Ngoại giao Việt Nam với thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975
Thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975 đã mở ra một thời kỳ mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên của độc lập, tự do, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi lịch sử đó là thành quả của hơn 30 năm chiến đấu anh dũng và không mệt mỏi của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đó còn là thành quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận quân sự và chính trị trong suốt cuộc chiến đấu thần thánh, của chiến lược và sách lược đúng đắn của Đảng ta nhằm phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, trở thành một mặt trận quan trọng và đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử vô cùng gay go và quyết liệt, Đảng ta đã xác định "Đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động." Do đó, đi đôi với đấu tranh vũ trang, coi quân sự là mặt trận hàng đầu, Đảng ta rất coi trọng đấu tranh ngoại giao. Thắng lợi trên chiến trường là yếu tố quyết định cho thắng lợi trên bàn đàm phán và ngược lại thắng lợi trên bàn đàm phán sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giành được thắng lợi lớn hơn trên chiến trường buộc đối phương phải xuống thang. Mặt trận ngoại giao cùng với mặt trận quân sự và chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.
Trên cơ sở nắm vững Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và pháp lý quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, làm rõ chính nghĩa của ta, đấu tranh trực diện để vạch trần âm mưu, thủ đoạn và tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam, đồng thời kết hợp với phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức mạnh dân tộc, ý chí kiên cường đấu tranh anh dũng bất khuất, giúp cho nhân dân ta vượt qua tình thế khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được trên con đường đi tới thắng lợi hoàn toàn. Do ta kiên trì mục tiêu đó, ngoại giao Việt Nam đã "ứng vạn biến" bằng những sách lược linh hoạt, khôn khéo và sáng tạo, dám chấp nhận những thoả hiệp cục bộ trong một số vấn đề không cơ bản, biết đánh thắng từng bước, từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Để đi tới thắng lợi mùa xuân năm 1975, nhân dân ta đã phải huy động một lực lượng to lớn cả về sức người, sức của; hậu phương lớn miền Bắc chi viện tích cực cho đồng bào miền Nam. Đồng thời, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, ngoại giao đã ra sức tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế nhằm xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN và cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Đặc biệt, ngoại giao đã góp phần tăng cường liên minh chiến đấu với các lực lượng cách mạng ở Lào và Cam-pu-chia, mở rộng quan hệ đoàn kết hữu nghị với các nước á, Phi và Mỹ La tinh, ra sức tranh thủ chính quyền và nhân dân các nước này, đồng thời vận động nhân dân Mỹ và nhân dân các nước phương Tây khác phản đối chiến tranh và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, hình thành mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Trong lịch sử thế giới chưa có cuộc đấu tranh của một dân tộc nào lại được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới như vậy. Lương tri của nhân loại tiến bộ đã hướng về Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của một dân tộc kiên cường đấu tranh vì mục tiêu cao cả là hoà bình, độc lập dân tộc, tự do và thống nhất đất nước.
Ngoại giao đã thực sự đóng vai trò cầu nối, gắn Việt Nam với thế giới, gắn cách mạng Việt Nam với các trào lưu chung của thế giới là hoà bình, chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, chuyển tải sức mạnh của cả thời đại đến với Việt Nam, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn của dân tộc ta trong cuộc đối đầu với đế quốc có vũ khí, khí tài hiện đại. Phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới là kết quả của cuộc vận động ngoại giao, nêu cao chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, góp phần làm nhụt ý đồ xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta.
Đỉnh cao của hoạt động ngoại giao thời kỳ này là việc mở cuộc đàm phán lịch sử ở Pa-ri từ năm 1968 đến 1973, đưa đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất, gay go và khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị, ngoại giao đã đưa ra nhiều sáng kiến ngoại giao nhằm phát huy tối đa ý nghĩa của các thắng lợi trên chiến trường, chủ động tiến công vào những điểm yếu của đối phương, tạo thành một cục diện "vừa đánh vừa đàm" đem đến điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chính trị và quân sự tại miền Nam, đánh bại ý chí xâm lược và kéo địch xuống thang từng bước. Ngoại giao Việt Nam đã phát huy cao độ đường lối độc lập, tự chủ trong thương lượng, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, làm thất bại âm mưu của đối phương nhằm chia rẽ ta với các nước bạn, gây sức ép với ta trong đàm phán. Do có đường lối đối ngoại đúng đắn, các hoạt động ngoại giao vô cùng phong phú và sáng tạo, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân, ngoại giao miền Bắc với ngoại giao miền Nam, trong đó nổi bật là ngoại giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam, đã tạo thành một binh chủng đối ngoại hùng hậu, có tính nhân văn sâu sắc, sức mạnh, ý chí và tính thuyết phục rất cao.
Với Hiệp định Pa-ri, Mỹ đã phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; rút hết quân khỏi Việt Nam và Đông Dương; công nhận ở miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, có hai lực lượng vũ trang đối lập kiểm soát hai vùng lãnh thổ khác nhau. Đúng như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét: "Mấu chốt là ở chỗ quân Mỹ phải rút ra, còn quân ta thì ở lại". Hiệp định Pa-ri đã góp phần tạo nên bước ngoặt về so sánh lực lượng có lợi cho ta và là bước rất quan trọng để tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, ngoại giao đã liên tục đấu tranh buộc Mỹ thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định, ngăn chặn khả năng Mỹ dính líu và can thiệp quân sự trở lại Việt Nam, tiếp tục tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của anh em, bè bạn và nhân dân thế giới, tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và dư luận quốc tế để ta hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.
Ba mươi năm đã trôi qua nhưng thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong mùa xuân 1975 vẫn mãi mãi khắc sâu trong lịch sử như một bản trường ca bất tử về một dân tộc anh hùng. Những thành tựu to lớn và những bài học bổ ích trong đấu tranh ngoại giao phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước tiếp tục được hun đúc và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong gần 20 năm Đổi mới, ngoại giao đã không ngừng phát huy truyền thống, tiếp tục đóng vai trò tích cực, chủ động trong việc phá bỏ thế bị bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tình hình thế giới sẽ còn diễn biến nhanh và phức tạp, đưa đến cho nước ta thời cơ lớn đan xen với những thách thức không nhỏ, song chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng phát huy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, vận dụng phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, đặc biệt là vận dụng nhuần nhuyễn 5 cái biết, tích cực và chủ động hơn nữa để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, tạo ra môi trường hoà bình và ổn định, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế, đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhất định sẽ góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đất nước Việt Nam "đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn", dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh như Bác Hồ kính yêu hằng mong uớc./.
Nguyễn Dy Niên
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
(Bài viết đăng trên Báo Nhân dân ngày 29/4/2005)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |