Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời hãng Thông tấn Itar Tass (Nga)
(nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga)
Câu hỏi 1: Xin Ngài cho biết những đánh giá của Ngài về mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và khoa học giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện nay cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai?
Trả lời:
Nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã được hai bên cùng nhau vun đắp. Trong những năm gần đây, tuy mỗi nước có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, song chúng ta vui mừng ghi nhận những bước phát triển đáng kể trong quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa giáo dục và khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Từ năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều có xu hướng tăng, năm 2000 đạt 355 triệu USD, năm 2001 đạt hơn 571 triệu USD, năm 2002 đạt 700 triệu USD, năm 2003 đạt 651,3 triệu USD. Tuy nhiên, mức tăng còn khiêm tốn, giá trị thấp, chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu xuất nhập khẩu của mỗi nước.
Thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực hợp tác có hiệu quả cao, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách cả hai nước. Хí nghiệp Liên doanh "Vietsovpetro" tiếp tục là biểu tượng của hợp tác Việt - Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam. Tháng 10/2003 sản lượng khai thác của Xí nghiệp này đã đạt 125 triệu tấn dầu thô kể từ khi bắt đầu khai thác. Doanh thu từ việc bán dầu thô năm 2003 đạt 2,9 tỉ USD.
Hai nước tiếp tục mở rộng sự hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực năng lượng điện qua việc xây dựng các công trình như Nhà máy thuỷ điện Y-a-li (khánh thành tháng 4/2002). Hai nước cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sê-san - 3 và chuẩn bị ký kết hợp đồng về dự án Nhà máy thuỷ điện Plây-crông bằng nguồn tín dụng Nhà nước 100 triệu USD của Chính phủ Liên bang Nga v..v.
Trong lĩnh vực đầu tư, Nga hiện đứng thứ 21 trên tổng số 64 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Lĩnh vực Nga đầu tư mạnh nhất là công nghiệp dầu khí. Một số dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác như ngành xây dựng, thuỷ sản, nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến có quy mô còn khiêm tốn. Tuy nhiên, cũng còn nhiều dự án (42 trong tổng số 79 dự án đã cấp phép) không hiệu quả và đã giải thể.
Việt Nam có 11 dự án đầu tư sang Nga với tổng số vốn ở mức khiêm tốn là 33 triệu USD, quy mô nhỏ, chủ yếu là hoạt động thương mại, chế biến thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy vậy, những doanh nghiệp Việt Nam tại Nga đã và đang là những thực thể kinh tế tích cực của Nga, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng Nga tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển thuận lợi. Về phần mình, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nga tăng cường đầu tư, hợp tác trên thị trường Việt Nam.
Về hợp tác khoa học – công nghệ, Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ truyền thống. Trong thời gian qua sự hợp tác này được duy trì và phát triển tốt trong nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, y tế, năng lượng nguyên tử, khai thác than, đào tạo cán bộ khoa học… Việc hợp tác chủ yếu được thực hiện thông qua các dự án nghiên cứu chung, chuyển giao công nghệ từ Liên bang Nga vào Việt Nam.
Trong tương lai, Việt Nam và Liên bang Nga có triển vọng mở rộng hợp tác, nhất là trong những lĩnh vực đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên như hợp tác dầu khí, xây dựng các công trình năng lượng, trao đổi hàng hoá, khoa học - công nghệ, đào tạo cán bộ. Ngoài ra hai bên còn có khả năng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như cơ khí, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, khí tượng thuỷ văn, sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình, hợp tác về văn hóa, giáo dục và du lịch. Vấn đề là ở chỗ chúng ta cần phải đưa ra được các biện pháp cụ thể để biến những tiềm năng hợp tác giữa hai nước thành hiện thực, tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần vào công cuộc phát triển ở mỗi nước.
Câu hỏi 2: Xin Ngài cho biết việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác Việt – Nga đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương?
Trả lời:
Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực đông dân nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa số dân toàn cầu và nổi lên như một khu vực phát triển kinh tế năng động. Ở đây đã và đang hình thành nhiều tầng cấp hợp tác kinh tế như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế hợp tác phát triển tiểu vùng khác nhau.
Với những đặc điểm về kinh tế và chính trị riêng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ song phương phát triển tốt giữa các nước nói chung sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương và tăng cường xu thế liên kết ở khu vực. Do đó, việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Liên bang Nga sẽ đóng góp đáng kể vào việc mở rộng hợp tác đa phương, góp thêm tiếng nói để đưa ra những giải pháp thích hợp cho các vấn đề của khu vực, phấn đấu phát triển kinh tế để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các nước. Quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga có ý nghĩa trong thúc đẩy việc củng cố đoàn kết trong nội bộ các tổ chức hợp tác đa phương mà hai nước là thành viên, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Câu hỏi 3: Xin Ngài cho biết trong thời gian thăm Liên bang Nga, Ngài Chủ tịch mong muốn ưu tiên thảo luận những vấn đề gì với Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin?
Trả lời:
Cuộc gặp cấp cao lần này là tiếp tục cuộc đối thoại chính trị giữa hai nước. Vấn đề ưu tiên được thảo luận với Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin sẽ là việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương theo các hướng đã được nêu trong Tuyên bố về đối tác chiến lược ký vào tháng 3/2001 và các thoả thuận đạt được ở cấp cao giữa Lãnh đạo hai nước trong những năm gần đây. Vì vậy, hai bên sẽ bàn bạc những biện pháp nhằm triển khai có hiệu quả các thoả thuận đó, đề ra phương hướng để nâng kim ngạch song phương hai nước lên mức 1 tỉ USD vào những năm tới, tìm kiếm hình thức hợp tác hiệu quả mới trong những lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng như dầu khí, năng lượng, thương mại, công - nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, văn hoá - giáo dục, phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, đồng thời góp phần củng cố xu thế hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Back Top page Print Email |