Trợ lý Bộ trưởng Đào Việt Trung trả lời phỏng vấn báo Đời sống và Pháp luật
ĐỒNG CHÍ ĐÀO VIỆT TRUNG, TRỢ LÝ BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO, THÀNH VIÊN LÃNH ĐẠO BỘ TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT
Câu hỏi 1: Trong năm qua, Việt Nam đã có rất nhiều những sự kiện ngoại giao quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Xin ông cho biết những đánh giá về thành tựu đó?
Trả lời:
Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2004 được thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt, tại mọi châu lục và đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể là :
Ngoại giao song phương đã góp phần củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới, tạo dựng và từng bước hoàn thiện khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các nước, nhất là với các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam
Ngoại giao đa phương của Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc với việc đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), để lại dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình hợp tác giữa hai châu lục đồng thời đưa quan hệ hợp tác giữa ta với các nước trong ASEM đi vào chiều sâu. Chúng ta đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như Hội nghị Cấp cao ASEAN 10 tại Lào, Hội nghị Cấp cao APEC 12 tại Chi lê, Hội nghị Cấp cao Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp tại Buốc-ki-na Pha-xô, Hội nghị Liên minh Nghị viện ASEAN tại Campuchia...
Hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có những bước chuyển rõ rệt, giúp mở rộng quan hệ kinh tế thương mại, du lịch, đầu tư...với các nước và tích cực tham gia giải quyết những tranh chấp nảy sinh. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực chủ động tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, đầu tư, bảo hộ quyền lợi của công dân Việt Nam...Chúng ta đã hoàn thành vòng đàm phán thứ 9 về việc Việt Nam gia nhập WTO và kết thúc đàm phán song phương với nhiều thành viên. Cam kết cung cấp hơn 3,4 tỉ đôla cho Việt Nam (mức cao nhất từ trước đến nay) đưa ra tại Hội nghị các nhà tài trợ chứng tỏ cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tựu và tin tưởng vào công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bà con ngày càng tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước và có nhiều đóng góp thiết thực vào việc xây dựng quê hương. Số lượng bà con Việt kiều về nuớc du lịch, kinh doanh và lượng kiều hối gửi về nước trong năm 2004 tăng đáng kể.
Một nét mới nữa trong hoạt động đối ngoại trong năm vừa qua là công tác thông tin, văn hóa đối ngoại cũng được tăng cường nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Những thành tựu to lớn kể trên đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao tiềm lực đất nước và vị thế quốc tế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Câu hỏi 2: Theo ông đâu là điểm nhấn của ngoại giao Việt Nam trong năm 2004? Điều gì đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu đó?
Trả lời:
Sự kiện đối ngoại nổi bật nhất trong năm 2004 là chúng ta đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội, để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước. Hội nghị ASEM 5 được bạn bè và dư luận báo chí quốc tế đánh giá là một kỳ Hội nghị thành công nhất trên các phương diện, từ sự tham dự đông đủ nhất của Lãnh đạo các nước thành viên, nội dung phong phú và thực chất nhất cho đến công tác điều hành tổ chức tốt nhất, an toàn nhất và chu đáo nhất.
Hội nghị đã thông qua những văn kiện quan trọng bao gồm 3 Tuyên bố (Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, Tuyên bố Hà Nội về thức đẩy quan hệ đối tác kinh tế Á-Âu chặt chẽ hơn, Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh) và 9 sáng kiến, trong đó có 2 sáng kiến Việt Nam là đồng tác giả.
Cùng với thành công về nội dung, ASEM 5 Hà Nội ghi một mốc son mới trong tiến trình phát triển của ASEM, là lần mở rộng đầu tiên với quy mô lớn với việc kết nạp 13 thành viên mới, đưa ASEM thành một diễn đàn gồm 39 thành viên với 2,3 tỷ người, chiếm 40% dân số thế giới và 50% GDP toàn cầu.
Đồng thời, Hội nghị ASEM 5 cũng tạo thêm sung lực để đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác trong ASEM đi vào chiều sâu, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước những năm tới.
Hội nghị ASEM 5 khẳng định khả năng của Việt Nam tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, khẳng định khả năng ngoại giao đa phương của Việt Nam, đưa lại kinh nghiệm quý giá cho việc tổ chức các Hội nghị quốc tế lớn khác, sắp tới là Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình dương (APEC) tại Hà Nội vào năm 2006.
Trong năm 2004, hoạt động đối ngoại đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Những thành tựu đó thể hiện tính đúng đắn của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đó là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Việt Nam thực sự là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước vì hòa bình và phát triển. Đây chính là kim chỉ nam trong tất cả các hoạt động đối ngoại của ta.
Thứ hai là sự chỉ đạo sát sao và sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, cùng với với sự hợp tác có hiệu quả của các Bộ, ban, ngành trung ương và các tỉnh thành trong cả nước, cũng như của các tổ chức, đoàn thể nhân dân. Sự phối hợp giữa đối ngoại Nhà nước với các hoạt động đối ngoại của Đảng, Quốc hội và đối ngoại nhân dân cũng như công tác ngoại vụ của các địa phương được tăng cường, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại.
Thứ ba là sự chủ động và linh hoạt của ngành ngoại giao theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể là kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, đề ra những trọng tâm và ưu tiên hợp lý đồng thời xử lý đúng đắn và kịp thời các vấn đề nảy sinh; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại nhằm tạo sự đan xen lợi ích, phục vụ mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ đất nước.
Câu hỏi 3: Ông có thể dự đoán tình hình thế giới năm 2005 sẽ diễn biến như thế nào? Ngoại giao Việt Nam phải làm những gì để đáp ứng yêu cầu của tình hình đó?
Trả lời:
Tình hình thế giới trong năm 2005 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp tuy nhiên nhìn tổng thể, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn sẽ là xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế.
Quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục đan xen giữa hợp tác và đấu tranh, kiềm chế và thỏa hiệp theo từng vấn đề và từng thời điểm cụ thể. Cạnh tranh giữa các nước lớn vấn tiếp tục nhưng sự ổn định tương đối được duy trì để tập trung cho phát triển kinh tế.
Nền kinh tế thế giới năm 2005 sẽ tiếp tục đà phục hồi của năm 2004 nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn do phải đối phó với nhiều thách thức. Quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa gắn với tự do hóa thương mại và đầu tư sẽ tiếp tục phát triển.
Đông Nam Á và châu Á - Thái bình Dương vẫn tiếp tục phát triển năng động với tốc độ cao, tuy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Các cơ chế hợp tác khu vực, đặc biệt là xu hướng liên kết kinh tế và thiết lập khu vực mậu dịch tự do, sẽ tiếp tục được thúc đẩy và từng bước hoàn thiện.
Đối với chúng ta, năm 2005 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn và là năm có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội IX đã đề ra cho giai đoạn 2001 - 2005. Để tiếp đà phát triển quan hệ đối ngoại của đất nước trong thời gian qua, hoạt động đối ngoại của Việt Nam sẽ tập trung vào những biện pháp và bước đi để tạo ra những chuyển biến cơ bản đối với các đối tác nhằm làm cho hoạt động đối ngoại thật sự trở thành một động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế sẽ được đẩy mạnh thông qua việc đẩy nhanh và kết thúc các cuộc đàm phán gia nhập WTO, chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để tranh thủ những thuận lợi và vượt qua những thách thức sau khi gia nhập WTO. Hoạt động đối ngoại cũng sẽ tập trung phục vụ phát triển kinh tế xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước
Phát huy thắng lợi của ASEM 5, chúng ta sẽ tiếp tục tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2006 và ứng cử thành công vào ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khóa 2008-2009.
Triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài qua việc xây dựng các chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Việt Kiều hướng về tổ quốc.
Làm tốt hơn công tác thông tin văn hóa, tuyền truyền đối ngoại với việc phát huy thế mạnh của các ngành, các cơ quan báo chí và các phương tiện khoa học, công nghệ tiên tiến.
Tôi tin rằng các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong năm 2005 sẽ tiếp tục được chủ động triển khai mạnh mẽ hơn, đưa vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới.
Nhân dịp Xuân mới 2005, tôi xin chúc toàn thể ban biên tập, các phóng viên, nhân viên của báo Đời sống & Pháp luật và gia đình đạt nhiều thành tích mới và qua báo xin gửi tới các bạn đọc của Báo những lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |