh thần Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer