Hỏi: Xin Chủ tịch đánh giá kết quả Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 12.
Trả lời:
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 12 diễn ra tại Santiago (Chile) từ ngày 20 đến 21-11 với chủ đề "Một Cộng đồng, Tương lai của chúng ta". Hội nghị đã đạt được những kết quả chính sau:
Một là, các nhà lãnh đạo APEC đã thảo luận sâu rộng và đạt được nhận thức chung cũng như nhất trí về nhiều nội dung quan trọng liên quan đến triển vọng của nền kinh tế thế giới, tương lai và sự phát triển của APEC trong những năm tới như: những tiến triển của Vòng đàm phán Phát triển Doha của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), những vấn đề liên quan đến các thỏa thuận mậu dịch tự do song phương và khu vực, cơ cấu tài chính quốc tế, an ninh năng lượng, minh bạch hóa, chống tham nhũng, chống khủng bố, an ninh thương mại, an ninh y tế và kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm. Tuyên bố cuối cùng của các nhà lãnh đạo APEC đã nêu bật được mối quan tâm và sự nhất trí của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao lần này.
Hai là, Hội nghị đã thảo luận và thông qua nhiều sáng kiến và chương trình hành động nhằm thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại trong nội bộ APEC, như: các khuyến nghị về Ðối thoại mở rộng về thuận lợi hóa thương mại, mẫu Chương trình hành động về minh bạch hóa, thực tiễn tốt nhất về FTA/RTA trong APEC, Sáng kiến Santiago về tăng cường thương mại trong khu vực, Sáng kiến An ninh năng lượng APEC...
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí với kiến nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại về "Rà soát giữa kỳ việc thực hiện mục tiêu Bô-go", đồng thời thông qua "Các hoạt động cải cách có hiệu lực ngay" trong khuôn khổ cải cách APEC nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Diễn đàn, tiết kiệm thời gian, nhưng không làm thay đổi bản chất cũng như nguyên tắc tự nguyện, linh hoạt và không ràng buộc của APEC.
Ba là, bên lề Hội nghị cấp cao đã diễn ra hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các nhà lãnh đạo và thúc đẩy sự hợp tác giữa các nền kinh tế. Những hoạt động này cũng là đặc điểm rất riêng và nổi bật của APEC.
Bốn là, trong thời gian diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo đã có cuộc đối thoại với đại diện của Hội đồng Tư vấn Doanh nhân APEC (ABAC), xem xét các khuyến nghị của ABAC, đặc biệt là hai đề xuất về việc tiến hành nghiên cứu nhằm khởi xướng "Chương trình nghị sự thương mại xuyên Thái Bình Dương" tại Hội nghị cấp cao APEC 2005 và việc thành lập Nhóm đặc trách cao cấp để tiến hành nghiên cứu tính khả thi cũng như quy mô và nội dung của "Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương". Những hoạt động trên cho thấy nội dung kinh tế rất được quan tâm và thúc đẩy trong Hội nghị cấp cao lần này.
Những kết quả chủ yếu nên trên đã góp phần củng cố hơn nữa tiến trình APEC, góp phần đưa hợp tác trong APEC đi vào chiều sâu, đáp ứng lợi ích thiết thực của các nền kinh tế thành viên.
Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết, Ðoàn Việt Nam đã đóng góp gì vào thành công của Hội nghị?
Trả lời:
Việc đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao APEC lần này thể hiện sự tự tin, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và phát huy những kết quả mà chúng ta đạt được ở các diễn đàn quốc tế khác như ASEM, ASEAN nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của ta ở khu vực và trên thế giới, tạo tiền đề quan trọng cho Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 năm 2006, thúc đẩy tiến trình đàm phán gia nhập WTO.
Ðoàn Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và phát biểu ở tất cả các phiên họp, đóng góp những ý kiến thiết thực về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, chống khủng bố, an ninh y tế và cải cách APEC. Nhiều ý kiến, quan điểm của ta được các nước khác chia sẻ và hoan nghênh. Việt Nam nhấn mạnh quyết tâm gia nhập WTO, yêu cầu các thành viên ủng hộ sớm kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam và đã đưa được nội dung này vào Tuyên bố Hội nghị Bộ trưởng.
Bên lề Hội nghị cấp cao, tôi đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, Tổng thống Nga Vladimir Putin , Thủ tướng Canada Paul Martin và Tổng thống Indonesia Susilo B.Yudhoyono, tiếp xúc với Tổng thống Mỹ G. Bush để trao đổi các vấn đề và biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Tôi cũng đã tiếp đại diện của hơn 20 doanh nghiệp lớn của Mỹ và trình bày nhiều vấn đề để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế, chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp gỡ các đối tác của nhiều nền kinh tế bên lề hội nghị. Ta đã giới thiệu với các nền kinh tế thành viên APEC về công tác chuẩn bị tích cực cho APEC 2006 và chiếu đoạn phim dài 9 phút về Việt Nam, được các thành viên rất hoan nghênh.
Ðại diện hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam tham gia đoàn thăm các nước Brazil, Chile và Argentina đã tìm hiểu và thu thập được thông tin đầy đủ hơn về thị trường ba nước. Một số công ty Việt Nam bước đầu đã bàn bạc và ký kết hợp đồng làm ăn với các đối tác ở ba nước này.