Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình: Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có sự khởi sắc trong thời gian gần đây

SÁU MƯƠI NĂM NGOẠI GIAO VIỆT NAM VÀ CÔNG TÁC VỀ NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

(Bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp 60 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao)

 

Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 26/3/2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng thời chỉ rõ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước ta với các nước. Thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 60 năm qua cho thấy: công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn gắn liền với công tác ngoại giao vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

1. Lịch sử công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đương thời, Hồ Chủ tịch kính yêu, nhà ngoại giao lỗi lạc, người lãnh đạo xuất sắc nhất trong lĩnh vực công tác kiều bào với phương pháp và phong cách độc đáo, đã từng căn dặn cán bộ, đảng viên phải biết "vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người nào", để thực hiện "những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho".

Người đặc biệt quan tâm tới công tác vận động kiều bào, xây dựng cơ sở ở ngoài nước nhằm phục vụ cho mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chính Người đã thành lập Nhóm người An Nam yêu nước (năm 1919), tiền thân của Phong trào Việt kiều yêu nước và Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay; thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu, Trung Quốc (Năm 1924), có chi hội đầu tiên ở ở Phichit Thái Lan ( năm 1926), sau lan ra những nơi khác có đông người Việt sinh sống và từ năm 1928, Người đến Thái Lan, trực tiếp lãnh đạo và tổ chức phong trào Việt kiều yêu nước. Hình ảnh Bác Hồ xuống cảng Hải Phòng đón kiều bào ta từ Thái Lan hồi hương về nước vào cuối những năm 1950 vẫn còn đậm nét trong hồi ức của bao thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài và đồng bào cả nước. Cho tới những ngày cuối đời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm tới công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chia sẻ tình nghĩa đồng bào với mọi người con sống xa quê hương.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam đồng thời cũng là bước ngoặt trong công tác vận động kiều bào. Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Pháp, nơi có đông người Việt làm ăn, sinh sống cũng là địa bàn hoạt động, cơ sở cách mạng quan trọng ở ngoài nước. Từ nước ngoài, nhiều thế hệ kiều bào đã về nước tham gia kháng chiến hoặc giữ vai trò nòng cốt, cơ sở cách mạng, hạt nhân lãnh đạo phong trào Việt kiều hướng về Tổ quốc.

Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, công tác vận động kiều bào hướng về Tổ quốc, trực tiếp ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, thống nhất đất nước gắn liền với công cuộc vận động quốc tế. Kiều bào ta tại Pháp đã tích cực tham gia phục vụ, bảo vệ Phái đoàn Chính phủ Việt Nam sang đàm phán tại Pháp (Hội nghị Fontainebleau), vận động dư luận và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Nhiều trí thức Việt kiều (Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ..) đã theo Hồ Chủ tịch về nước tham gia kháng chiến.

Sau năm 1954, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là vận động kiều bào tham gia công cuộc xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ ne vơ, vận động nhân dân và dư luận sở tại đấu tranh buộc Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định, chống đàn áp những người kháng chiến... Nhiều trí thức và kiều bào đã tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và tài sản tích lũy được về góp phần xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước.

Một trong những thành tích nổi bật của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời kỳ chống Mỹ là động viên kiều bào ở nước ngoài đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, tích cực giúp đỡ và phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao tiến hành vận động nhân dân và chính giới các nước, kể cả nhân dân Mỹ, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống Mỹ, giành độc lập thống nhất dân tộc. Kiều bào ta ở Pháp, trong nhiều năm liên tục, đã tận tụy ngày đêm phục vụ, giúp đỡ các nhà ngoại giao Việt Nam đấu tranh trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có sự đóng góp to lớn về vật chất, tinh thần kể cả xương máu của kiều bào ở nước ngoài. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 lại đây, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp tục thúc đẩy trong bối cảnh và tình hình mới. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn gắn bó, bổ sung và làm phong phú thêm công tác ngoại giao, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới.

2. Mục tiêu của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là giúp kiều bào ổn định cuộc sống và thành đạt, hội nhập vào đời sống xã hội sở tại và hướng về Tổ quốc, tạo điều kiện để bà con có thể đóng góp được nhiều nhất cho sự nghiệp chung của dân tộc, làm cầu nối góp phần củng cố và tăng cường các quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa nước ta và các nước có đông kiều bào.

Nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm: tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong tham mưu xây dựng chủ trương chính sách, đóng góp quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực công tác về người Việt nam ở nước ngoài là đã kiến nghị Bộ Chính trị, lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết riêng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài: Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 và gần đây: lần đầu tiên ban hành một Nghị quyết công khai về công tác này: Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004.

Triển khai thực hiện hai Nghị quyết nêu trên cũng như các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII và IX, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, các bộ, ban ngành ban hành nhiều quyết định, thông tư hướng dẫn về các lĩnh vực: quốc tịch, hộ tịch, nhập xuất cảnh, cư trú, hồi hương; về đầu tư kinh doanh; về vấn đề nhà đất; vấn đề văn hóa thông tin tuyên truyền, thể thao; về hỗ trợ, vận động cộng đồng, dạy và học tiếng Việt; về công tác thi đua khen thưởng… Về cơ bản, đã hình thành hệ thống các chủ trương, chính sách, các quy định, cơ chế, biện pháp tương đối hoàn chỉnh, đấp ứng nhu cầu điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài. Hệ thống các quy định này tiếp tục được rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới, đảm bảo ngày càng hoàn thiện và thông thoáng hơn.

Cùng với những thành tựu trong công tác ngoại giao thời gian gần đây, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có sự khởi sắc, đặc biệt là kể từ khi ban hành Nghị quyết 36 (tháng 3/2004) và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này (tháng 6/2004). Nhiều biện pháp tích cực có tính đột phá đã được tiến hành, tác động mạnh mẽ tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Lần đầu tiên: Chính phủ đã cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng và Quỹ đã tài trợ nhiều dự án thành công, đặc biệt là các dự án hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào tại Lào; Ủy ban về người Việt nam ở nước ngoài đã có sáng kiến cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức thành công Trại hè Việt Nam 2004 cho 86 thanh niên từ 23 nước và Trại hè Việt Nam 2005 cho 90 cháu ở 21 nước; tổ chức thành công Đoàn kiều bào tiêu biểu với 35 vị từ 19 nước về thăm quê, chúc Tết các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và tham dự các hoạt động Tết ất Dậu (tháng 1/2005) và Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Quốc giỗ vua Hùng (tháng 4/2005). Thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", cuối tháng 8/2005, lần đầu tiên Ủy ban về người Việt nam ở nước ngoài sẽ mời các vị kiều bào có công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ về thăm đất nước và tham dự các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2.9. Triển khai chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc, khép lại quá khứ hướng tới tương lai, ta đã cho phép và thu xếp chu đáo cho một số nhân vật trong chế độ Sài Gòn trước đây như các ông Đỗ Mậu, Nguyễn Cao Kỳ, hoặc thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sỹ Phạm Duy được về thăm và có những họat động tích cực theo tinh thần trên; thúc đẩy giải quyết một số vấn đề nhân đạo do quá khứ để lại trên cơ sở đạo lý Việt Nam...

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Phong trào kiều bào hoạt động hướng về Tổ quốc tiếp tục được củng cố và phát triển. Các Hội người Việt Nam ở Pháp, Lào, Thái Lan, Campuchia, Anh, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, LB Đức, Hà Lan, Nga, Séc, ý, Ucraina, Angola.. cũng như các tổ chức nghề nghiệp, đồng hương, xã hội, từ thiện.., đã và đang được củng cố, thành lập mới và có những hoạt động, đóng góp thiết thực cho đất nước; được chính quyền sở tại công nhận và tạo điều kiện giúp đỡ. Tại Mỹ, các tổ chức NGO của người Mỹ gốc Việt có các hoạt động xã hội, từ thiện tại Việt Nam cũng đã tập hợp nhau lại, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp các hoạt động xã hội và từ thiện tại Việt Nam. Số người về thăm gia đình, quê hương ngày một tăng. Năm 1987 chỉ có khoảng 8.000 lượt người về thăm Việt Nam thì sau 5 năm đổi mới (1992) số người về đã lên tới 97.000 lượt người (tăng gấp 12 lần). Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 350.000 lượt người về Việt Nam thăm thân nhân, du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Năm 2004 đạt kỷ lục: 430.000 lượt người. Hiện có khoảng 110 dự án đầu tư (theo Luật Đầu tư Nước ngoài) của người Việt Nam với số vốn là 630 triệu đô la Mỹ và 1520 doanh nghiệp (theo Luật Đầu tư Trong nước) với số vốn là 3.500 tỷ đồng Việt Nam. Mỗi năm có hàng trăm lượt trí thức kiều bào về nước nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, tham gia các hội thảo. Hội thảo "Trí thức kiều bào với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" do Bộ Khoa học và công nghệ và Ủy ban người Việt nam ở nước ngoài vừa phối hợp tổ chức thành công tại Hà Nội (16, 17/8/2005).

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuẩn bị gia nhập WTO và hội nhập quốc tế, cộng động người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 2,7 triệu người sống ở trên 90 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở 21 nước (98%), chủ yếu là ở các nước công nghiệp phát triển (80%), có tiềm năng, đặc biệt là tiềm năng về tri thức, có thể góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, tăng cường các quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Để làm tốt hơn nữa công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự đồng thuận, nhất trí cao về công tác này của toàn Đảng, toàn dân, thực sự đưa Nghị quyết 36 và Chương trình hành động của Chính phủ đi vào cuộc sống; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, nâng cao ý thức cộng đồng, tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.

Hà Nội, tháng 8/2005.

 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn