VIỆT NAM ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VÌ MỤC TIÊU HÒA BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN
Phạm Gia Khiêm
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Trong hơn 60 năm qua, sự ra đời và hoạt động của Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và tổ chức này đã đạt được nhiều thành tựu trên con đường thực hiện các mục tiêu đề ra. Do đó, dù đang đứng trước yêu cầu cải tổ để ứng phó tốt hơn với tình hình mới, Liên hợp quốc vẫn được các quốc gia thành viên nhìn nhận là tổ chức toàn cầu đa diện, có uy tín và quy mô rộng lớn nhất, là diễn đàn quan trọng và trung tâm điều phối hợp tác chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu mà không một quốc gia riêng rẽ nào có thể giải quyết được, như khủng bố quốc tế, giải trừ quân bị, đói nghèo, dịch bệnh, các vấn đề môi trường...
Trong hơn 3 thập kỷ là thành viên của Liên hợp quốc, mối quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc ngày càng được củng cố và phát triển. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động triển khai chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới, tham gia nhiều hoạt động tại nhiều cơ quan trực thuộc của Liên hợp quốc và trên nhiều lĩnh vực, cùng các nước hỗ trợ Liên hợp quốc hoàn thành các sứ mệnh được giao, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam ở tổ chức này.
*
* *
Với quan điểm ủng hộ tăng cường chủ nghĩa đa phương để thúc đẩy những giải pháp hiệu quả, lâu dài đối với các vấn đề chung, tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 62 (tháng 9-2007), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các thách thức của thế kỷ XXI, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam sẽ luôn là thành viên tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm trong đời sống quốc tế, xứng đáng với sự tin cậy của các nước, nhất là trên cương vị Uy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Trong một năm qua, chúng ta đã hiện thực hóa những điều đó bằng nhiều đóng góp thực chất vào các hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó nổi bật nhất là những hoạt động tại Hội đồng Bảo an, những thành tựu bước đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đóng góp vào quá trình cải tổ Liên hợp quốc qua việc triển khai mô hình "Một Liên hợp quốc tại Việt Nam".
Tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại Hội đồng Bảo an
Trong 9 tháng qua, chúng ta đã tham gia đầy đủ, chủ động, bắt nhịp nhanh với cường độ làm việc của Hội đồng Bảo an, cụ thể tham gia tích cực tại hơn 500 cuộc họp các cấp, đóng góp xây dựng gần 100 tài liệu/văn kiện của Hội đồng Bảo an.
Thứ nhất, Việt Nam ủng hộ việc thúc đẩy quan điểm coi uy tín của Hội đồng Bảo an và sự ủng hộ của các thành viên Liên hợp quốc, đặc biệt là các nước liên quan, là những yếu tố có vai trò quyết định hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an. Do đó, Việt Nam luôn nỗ lực đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng cường hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Bên cạnh đó, chúng ta cũng luôn đề cao việc Hội đồng Bảo an hành động trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc. Trên tinh thần đó, chúng ta khẳng định vấn đề Mi-an-ma và Dim-ba-bu-ê không đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều nước, đặc biệt là các nước ASEAN và các nước châu Phi.
Là đại diện của châu Á, thành viên ASEAN, Việt Nam nêu cao quan điểm giải pháp cho vấn đề Mi-an-ma phải mang tính toàn diện, chấp nhận được đối với tất cả các bên và nhân dân Mi-an-ma là người quyết định cuối cùng. Đối với vấn đề I-ran, chúng ta tôn trọng quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của các quốc gia, trong đó có I-ran, song cũng mong muốn ngăn ngừa việc phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định giải pháp cho vấn đề này cần bao gồm việc chấm dứt các chính sách thù địch chống I-ran. Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta khẳng định việc Cô-xô-vô đơn phương tuyên bố độc lập là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đề nghị các bên liên quan tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp toàn diện, hợp lý, bền vững cho các dân tộc liên quan, vì hòa bình và ổn định chung của khu vực.
Thứ hai, Việt Nam đã đóng góp tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao làm giảm căng thẳng và hỗ trợ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới.
Với thái độ tích cực, chủ động vì hòa bình, ổn định và phát triển của từng nước liên quan và của cả khu vực châu á, chúng ta đã ủng hộ việc gia hạn các phái bộ Liên hợp quốc giúp duy trì ổn định tại áp-ga-ni-xtan, Nê-pan và Đông Ti-mo; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tham khảo ý kiến nước sở tại để bảo đảm tính tự chủ của các nước này. Chúng ta cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác, đóng góp vào tiến trình hòa bình, tái thiết tại Trung Đông và áp-ga-ni-xtan, góp phần vào sự ổn định và phát triển của khu vực. Đối với châu Phi, khu vực có nhiều xung đột nhất hiện nay, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, nêu bật vai trò và mối quan hệ giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi trong việc ngăn ngừa khủng hoảng. Việt Nam cũng đã tham gia đồng thuận chung thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về tình hình các nước châu Phi, về việc gia hạn, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại khu vực này. Bên cạnh đó, chúng ta đã khuyến khích những tiến bộ trong quá trình xây dựng thể chế tại Bô-xni-a và Héc-xê-gô-vi-na, trong đàm phán giữa các cộng đồng dân cư gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tại Síp... đồng thời nhấn mạnh các bên liên quan cần duy trì đối thoại hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Đối với vấn đề Ha-i-ti - vấn đề duy nhất của khu vực châu Mỹ trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an - chúng ta hoan nghênh quá trình đối thoại giữa các phe phái chính trị tại Ha-i-ti, đề cao và ủng hộ sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức, thiết chế khu vực và quốc tế vì sự ổn định, phát triển lâu dài và bền vững của nhân dân Ha-i-ti.
Thứ ba, lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7-2008, tháng có chương trình dày đặc và nhiều nội dung phức tạp nhất từ đầu năm đến nay, nhưng Việt Nam đã hoàn thành tốt các chức năng của Chủ tịch Hội đồng Bảo an, đồng thời có nhiều đóng góp thực chất về nội dung.
Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức và chủ trì cuộc thảo luận mở về "Trẻ em và Xung đột vũ trang" tại Hội đồng Bảo an vào ngày 17-7-2008. Sáng kiến tổ chức cuộc thảo luận này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế hưởng ứng tích cực, với sự tham dự của hơn 40 nước thành viên Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Liên hợp quốc và đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ lớn. Việc Việt Nam chủ động hợp tác với các nước xây dựng nội dung Tuyên bố Chủ tịch, phát biểu với quan điểm cân bằng, toàn diện, đã thể hiện trách nhiệm và quan tâm của ta, đáp ứng sự quan tâm của các nước về vấn đề này. Bên cạnh đó, việc ta thúc đẩy tổ chức cuộc thảo luận mở về tình hình Trung Đông sau gần 1 năm gián đoạn và lần đầu tiên tổ chức cuộc họp giữa Hội đồng Bảo an với các nước thành viên Liên hợp quốc lấy ý kiến về chuẩn bị dự thảo Báo cáo Năm của Hội đồng bảo an, được các nước trong và ngoài Hội đồng Bảo an, như các nước Trung Đông, châu Phi và các khu vực khác, đánh giá cao, ghi nhận sự quan tâm của ta tới lợi ích chính đáng của các thành viên Liên hợp quốc và đóng góp vào việc cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng được xác định tại Đại hội X, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên trường quốc tế nói chung và tại diễn đàn Liên hợp quốc nói riêng, đồng thời góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các nước. Lãnh đạo các nước và Liên hợp quốc đánh giá cao vị thế mới của Việt Nam, đặc biệt là việc ta đảm nhiệm tốt vai trò là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảm ơn Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Tổng Thư ký và Liên hợp quốc trong các công việc của Hội đồng Bảo an, trong đó có việc tìm giải pháp thiết thực cho các vấn đề ở châu Á như Mi-an-ma, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên...; Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 62 đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 7-2008; các nước thành viên Hội đồng Bảo an coi trọng những đóng góp có trách nhiệm của chúng ta vào công việc của Hội đồng Bảo an và hoan nghênh vị thế ngày càng cao của Việt Nam. Dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, luôn cố gắng đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an và đề cao quan điểm rằng Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc nói chung chỉ có thể hoạt động có hiệu quả khi tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; coi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là cơ sở vững chắc để Việt Nam khẳng định vai trò tại Hội đồng Bảo an.
Những thành tựu về thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ
Phát triển kinh tế - xã hội là cơ sở quan trọng, không thể thiếu cho một thế giới hòa bình và công bằng. Do đó, củng cố cột trụ phát triển của Liên hợp quốc là điều kiện để tổ chức này có thể thực hiện các sứ mệnh cao cả được giao. Trên tinh thần đó, Tuyên bố Thiên niên kỷ năm 2000 của Liên hợp quốc và chủ trương phát triển bền vững, kết hợp hài hòa tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và gìn giữ môi trường do Liên hợp quốc đề xướng, mà trọng tâm là việc thực hiện đúng hạn 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), đã và đang được sự hưởng ứng thiết thực của tất cả các nước thành viên.
Việt Nam đã xây dựng 12 Mục tiêu Phát triển (VDGs) đến năm 2010, trong đó tập trung toàn diện vào các vấn đề xã hội và giảm nghèo, bao gồm hầu hết các nội dung được đề cập trong các MDG. Trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng tại nhiều văn bản quan trọng của Chính phủ như Chiến lược toàn diện về xóa đói, giảm nghèo và định hướng Chiến lược phát triển bền vững, tình hình thực hiện các MDG của Việt Nam bước đầu đạt nhiều kết quả đáng chú ý.
Đến nay, chúng ta đã hoàn thành trước thời hạn năm 2015 mục tiêu MDG thứ nhất về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực (theo chuẩn nghèo chung của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58,1% năm 1993 xuống 14,82% năm 2007). Việc thực hiện mục tiêu MDG thứ hai về phổ cập giáo dục tiểu học, mục tiêu MDG thứ ba về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, mục tiêu MDG thứ tư về giảm tỷ lệ tử vong trẻ em và mục tiêu MDG thứ năm về tăng cường sức khỏe bà mẹ đang được triển khai tích cực (hiện nay, gần 94% dân số trên 15 tuổi biết chữ; tỷ lệ học sinh nữ cấp tiểu học là 48,48%, cấp đại học là 54,99%; Việt Nam dẫn đầu các nước châu á về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội với số đại biểu nữ tại Quốc hội khóa XII (2007 - 2012) đạt 25,76%; cũng trong năm 2007, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống còn 16/1000). Dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu này trước hoặc đúng thời hạn cam kết.
Quá trình thực hiện mục tiêu MDG thứ sáu về phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác và mục tiêu MDG thứ bảy về bảo đảm môi trường bền vững cũng đạt nhiều tiến bộ đáng kể. Mục tiêu MDG thứ tám về thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển đã là mục tiêu nhất quán trong chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Trong những năm qua, chúng ta đã thực hiện chính sách mở cửa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Trước tình hình thực hiện các mục tiêu MDG chưa đồng đều và còn chậm ở nhiều nơi, đặc biệt là tại châu Phi, những thành công bước đầu của Việt Nam đã được các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đánh giá cao, coi Việt Nam là mô hình tốt cho các nước đang phát triển và thành công này của Việt Nam chính là những đóng góp thực chất cho các hoạt động của Liên hợp quốc vì mục tiêu phát triển. Ông G. Hen-đra (John Hendra), Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đặc biệt đánh giá cao tinh thần độc lập, tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và nhấn mạnh kinh nghiệm của Việt Nam đã cho thế giới thấy việc làm chủ chính sách phát triển của một quốc gia là nguyên tắc quan trọng đầu tiên bảo đảm thành công trong tiến trình phát triển.
Thực hiện mô hình "Một Liên hợp quốc tại Việt Nam"
Việt Nam đánh giá cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, ủng hộ việc thúc đẩy quá trình cải tổ Liên hợp quốc để tổ chức này hoạt động hiệu quả, dân chủ, minh bạch hơn và ứng phó tốt hơn trong tình hình mới. Với mong muốn đóng góp tích cực hơn vào các nỗ lực tăng cường gắn kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống Liên hợp quốc, hiện các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tích cực phối hợp với Liên hợp quốc trong việc triển khai thực hiện mô hình "Một Liên hợp quốc tại Việt Nam".
Tháng 1-2007, Tổng Thư ký Liên hợp quốc chính thức chọn Việt Nam là 1 trong 8 nước thí điểm thực hiện sáng kiến này. Phát biểu về quyết định này, Ông K. Đơ-vi-dơ (Kemal Dervis), Chủ tịch Nhóm các tổ chức Phát triển Liên hợp quốc kiêm Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã nhấn mạnh: Liên hợp quốc không chỉ cho rằng Việt Nam đã và đang đi đầu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả viện trợ và quá trình thống nhất hoạt động của hệ thống Liên hợp quốc, mà còn nhận thấy mối quan hệ lâu dài tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với tổ chức này. Nội dung chính của sáng kiến này là hợp nhất các cơ quan của tổ chức này tại mỗi quốc gia theo hướng có kế hoạch chung, ngân sách chung, lãnh đạo chung, phương thức quản lý và trụ sở chung.
"Một Liên hợp quốc tại Việt Nam" là sáng kiến phản ánh sự chủ động, làm chủ của Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng và nâng cao hiệu quả của nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đối với công cuộc phát triển đất nước, được lãnh đạo các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc đề cao và cũng phù hợp với mong muốn của nhiều nhà tài trợ song phương. Mô hình "Một Liên hợp quốc tại Việt Nam" đang được triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Liên hợp quốc, đặc biệt với bản Kế hoạch chung vừa được ký kết cuối tháng 8-2007, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nước thí điểm thực hiện sáng kiến này thành công nhất. Đặt lòng tin vào thành công của mô hình "Một Liên hợp quốc tại Việt Nam", bước đầu, trong năm 2008, nhiều nhà tài trợ đã cam kết tăng các khoản tài trợ cho việc thực hiện bản Kế hoạch chung.
*
* *
Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 63 (từ 23-9 đến 1-10-2008) diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới phức tạp. Cạnh tranh giữa các nước lớn về địa - chiến lược, địa - kinh tế gia tăng đang làm căng thẳng thêm bầu không khí quan hệ quốc tế; kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do sự sụt giảm của kinh tế Mỹ và sức ép lạm phát do giá dầu, giá lương thực tăng cao, tiến trình tự do hóa thương mại gặp khó khăn sau đổ vỡ của vòng đàm phán Đô-ha... đang đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các nước, nhất là các nước đang phát triển.
Trong thời gian khóa họp có một số cuộc gặp cấp cao, trong đó đáng chú ý có Phiên họp cấp cao kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và Cuộc họp Bộ trưởng Nhóm 77 (G77). Đồng thời, trong khóa họp này, Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận 155 đề mục được chia thành 9 lĩnh vực chính: hòa bình và an ninh quốc tế; tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; sự phát triển của châu Phi; thúc đẩy thực hiện quyền con người; cứu trợ nhân đạo; công lý và luật pháp quốc tế; giải trừ quân bị; phòng chống ma túy, tội phạm, khủng bố quốc tế; các vấn đề về tổ chức và hành chính.
Tham gia khóa họp lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đoàn Việt Nam có những phát biểu đóng góp tại Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng, Phiên họp cấp cao kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các MDG, Cuộc họp Bộ trưởng Nhóm 77 và một số diễn đàn đa phương khác, cũng như tại các hoạt động của các ủy ban thuộc Liên hợp quốc. Chúng ta nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế nói chung và tại Hội đồng Bảo an nói riêng là các quốc gia phải tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc phối hợp hành động chung, giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế - Liên hợp quốc cần phát huy vai trò trung tâm trong việc phối hợp các hành động đa phương ứng phó với các thách thức mới, trong đó cần ưu tiên quan tâm đến vấn đề phát triển và việc thực hiện đúng hạn các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Bên cạnh đó, để đảm đương được trách nhiệm mà cộng đồng quốc tế giao phó, Liên hợp quốc cần phải được cải tổ cả về nội dung, tổ chức và phương thức làm việc, trong đó Việt Nam đang có đóng góp cụ thể vào việc triển khai mô hình "Một Liên hợp quốc tại Việt Nam"./.
Back Top page Print Email |