Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng trả lời phỏng vấn TTXVN về kết quả Hội nghị ASEAN 10


Viên Chăn (TTXVN) - Ngày 30/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Bàng đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn (Lào) về hội nghị cấp cao ASEAN-10. Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn.

Xin Thứ trưởng cho biết bối cảnh tình hình khu vực và trên thế giới trước và trong khi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN-10

Có thể nói rằng Hội nghị cấp cao ASEAN-10 tại Viêng Chăn năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị-kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Irắc, chiến sự và bạo lực vẫn tiễp diễn, cuộc xung đột ở Trung Đông và một số khu vực châu Phi chưa thuyên giảm, tại bán đảo Triều Tiên, mặc dù các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn chưa có tiến triển mang tính đột phá, khủng bố tiếp tục lan rộng ra nhiều khu vực và vẫn đang là thách thức lớn đối với tất cả chúng ta. Kinh tế thế giới có phục hồi song lại vấp phải những khó khăn mới, đặc biệt là giá cả nhiều sản phẩm, nhất là giá dầu biến động mạnh, tỷ giá đồng USD giảm. Tình hình trên đã tác động sâu sắc đến hòa bình, ổn định và sự phát triển của toàn thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á của chúng ta.

Ở Đông Nam Á, điều đáng phấn khởi là các nước ASEAN tiếp tục củng cố được hòa bình và ổn định, tăng cường đoàn kết và hợp tác. Kinh tế nhiều nước ASEAN tiếp tục phát triển khá; bên cạnh tình hình Việt Nam, Lào tiếp tục ổn định, việc chuyển giao chính quyền hoặc lãnh đạo Inđônêxia, Xinhgapo, Malaixia, Campuchia diễn ra suôn sẻ. Nhằm tăng cường hợp tác và hướng tới một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, ASEAN quyết tâm đẩy nhanh triển khai thực hiện Tuyên bố Bali II với 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC); tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển; vai trò của ASEAN ở khu vực và trên quốc tế tiếp tục được tăng cường và củng cố, nổi bật nhất là việc 3 thành viên cuối cùng của ASEAN đã gia nhập tiến trình ASEM tại Hội nghị cấp cao ASEM-5 ở Hà Nội mà chúng ta vừa tổ chức. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rõ Đông Nam Á tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, như dịch bệnh, các hành động khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, giá cả biến động, cạnh tranh gay gắt về thương mại, đầu tư. Đó là những thách thức mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận để tìm các phương cách vượt qua, tiếp tục duy trì đà phát triển đã đạt được trong mấy năm qua.

Xin Thứ trưởng cho ý kiến đánh giá về kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN-10 và những thắng lợi nổi bật của Hội nghị cấp cao ASEAN-10?

Với chủ đề "Thúc đẩy Gia đình ASEAN an ninh và năng động thông qua tăng cường đoàn kết, liên kết kinh tế và tiến bộ xã hội", trong tinh thần đoàn kết, hợp tác vì mục tiêu phát triển chung của ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN-10 đã diễn ra trong không khí cởi mở, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.

Trước hết, có thể nói đây thực sự là một hội nghị cấp cao hành động vì tương lai phát triển của ASEAN. Hội nghị đã tập trung bàn các biện pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã có của ASEAN. Hội nghị đã ký Chương trình Hành động Viêng Chăn (VAP), thông qua Kế hoạch Hành động thực hiện Cộng đồng an ninh ASEAN và Kế hoạch Hành động thực hiện Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN, ký Hiệp định khung về 11 lĩnh vực ưu tiên liên kết của ASEAN. Đây là những văn kiện quan trọng, xác định biện pháp cụ thể cần được ASEAN triển khai trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Tuyên bố Hòa hợp Bali II mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 9 năm 2003 tại Bali, Inđônêxia.

Thứ hai, Hội nghị lần này thể hiện sự thành công của ASEAN trong việc tăng cường củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ của ASEAN với các nước đối thoại, ASEAN đã cùng các nước đối thoại ký hoặc thông qua hàng loạt văn kiện quan trọng như: Chương trình Hành động ASEAN-Trung Quốc về tăng cường đối tác chiến lược; Tuyên bố chung ASEAN-Nhật Bản về chống khủng bố; Tuyên bố chung ASEAN-Hàn Quốc về Đối tác hợp tác toàn diện; Tuyên bố chung về Đối tác ASEAN-Ấn Độ; Tuyên bố chung cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ôxtrâylia và Niu Dilân. Về kinh tế, ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ thỏa thuận đẩy nhanh quá trình thương lượng lập khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với hai nước này, quyết định bắt đầu đàm phán lập FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Về chính trị, Hàn Quốc và Nga đã chính thức gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Niu Di-lân cũng tỏ ý sẵn sàng tham gia TAC.

Thứ ba, thành công của Hội nghị thể hiện qua việc các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng về định hướng phát triển của hiệp hội như đã nêu. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần xúc tiến xây dựng Hiến chương ASEAN, tăng cường cải cách cơ chế, bộ máy để ASEAN hoạt động có hiệu quả hơn. Ngoài ra các nhà lãnh đạo còn quyết định họp cấp cao Đông Á tại Malaixia năm 2005 nhưng nhấn mạnh phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của ASEAN trong tiến trình hợp tác ASEAN+3 và hợp tác Đông Á.

Thành công nổi bật thứ tư là việc Lào - một nước mới gia nhập ASEAN và còn rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế, đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 10 và một loạt các hội nghị cấp cao và cấp Bộ trưởng liên quan. Điều đó khẳng định sự trưởng thành của Lào nói riêng, các nước thành viên mới nói chung trong đại gia đình ASEAN, góp phần nâng cao thêm uy tín của Hiệp hội trong khu vực và trên quốc tế.

Xin Thứ trưởng cho biết vai trò của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN-10?

Phát huy vai trò của một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp rất thiết thực về mọi mặt cho thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN-10 và các hội nghị cấp cao liên quan.

Thứ nhất, ngay từ khi soạn thảo các văn kiện cho cấp cao, chúng ta đã tích cực phối hợp với Lào và các nước ASEAN xây dựng Chương trình Hành động Viêng Chăn, bảo đảm VAP vừa kế thừa Chương trình Hành động Hà Nội, vừa có những nội dung mới về những lĩnh vực hợp tác mới của ASEAN. Chúng ta cũng đã tham gia tích cực, đề xuất nhiều nội dung, sáng kiến trong việc xây dựng các văn kiện quan trọng khác như Kế hoạch Hành động Cộng đồng An ninh ASEAN, Kế hoạch Hành động Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN, các Tuyên bố và Kế hoạch Hành động giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân.

Thứ hai, tại các hội nghị cấp cao này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng về các vấn đề thảo luận trong ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối thoại được các nhà Lãnh đạo ASEAN đồng tình. Chính Thủ tướng đã nêu luận điểm: ASEAN phải biến Cấp cao Viêng Chăn thành Cấp cao hành động, tập trung bàn các biện pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động Viêng Chăn và những thỏa thuận được ký kết. Thủ tướng cũng nêu những định hướng cụ thể về hợp tác ASEAN, như về an ninh chính trị ASEAN cần tập trung vào 3 hướng chính là: 1/Tranh thủ các nước bên ngoài tham gia TAC và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. 2/Tăng cường các biện pháp chống khủng bố theo các thỏa thuận đã ký. 3/Tăng cường xây dựng lòng tin trong đó có việc thực hiện tốt Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thứ ba, là nước vừa tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5, chúng ta cũng đã chia sẻ với bạn Lào về kinh nghiệm tổ chức cấp cao, cùng các nước ASEAN khác tích cực phối hợp và giúp đỡ Lào về các mặt trên tinh thần ASEAN, góp phần vào thành công của hội nghị.

Xin Thứ trưởng cho biết cảm tưởng của mình về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN-10 lần này, CHDCND Lào với tư cách là nước chủ nhà.

Đây là lần đầu tiên CHDCND Lào tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN. Sự thành công tốt đẹp của Hội nghị cấp cao ASEAN-10 và các hội nghị cấp cao liên quan đã nói lên sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của nước chủ nhà CHDCND Lào cho sự kiện quan trọng này. Bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp ASEAN đều đánh giá rằng Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào đã làm hết sức mình để bảo đảm cho một Hội nghị cấp cao ASEAN thành công không chỉ về lễ tân, hậu cần mà còn cả về nội dung. Về nội dung, có thể nói trong lịch sử ASEAN, đây là dịp có nhiều cuộc họp nhất, gồm 11 cuộc họp cấp cao (gần gấp đôi so với Hội nghị cấp cao ASEAN-9 tại Ba-li), 7 cuộc họp bộ trưởng và hơn 10 cuộc họp cấp thứ trưởng. Hội nghị cấp cao ASEAN-10 cũng nêu kỷ lục mới về số văn kiện được ký kết hoặc thông qua (35 văn kiện). Tôi cũng hết sức ấn tượng về sự đón tiếp nồng hậu của các tầng lớp nhân dân thành phố Viêng Chăn dành cho các đại biểu.

Việc CHDCND Lào tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN-10 thể hiện vai trò ngày càng tăng của các nước thành viên mới trong ASEAN đồng thời khẳng định sức mạnh đoàn kết của ASEAN trên con đường tiến tới một Gia đình ASEAN an ninh và năng động với những liên kết chặt chẽ trên mọi mặt của đời sống khu vực.
 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer