Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn báo The Korea Times (Hàn Quốc)


Câu hỏi 1: Xin Ngài cho biết các cuộc hội đàm cấp cao Hàn Quốc - Việt Nam lần này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước ?

Trả lời:

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Hàn Quốc Nô Mu Hiên, các cuộc hội đàm cấp cao có ý nghĩa rất quan trọng, là động lực mạnh mẽ trong việc triển khai thoả thuận cấp cao hai nước tháng 8/2001 về xây dựng quan hệ "đối tác toàn diện trong thế kỷ 21" giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Các cuộc hội đàm cấp cao sẽ đánh giá tình hình phát triển quan hệ hai nước trong thời gian qua và bàn các biện pháp nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ hai nước trong thời gian tới, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên một tầm cao mới vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Câu hỏi 2: Nhiều công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông và xây dựng. Xin Ngài cho biết những hình thức hợp tác kinh tế nào giữa hai nước trong tương lai?

Trả lời:

Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường hợp tác và đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công, những ngành công nghiệp chế tạo, khai khoáng, thăm dò khai thác dầu khí, lọc và hóa dầu, năng lượng, giao thông, xây dựng, nuôi trồng và chế biến nông-thủy sản để xuất khẩu, đặc biệt là những ngành mà Hàn Quốc có thế mạnh như: điện tử, viễn thông, tin học…v.v. Việt Nam hoan nghênh tất cả các hình thức hợp tác kinh tế phù hợp và có lợi cho cả hai bên nhưng đặc biệt quan tâm và khuyến khích các hình thức hợp tác qua đó để chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm cho Việt Nam, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Câu hỏi 3: Hiện nay, mức chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc tương đối lớn. Xin Ngài cho biết hai bên sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch 2 chiều năm 2003 đạt 3,116 tỷ USD, 5 tháng đầu năm 2004 đạt gần 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm là Việt Nam liên tục nhập siêu lớn từ Hàn Quốc (Năm 2002: 1,8 tỷ USD; năm 2003: 2,132 tỷ USD). Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Việt Nam đề nghị Hàn Quốc tăng nhập khẩu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam như tôm, cá, hoa quả, trong đó việc nhập khẩu định kỳ gạo Việt Nam có ý nghĩa quan trọng.

Câu hỏi 4: Việt Nam và Hàn Quốc đều có một lịch sử chiến tranh đau thương trong nửa cuối thế kỷ 20. Xin Ngài cho biết những điểm tương đồng và khác biệt trong sự phát triển của hai nước sau chiến tranh?

Trả lời:

Đúng là trong nửa cuối thế kỷ 20, giữa Việt Nam và Hàn Quốc có một quá khứ không vui. Tuy nhiên, là một dân tộc có truyền thống khoan dung, nhân đạo và hòa hiếu; đối với các vấn đề do lịch sử để lại, chúng tôi chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, hợp tác để cùng phát triển. Phía Hàn Quốc cũng hiểu rằng việc hợp tác chân thành và hiệu quả với Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh là phù hợp với đạo lý và góp phần thiết thực xóa bỏ đi mặc cảm của quá khứ.

Chúng tôi đánh giá cao những hoạt động và đóng góp cụ thể của Chính phủ, các tổ chức quần chúng và các cá nhân người Hàn Quốc vào công cuộc tái thiết và phát triển đất nước Việt Nam. Chỉ hơn mười năm từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng của nhau. Chúng ta có nhiều tương đồng về văn hoá, lịch sử, về xây dựng đất nước bằng sáng tạo của con người.

Câu hỏi 5: Xin Ngài cho biết quan điểm của Việt Nam về các tranh chấp quốc tế xung quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như về cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải quyết vấn đề đó?

Trả lời:

Việt Nam luôn quan tâm đến các diễn biến tình hình liên quan đến Bán đảo Triều Tiên. Việt Nam ủng hộ chủ trương phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên, những thành quả của khoa học nguyên tử phải được sử dụng vào mục đích hoà bình và cho rằng những bất đồng về vấn đề hạt nhân nên được giải quyết bằng phương pháp hoà bình thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế.

Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của các bên trong đó có việc tổ chức các cuộc đàm phán 6 bên nhằm cố gắng thu hẹp bất đồng, sớm đạt giải pháp cuối cùng thoả đáng cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, góp phần duy trì hoà bình ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Câu hỏi 6: Những chuyến viếng thăm giữa các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Hàn Quốc tương đối ít. Ngài có dự định một mức độ tiếp xúc lớn hơn trong tương lai hay không? Ngài có dự định tiến hành thăm chính thức Hàn Quốc trong nhiệm kỳ của mình hay không?

Trả lời:

Hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao được hơn 10 năm nhưng quan hệ giữa hai nước đã phát triển rất nhanh chóng và có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Cả hai bên đều coi trọng việc giao lưu trao đổi đoàn, đặc biệt là ở cấp cao, coi đó là động lực rất quan trọng trong việc phát triển quan hệ hai nước. Do đó hầu hết các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Hàn Quốc đã thăm nhau trong những năm qua. Theo tinh thần thỏa thuận cấp cao về việc “xây dựng quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21", tôi tin rằng các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sẽ được tiến hành thường xuyên hơn trong thời gian tới. Tôi đã thăm Hàn Quốc năm 2001 và mong có dịp thăm lại đất nước tươi đẹp và mến khách của các bạn./.

Hà Nội, ngày 4 tháng 10 năm 2004

 

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer