Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, tại Khoá họp 60 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc


PHÁT BIỂU

CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO NGUYỄN DY NIÊN

TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU VIỆT NAM

TẠI KHÓA HỌP 60 ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC

(Niu Oóc, 21/9/2005)

Thưa Ngài Chủ tịch,

Trước hết, thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng Ngài được bầu làm Chủ tịch Khoá họp lần thứ 60 ĐHĐ LHQ. Tôi tin tưởng rằng dưới sự điều hành xuất sắc của Ngài, Khoá họp sẽ thành công tốt đẹp. Chúng tôi cũng xin đánh giá cao nỗ lực và đóng góp tích cực của vị Chủ tịch tiền nhiệm, Ngài Jean Ping, đối với Khoá họp 59 vừa qua.

Nhân dịp này, tôi xin chúc mừng Ngài Tổng Thư ký LHQ Cô-phi An-nan về những đóng góp to lớn vào quá trình cải tổ và tăng cường LHQ trong năm qua.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Khoá họp ĐHĐ năm nay diễn ra vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập LHQ và ngay sau Hội nghị Cấp cao kiểm điểm năm năm thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt với nhiều hy vọng và niềm tin. Chúng tôi hy vọng rằng các nước thành viên LHQ sẽ tìm ra những biện pháp hữu hiệu để thực hiện những cam kết trong Văn kiện Hội nghị Cấp cao vừa được thông qua, nhất là việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chúng tôi tin rằng trước thách thức và cơ hội đan xen, với trí tuệ và ý thức trách nhiệm, chúng ta sẽ tìm ra được con đường đúng đắn đưa nhân loại đến một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn trong thế kỷ XXI.

Trong bầu không khí kỷ niệm hôm nay, chúng ta không thể và không được quên những thực tế khắc nghiệt khi phải chứng kiến sự lan rộng của chiến tranh, xung đột, sự trỗi dậy của khủng bố, thảm hoạ thiên nhiên, nghèo đói, bùng nổ bệnh dịch, tội phạm xuyên quốc gia... đang đe doạ hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia. Những vụ khủng bố vừa qua ở Luân Đôn, Sam-el-Sek và các nơi khác đã khiến nhân dân thế giới bàng hoàng và căm phẫn. Việt Nam luôn bên cạnh các nước trong cuộc đấu tranh chống khủng bố dưới mọi hình thức. Việt Nam cho rằng, để loại trừ nguồn gốc khủng bố, cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết triệt để các vấn đề đói nghèo, bất công và bất bình đẳng.

Việt Nam hoan nghênh các chuyển biến tích cực gần đây trong việc thực hiện lộ trình hoà bình Trung Đông. Việt Nam trước sau như một ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Palestine trong đấu tranh đòi những quyền bất khả xâm phạm của mình. Trên tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh việc Israel rút các khu định cư người do thái khỏi dải Gaza. Xuất phát từ chủ trương luôn ủng hộ các biện pháp hoà bình để giải quyết các bất đồng quốc tế, Việt Nam ủng hộ giải quyết hoà bình vấn đề hạt nhân ở Iran và bán đảo Triều Tiên. Việt Nam cho rằng các biện pháp bao vây cấm vận trong thời đại ngày nay là không thể chấp nhận được và kêu gọi sớm chấm dứt việc đơn phương bao vây cấm vận đối với Cuba. Việt Nam cho rằng LHQ cần đóng góp vai trò to lớn hơn trong các lĩnh vực này. Trận sóng thần xảy ra năm ngoái với các nước châu Á và cơn bão Katrina đổ vào các tỉnh ven biển Hoa Kỳ vừa qua đã cướp đi nhiều sinh mạng và gây thiệt hại tới hàng trăm tỷ USD đang nhắc nhở chúng ta về việc phải có hệ thống cảnh báo sớm, phải luôn sẵn sàng và phải có sự đoàn kết, hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với sức mạnh của thiên nhiên.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Chúng ta có nhiệm vụ biến những cam kết trong Văn kiện Hội nghị Cấp cao thành hành động cụ thể nhằm thúc đẩy cải tổ LHQ. Tôi rất chia sẻ với điều mà Ngài Tổng Thư ký đã nêu trong Báo cáo "Vì một nền tự do rộng lớn hơn" và được ghi nhận trong Văn kiện Hội nghị Cấp cao về mối quan hệ hữu cơ giữa hoà bình, an ninh, phát triển và nhân quyền. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy môi trường hoà bình và ổn định chính trị xã hội là điều kiện không thể thiếu cho phát triển và ngược lại kinh tế phát triển, cuộc sống nhân dân được nâng cao sẽ góp phần củng cố cho hoà bình và ổn định. LHQ cần đóng vai trò to lớn hơn trong việc đảm bảo mối quan hệ hữu cơ này.

Việt Nam chia sẻ quan điểm chung cho rằng cải tổ LHQ trước hết phải nâng cao được hiệu quả hoạt động và tăng cường dân chủ hoá trong phương thức hoạt động của tổ chức này trên cơ sở củng cố và tăng cường các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương. Theo đó, cần củng cố vai trò trung tâm và quyền hạn của ĐHĐ-cơ quan có sự tham gia bình đẳng của tất cả các nước thành viên LHQ. Cải tổ HĐBA cần được quan tâm thích đáng để tổ chức này có thể thực thi trách nhiệm bảo đảm môi trường hoà bình và ổn định quốc tế của mình. Phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an cần được cải tiến để tăng tính dân chủ và minh bạch. HĐBA cần được mở rộng cả thành viên thường trực và không thường trực nhằm bảo đảm rằng HĐBA hành động đại diện cho mọi thành viên LHQ như quy định của Hiến chương. Theo đó, chúng tôi cho rằng các nước đang phát triển cần được đại diện xứng đáng tại cơ quan quan trọng này, đồng thời khẳng định lại sự ủng hộ từ năm 1999 đối với Ấn Độ, Nhật, Đức làm thành viên thường trực HĐBA khi cơ quan này được mở rộng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cho rằng cải tổ LHQ cần phải được tiến hành một cách toàn diện và trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm cân bằng giữa hai mục mục tiêu quan trọng và bổ xung cho nhau là duy trì hòa bình, an ninh với mục tiêu phát triển. Một môi trường thuận lợi cho phát triển phải được xây dựng trên cơ sở quan hệ kinh tế quốc tế bình đẳng, cùng có lợi, chia sẻ trách nhiệm và thực hiện các cam kết đã thoả thuận. Trong tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ các đề xuất liên quan đến phát triển nêu trong Báo cáo của TTK LHQ và Văn kiện Hội nghị Cấp cao, nhất là việc tái khẳng định những cam kết của cộng đồng quốc tế để thực hiện đúng hạn các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Việt Nam hoan nghênh một số quốc gia đã có lộ trình cho việc thực hiện cam kết dành 0,7% GNP cho viện trợ chính thức (ODA) mà không kèm theo điều kiện. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đang phát triển tham gia tích cực vào nền kinh tế toàn cầu là biện pháp hỗ trợ tích cực cho các nước này thực hiện được thắng lợi các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Do đó, Việt Nam kêu gọi LHQ cần hỗ trợ hơn nữa cho các nước đang phát triển sớm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), xoá bỏ các loại hàng rào phi quan thuế, bảo hộ như dưói hình thức tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh để ngăn cản hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người luôn là một ưu tiên cao trong hoạt động của LHQ. Việt Nam cho rằng LHQ cần tiếp tục đóng vai trò to lớn hơn trong lĩnh vực này. Việt Nam phấn đấu hết sức mình để đóng góp vào sự nghiệp chung thúc đẩy quyền con người. Trên tinh thần đó, Việt Nam cho rằng cải tổ bộ máy nhân quyền của LHQ là cần thiết, song việc cải tổ cần bảo đảm công việc của bộ máy nhân quyền phải được tiến hành một cách cân bằng, không để bị chính trị hoá. Việt Nam cho rằng cần tiếp tục thảo luận kỹ vấn đề Hội đồng Nhân quyền và khái niệm "trách nhiệm bảo vệ" nhằm bảo đảm các biện pháp được thông qua giành được sự ủng hộ rộng rãi.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Nhân dân Việt Nam vừa kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nhà nước dân chủ của mình. Nhờ kết quả của công cuộc Đổi mới toàn diện, Việt Nam ngày nay đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và liên tục trong nhiều năm, đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, và đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Việt Nam ngày nay là một quốc gia an toàn, ổn định, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa đạng hoá, đa phương hoá, sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của các nước, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và quốc tế. Việt Nam đang nỗ lực hết sức để sớm hoàn tất các vòng đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhân dịp này tôi xin bày tỏ cảm ơn tới những nước đã hỗ trợ Việt Nam trên vấn đề này. Việt Nam đóng vai trò tích cực trong ASEAN, APEC, ASEM, cơ chế hợp tác Đông Á. Để đóng góp hơn nữa vào hoạt động chung của LHQ, Việt Nam đã quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và đang chuẩn bị và khi đủ điều kiện sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.

Cuối cùng, thưa Ngài Chủ tịch, cho phép tôi khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tích cực cùng với các nước khác trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì các mục tiêu chung và vì một Liên hợp quốc vững mạnh hơn.

Xin cám ơn ./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer