Những dấu ấn ngoại giao Việt Nam năm 2006
Những thành tựu đối ngoại mà chúng ta đạt được trong năm 2006 có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đó không tách rời thế và lực mới của đất nước và là sự tiếp nối những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 20 năm thực hiện chính sách đổi mới của Đảng. Trong không khí phấn khởi Mừng Đảng, Mừng Xuân Đinh Hợi, đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã có bài viết riêng cho Tạp chí Cộng sản, tổng kết tình hình và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam năm 2006.
Năm 2006 đã khép lại, để lại những dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước ta. Đại hội lần thứ X của Đảng đánh dấu mốc quan trọng của chặng đường 20 năm thực hiện công cuộc Đổi mới thành công, đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước đến năm 2010 và 2020. Ngay sau Đại hội X, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã quan tâm chỉ đạo sát sao công tác đối ngoại nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội X đã đề ra và đã đạt được những thành tựu khá ấn tượng, góp phần tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi hơn cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và nâng cao vị thế của nước ta ở khu vực và trên thế giới.
Nhìn lại năm qua, hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta được triển khai trong một môi trường quốc tế biến đổi nhanh chóng, thuận lợi và thách thức đan xen. Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện, diễn biến sôi động, đa dạng và phức tạp, tạo nên nét đặc trưng riêng của năm 2006. Xét tổng thể, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; xu hướng đa cực, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển; phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh, chống đơn phương, áp đặt cường quyền đã giành được những tiến triển mới. Tuy nhiên, về cục bộ, thế giới vẫn chưa ổn định và chứa đựng nhiều yếu tố bất trắc khó lường. Chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, tranh chấp về biên giới lãnh thổ, tài nguyên... vẫn diễn ra phức tạp. Một số "điểm nóng" khu vực thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng căng thẳng hơn, đặc biệt ở Trung Đông. Tương quan lực lượng thế giới, nhất là giữa các nước lớn tiếp tục có những thay đổi quan trọng; hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế đan xen, phức tạp.
Trong năm qua, nền kinh tế thế giới tiếp tục chu kỳ phục hồi và phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn dự kiến ban đầu, đạt mức khoảng 5,1%. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới vẫn phải đối phó với những biến động phức tạp về giá nguyên nhiên liệu, nhất là giá dầu mỏ dao động ở mức cao, hệ thống tài chính tiền tệ kém ổn định. Đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có chiều hướng gia tăng, làm cho vòng đàm phán Đô-ha bị hoãn vô thời hạn.
Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất thế giới về kinh tế, đạt mức khoảng 7% trong năm 2006. Hợp tác và liên kết kinh tế trong khuôn khổ song phương, ở cấp độ khu vực và tiểu khu vực tiếp tục phát triển mạnh. Tuy nhiên, một số vấn đề "nóng" lại nổi lên như chủ nghĩa khủng bố, ly khai, tranh giành quyền lực nội bộ, cạnh tranh giữa các nước... đang tác động tới môi trường an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực. Ở Đông - Nam Á, các nước tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, song một số nước ASEAN tiếp tục gặp khó khăn nội bộ. Bên cạnh đó, các nguy cơ an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường, khí hậu... tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến an ninh và phát triển của các quốc gia.
Trong bối cảnh quốc tế đó, các hoạt động đối ngoại của nước ta được triển khai một cách chủ động, trên nhiều hướng, ngoại giao song phương kết hợp nhịp nhàng với ngoại giao đa phương, chú ý đến trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, nhất là hiệu quả về kinh tế, và đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2006 và những năm tiếp theo.
Trong năm qua, công tác ngoại giao đa phương của Việt Nam đã thu được nhiều thắng lợi, nổi bật nhất là chúng ta đã tổ chức thành công Năm APEC 2006, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC. Chúng ta đã tổ chức chu đáo, thành công gần 130 hội nghị, hội thảo khác nhau trên nhiều địa phương của cả nước, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra từ ngày 12 đến 19-11-2006 tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 1 vạn khách quốc tế gồm các đại biểu, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu khu vực, thế giới và hơn 1.500 nhà báo, phóng viên truyền hình nước ngoài. Các nền kinh tế thành viên APEC và bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam những đánh giá tốt đẹp, tích cực, chân thành về những đóng góp quan trọng của nước chủ nhà vào thành công của Năm APEC 2006 trên tất cả các phương diện: nội dung, công tác tổ chức, an ninh, lễ tân, hậu cần. Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và đóng góp rất tích cực vào các văn kiện quan trọng được thông qua tại Hội nghị, đặc biệt là Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Bu-san, ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình phát triển của APEC.
Tiếp theo thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN VI (1998) và ASEM V (2004), thành công của Năm APEC 2006 và Tuần lễ Cấp cao APEC thể hiện một bước phát triển mới của ngoại giao đa phương Việt Nam. Đồng thời, thành công của Hội nghị Cấp cao APEC-14 phản ánh một cách cụ thể và sinh động đường lối đối ngoại của Đại hội X, phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới và bạn bè quốc tế về một Việt Nam đổi mới thành công, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, và chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam; về một hình ảnh Việt Nam năng động, có trách nhiệm, an toàn, cởi mở và mến khách.
Trong năm qua, Việt Nam còn tích cực phát huy vai trò và chủ động tham gia, đóng góp nhiều sáng kiến xây dựng tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế đa phương khác. Vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao với việc tất cả các nước trong Nhóm châu Á ở Liên hợp quốc nhất trí đề cử Việt Nam làm ứng cử viên Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008 - 2009. Cùng với việc trở thành thành viên WTO, nếu Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thể hiện sự tham gia đầy đủ của nước ta vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế. Đó là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về uy tín quốc tế của Việt Nam và về khả năng đóng góp đầy trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh - chính trị quốc tế quan trọng.
Trong năm 2006, công tác ngoại giao phục vụ kinh tế đã phát huy hiệu quả và đạt được những thắng lợi quan trọng. Ngoại giao tiếp tục góp phần giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước. Nét nổi bật trong hoạt động đối ngoại năm 2006 là ngoại giao đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thành công quá trình đàm phán song phương, đa phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Đây là một trong những thành tựu đối ngoại ấn tượng nhất của năm 2006, là bước hội nhập đầy đủ hơn và thực chất hơn của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Ngày 7-11-2006, Việt Nam đã chính thức được kết nạp vào WTO, một "sân chơi" kinh tế toàn cầu chiếm khoảng 90% dân số thế giới, 95% GDP và 95% giá trị thương mại của toàn thế giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với nước ta, đánh dấu một mốc mới rất quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế: từ hội nhập ở cấp độ khu vực (ASEAN năm 1992) đến cấp độ liên khu vực (ASEM năm 1996, APEC năm 1998) và đến cấp độ toàn cầu hiện nay.
Việc Việt Nam gia nhập WTO là kết quả tất yếu của quá trình đổi mới, tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam; là kết quả của quyết tâm cao và sự chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp trong suốt 11 năm qua với hơn 200 cuộc đàm phán rất cam go, phức tạp ở cả cấp độ song phương và đa phương và việc Quốc hội thông qua một khối lượng lớn luật quan trọng nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc gia nhập WTO. Trong những nỗ lực chung đó, ngoại giao đã vận dụng và phát huy quan hệ chính trị đối ngoại với các đối tác đàm phán để thúc đẩy thành công quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam.
Trong năm qua, ngoại giao đã kết hợp tốt chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại. Cùng với các chuyến thăm của nguyên thủ các nước đến Việt Nam và của lãnh đạo ta ra nước ngoài, nhiều công ty, tập đoàn ở các nước lớn đã quyết định đầu tư vào Việt Nam, tạo ra làn sóng đầu tư mới ở nước ta. Đáng chú ý là, qua việc tổ chức thành công Năm APEC 2006, chúng ta có điều kiện tranh thủ thêm nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ; tăng lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và doanh nghiệp APEC đối với một thị trường Việt Nam tiềm năng, nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Việc gần 1.000 đại diện các tập đoàn và công ty hàng đầu của các nền kinh tế APEC vào Việt Nam dự họp lần này đã nói lên điều đó. Nhân dịp APEC-14, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nền kinh tế APEC đã ký kết được các hợp đồng lớn trị giá tới gần 2 tỉ USD.
Ngoài ra, ngoại giao đã hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp, các địa phương trong các hoạt động kinh tế đối ngoại. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gắn kết chặt chẽ với cộng đồng các doanh nghiệp và cơ quan trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, thúc đẩy hợp tác lao động, du lịch, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Ngoại giao đã tích cực góp phần vào việc tạo ra những kỷ lục mới về kinh tế đối ngoại: kim ngạch xuất khẩu đạt gần 40 tỉ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 10 tỉ USD và viện trợ phát triển chính thức đạt 4,445 tỉ USD.
Phối hợp nhịp nhàng với ngoại giao đa phương, các hoạt động ngoại giao song phương trong năm qua đã được triển khai sôi động trên nhiều hướng và đạt được những thành tựu quan trọng. Số lượng các đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam nhiều chưa từng có trong năm qua (trên 40 đoàn), chứng tỏ bạn bè quốc tế đều quan tâm và muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Chúng ta tiếp tục tạo được những chuyển biến mới tích cực trong việc đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác, ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định.
Quan hệ giữa nước ta với Lào và Cam-pu-chia có những phát triển mới đáng phấn khởi theo hướng phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp về chính trị để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu. Tính đến nay, Việt Nam là nước đầu tư lớn thứ hai vào Lào với tổng số vốn đăng ký đã được cấp giấy phép đạt trên 500 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải. Với Cam-pu-chia, hai bên đã đạt được thỏa thuận cụ thể tăng cường hợp tác trên 8 lĩnh vực: nông nghiệp, thương mại và đầu tư, điện lực, khai khoáng, hàng không, ngân hàng, thăm dò dầu khí, du lịch. Đặc biệt, hai bên nhất trí nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỉ USD vào 2010, Việt Nam đầu tư trồng và chế biến cao su, xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Sê San.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có bước phát triển mới và toàn diện hơn, khuôn khổ quan hệ song phương được hoàn thiện, tăng thêm sự ổn định và tin cậy lẫn nhau. Trong năm 2006, hai bên tiếp tục thực hiện các chuyến thăm song phương lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước; thành lập và họp phiên đầu tiên Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời hai bên tiếp tục tăng cường các cuộc trao đổi tiếp xúc cấp cao; tăng cường giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm phát triển, tuyên truyền giáo dục truyền thống hữu nghị, thỏa thuận nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 15 tỉ USD vào năm 2010 đi đôi với từng bước cải thiện cơ cấu trao đổi thương mại; thúc đẩy hợp tác đầu tư, nhất là các dự án kinh tế lớn trong lĩnh vực công nghiệp, cơ sở hạ tầng, phân bón, hóa chất. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về chương trình "hai hành lang, một vành đai kinh tế"; tiếp tục thực hiện các thỏa thuận cấp cao hai nước về biên giới lãnh thổ.
Quan hệ của ta với các nước ASEAN tiếp tục được củng cố và tăng cường. Chuyến thăm In-đô-nê-xi-a của Thủ tướng Phan Văn Khải tháng 3-2006 đã thúc đẩy thêm một bước quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Thái Lan đã góp phần củng cố quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Việc Tòa sơ thẩm Thái Lan phán quyết dẫn độ Lý Tống về Việt Nam là một thắng lợi bước đầu trong đấu tranh của ta về vấn đề này. Việt Nam và Ma-lai-xi-a đang xây dựng Chương trình Hành động nhằm thực hiện Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI. Thủ tướng Xin-ga-po thăm Việt Nam, dự kỷ niệm 10 năm thành lập Khu công nghiệp Bình Dương, chủ động nêu các kiến nghị mới quan trọng để triển khai Sáng kiến kết nối hai nền kinh tế. Ta cũng đã đón Thái tử Bru-nây và tiến hành tham khảo chính trị thường kỳ với Mi-an-ma ở cấp thứ trưởng ngoại giao.
Năm 2006 đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt - Mỹ với việc Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam. Chuyến thăm song phương chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC-14 (tháng 11-2006) đã tạo đà thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn trong những năm tới; hai bên khẳng định tiếp tục nỗ lực thiết lập mối quan hệ ổn định, xây dựng và nhiều mặt trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hai bên cũng đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có việc Mỹ cam kết tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam, hỗ trợ xây dựng chính sách và năng lực để giúp Việt Nam phát triển kinh tế và hội nhập nền kinh tế quốc tế, hợp tác phòng chống HIV/AIDS, phòng chống cúm gia cầm, chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến ma túy... Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc tìm kiếm thông tin về các trường hợp quân nhân ta mất tích trong chiến tranh, thỏa thuận cùng nỗ lực để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chứa đi-ô-xin trước đây. Quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa ta với Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, kim ngạch buôn bán cả năm nay đạt trên 9 tỉ USD, so với 7,5 tỉ USD năm 2005. Nhiều tập đoàn và công ty lớn của Mỹ đã vào Việt Nam để tìm cơ hội và thỏa thuận đầu tư. Trong các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, trước sự đấu tranh kiên quyết của ta, ngày 12-11-2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo (CPC).
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng lên một bước phát triển mới. Chúng ta và Nhật Bản đã thỏa thuận hướng tới xây dựng quan hệ "Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á"; nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỉ USD vào 2010; phía Nhật Bản tiếp tục khẳng định ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội; tăng đầu tư vào Việt Nam và đồng ý bắt đầu khảo sát và hợp tác với Việt Nam thực hiện 3 dự án lớn là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, và phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga cũng có nhiều khởi sắc mới. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC-14, Tổng thống V. Pu-tin nhấn mạnh việc coi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khẳng định Nga sẵn sàng đầu tư mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực năng lượng - nhiên liệu, thăm dò - khai thác dầu khí, ngân hàng, sở hữu trí tuệ; tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; đẩy mạnh trao đổi về văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch và thể thao giữa hai nước. Phía Nga nhất trí tạo những điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam đang làm việc và học tập tại Liên bang Nga.
Với Liên minh châu Âu (EU), chuyến thăm Ủy ban châu Âu (EC), Bỉ và các tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước EU của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEM-6 tại Phần Lan đã tạo đà mới cho quan hệ của Việt Nam với khu vực. Việc EC là đối tác đầu tiên tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán đa phương về việc Việt Nam gia nhập WTO là bước hậu thuẫn quan trọng thúc đẩy những phiên đàm phán đa phương cuối cùng của ta ở Giơ-ne-vơ. Việt Nam và EC cũng đã thỏa thuận bắt đầu đàm phán về Hiệp định hợp tác mới thay thế Hiệp định hợp tác khung ký năm 1995, mở rộng hợp tác và tăng cường trao đổi về nhiều mặt. Nhiều nước EU cam kết tiếp tục duy trì và tăng viện trợ ODA cho Việt Nam. Chúng ta đã và đang tiếp tục vận động, đấu tranh với các nước EU trong việc áp thuế đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam.
Quan hệ với các nước khác ở châu Á, Đông Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh tiếp tục được mở rộng và củng cố; hợp tác phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động.
Hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực khác trong năm 2006 tiếp tục thu được những kết quả quan trọng. Đối ngoại đã tích cực góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, tham gia giải quyết những vấn đề tồn tại và mới nẩy sinh liên quan đến biên giới lãnh thổ; đấu tranh kiên quyết chống lại các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ nước ta.
Chúng ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài theo Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (ngày 26-3-2004) với nhiều biện pháp cụ thể mới, đặc biệt là thu hút trí thức và doanh nhân Việt kiều hướng về quê hương tham gia xây dựng đất nước; đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam tại nước ngoài, nổi bật là việc hồi hương an toàn công dân ta lao động ở Li-băng khi chiến sự xảy ra tại đây; đấu tranh đòi xét xử công minh vụ lưu học sinh Vũ Anh Tuấn bị sát hại ở Nga... Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại tiếp tục được đổi mới, phục vụ tốt cho tuyên truyền về thành công của Đại hội X và thắng lợi của Tuần lễ Cấp cao APEC, quảng bá văn hóa, xúc tiến thương mại, đầu tư và vận động, hỗ trợ cho công tác hội nhập.
Cùng với hoạt động đối ngoại của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội, đối ngoại an ninh - quốc phòng, các hoạt động đối ngoại của các cấp, các ngành và các địa phương, đối ngoại nhân dân tiếp tục được mở rộng, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần vào các thành tựu đối ngoại chung của đất nước.
Những thành tựu đối ngoại mà chúng ta đạt được trong năm 2006 có ý nghĩa quan trọng và sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện thắng lợi đường lối và nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội lần thứ X của Đảng, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những thắng lợi đó dựa trên thế và lực mới của đất nước đã được nâng lên sau 20 năm thực hiện thành công công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, là sự tiếp nối những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 20 năm qua của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Hoạt động đối ngoại năm qua đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động ngoại giao trong thời gian tới. Trong đó nổi lên một số bài học đáng chú ý sau: một là, trong tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng và phức tạp, việc tiếp tục đổi mới tư duy về đối ngoại luôn là một yêu cầu thường xuyên; hai là, gắn chặt chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại; ba là, kết hợp nhuần nhuyễn hoạt động ngoại giao song phương với ngoại giao đa phương; bốn là, chủ động tạo thời cơ, tận dụng thời cơ để đem lại lợi ích lớn nhất cho đất nước; và năm là, không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của cả nước trong hoạt động đối ngoại.
Trong thời gian tới, đất nước ta đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá nhanh hơn trong phát triển và gia tăng vị thế quốc tế. Sau 20 năm đổi mới, tiềm lực của Việt Nam đã gia tăng đáng kể, quan hệ quốc tế của đất nước được mở rộng hơn bao giờ hết; chúng ta đã và đang tham gia vào "sân chơi" chung toàn cầu về kinh tế - thương mại; vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, đất nước cũng đứng trước thách thức không nhỏ, nhất là khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải chú ý tới các diễn biễn bất trắc, khó lường của tình hình chính trị - an ninh trong khu vực cũng như của nền kinh tế thế giới. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại và có mặt nghiêm trọng hơn. Tuy thời cơ và thách thức đan xen, song xét tổng thể, đất nước ta đang đứng trước những thời cơ lớn, những thuận lợi rất cơ bản.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, nhiệm vụ đối ngoại trong năm 2007 sẽ tập trung vào các hướng lớn sau đây:
Một là, tiếp tục củng cố và hoàn thiện khuôn khổ quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, nhất là các nước láng giềng khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác, tạo bước chuyển biến mới trong quan hệ hợp tác theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
Hai là, công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế sẽ là một trọng tâm lớn trong năm 2007 và những năm tiếp theo nhằm góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chủ động và tích cực hội nhập sâu rộng, đầy đủ và có hiệu quả với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực.
Ba là, tăng cường hơn nữa hoạt động trên các diễn đàn đa phương ở khu vực và trên thế giới, mở rộng sự hợp tác nhiều mặt với các tổ chức khu vực và quốc tế, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhằm nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực. Trong đó, tích cực vận động và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008 - 2009; coi trọng và củng cố sự đoàn kết hợp tác trong ASEAN, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và trong quan hệ với các đối tác bên ngoài.
Bốn là, thúc đẩy công tác ngoại giao văn hóa, coi ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo vệ công dân, pháp nhân ta ở nước ngoài.
Để nắm bắt tốt thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng X, chúng ta cần "dĩ bất biến, ứng vạn biến", kết hợp tốt hơn nữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong tình hình mới, nhằm tiếp tục giữ vững và không ngừng củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện quốc tế ngày càng thuận lợi phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao hơn nữa vai trò và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
(Bài viết của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |