Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Ngoại giao Việt Nam 2009: Tiếp tục chuyển mình vươn lên cùng đất nước, vững tin bước vào năm 2010

ND- Năm qua, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Ở trong nước, toàn Ðảng, toàn dân tập trung khắc phục tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu để tiếp tục phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, Ngoại giao Việt Nam đã phát huy "đà" thành công của những năm trước và có những nỗ lực lớn chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại đa dạng, linh hoạt, đồng bộ, rộng khắp với sự kết hợp chặt chẽ giữa Ngoại giao Nhà nước, Ðối ngoại Ðảng, Ðối ngoại Nhân dân, dựa trên ba trụ cột Ngoại giao Chính trị, Ngoại giao Kinh tế và Ngoại giao Văn hóa. Nền Ngoại giao toàn  diện  đó  đã góp phần  chung  taycùng  cả nước duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, tận dụng cơ hội để hóa giải thách thức, góp phần nâng cao "tầm", củng cố "thế", gia tăng "lực" cho đất nước trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. 

Nhận thức rõ cơ hội và thách thức

Từ cuối  năm 2008, đầu năm 2009, nền kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ khó khăn và suy giảm trầm trọng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ Ðại suy thoái 1929-1933. Ðến thời điểm này, nền kinh tế thế giới được đánh giá là đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi với những dấu hiệu khả quan đến từ các nền kinh tế lớn, nhất là các nền kinh tế đang nổi lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo bức tranh kinh tế thế giới năm 2010 sẽ lạc quan hơn, nhưng hậu quả sâu sắc của khủng hoảng sẽ vẫn tồn tại trong vài năm tới với sự hiện hữu của những nguy cơ gây bất ổn định vĩ mô như lạm phát, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách tăng cao, nợ công và nợ doanh nghiệp ở mức khó kiểm soát, sự biến động khó lường của giá dầu và các mặt hàng cơ bản... Ðối sách cho thời kỳ hậu khủng hoảng đang được nhiều quốc gia tích cực chuẩn bị và triển khai, đáng chú ý là một số nước đẩy mạnh các hoạt động tái cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế "xanh", sử dụng hiệu quả năng lượng, thân thiện môi trường, giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu và chú trọng hơn đến thị trường nội địa, tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế cũng đã tác động mạnh đến cục diện thế giới và quan hệ quốc tế, đặc biệt làm cho sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các quốc gia diễn ra nhanh hơn, thúc đẩy sự hình thành của những cơ chế hợp tác đa phương mới để giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề khác của đời sống quốc tế. 

Về chính trị - an ninh, thế giới và khu vực trong năm qua chứng kiến nhiều diễn biến mới, song tình hình cơ bản vẫn diễn ra đúng như Ðại hội Ðảng lần thứ X đã nhận định. Tính "đa cực", "đa trung tâm" của cục diện thế giới ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, mặc dù các mâu thuẫn và tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, tôn giáo, sắc tộc, các hoạt động khủng bố, ly khai tiếp tục tồn tại, có lúc có nơi gay gắt hơn.  Ðặc biệt, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, dịch bệnh, thiên tai... ngày càng nổi lên và thật sự trở thành những thách thức hiện hữu đối với môi trường an ninh phát triển của mỗi nước. Việc Hội nghị cấp cao LHQ về biến đổi khí hậu vừa qua tại Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch) thu hút sự tham gia của 192 đoàn đại biểu các nước lớn nhỏ, trong đó có hơn 100 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, đã cho thấy nhận thức sâu sắc của cộng đồng quốc tế về mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, cũng như sự cần thiết phải nỗ lực đồng lòng hợp tác đối phó những thách thức chung ở cấp độ toàn cầu.

Bối cảnh quốc tế nêu trên đã và đang đặt ra những cơ hội và thách thức đan xen đối với nước ta. Cơ hội lớn đáng chú ý là nước ta nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi kinh tế sớm, đang lấy lại đà phát triển năng động và là nơi tập trung những nền kinh tế lớn, những đối tác quan trọng nhất của nước ta cả về kinh tế và chính trị. Một trong những thách thức lớn nhất là nước ta phải đối mặt những vấn đề mới của quá trình phát triển như: chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giải quyết hài hòa được mối quan hệ giữa chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng với việc bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, đối phó các thách thức an ninh truyền thống liên quan bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khi Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng nước biển dâng, một hậu quả không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu thế giới.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của nền Ngoại giao toàn diện

Trong bối cảnh đó, Ðảng và Nhà nước ta đã xác định nhiệm vụ ưu tiên của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ cao nhất các nguồn lực bên ngoài góp phần sớm đưa kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, nỗ lực đảm đương các công việc quốc tế với tinh thần trách nhiệm cao để nâng cao vị thế của đất nước. Trên tinh thần đó, chúng ta đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại một cách đồng bộ và toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ và hài hòa giữa các kênh đối ngoại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương, giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Về ngoại giao chính trị, chúng ta đã đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng khác, tiếp tục đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển. Quan hệ đặc biệt với Lào và hợp tác toàn diện với Cam-pu-chia được thắt chặt trên mọi lĩnh vực hợp tác, trong đó đáng chú ý nhất là quan hệ kinh tế - chất "kết dính" quan trọng của hai mối quan hệ đặc biệt và toàn diện này - được chú trọng tăng cường. Nước ta phối hợp chặt chẽ với Lào triển khai dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới trên biên giới và đẩy nhanh công tác phân giới cắm mốc trên biên giới với Cam-pu-chia. Quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Ðông - Nam Á khác được đẩy mạnh cả về song phương lẫn đa phương trong khuôn khổ ASEAN. Các nước thành viên ASEAN tiếp tục là những đối tác kinh tế hàng đầu của nước ta, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và có hơn 1.300 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 44 tỷ USD.

Với Trung Quốc,  mối quan hệ "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" tiếp tục phát triển theo phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt với nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và "Năm hữu nghị Việt - Trung 2010". Hai bên tăng cường trao đổi đoàn ở nhiều cấp, ngành, địa phương, đặc biệt ở cấp cao; tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 25 tỷ USD vào năm 2010. Ðặc biệt, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và cơ bản hoàn tất khuôn khổ pháp lý về biên giới trên đất liền với việc ký kết các văn kiện quan trọng: Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định quy chế quản lý biên giới mới, Hiệp định về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền. Mặt khác, chúng ta cũng đã kiên trì giao thiệp với Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Ðông và các vấn đề khác nảy sinh trong quan hệ hai nước, vừa giữ vững chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì cục diện hợp tác hữu nghị với Trung Quốc.

Chúng ta đã chủ động thúc đẩy quan hệ và đã hoàn thành một bước quan trọng quá trình thiết lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện và đối tác phát triển với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển. Với Hoa Kỳ, hai bên tích cực triển khai quan hệ  "đối tác hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi". Trong năm qua, hai bên đã tổ chức trao đổi nhiều đoàn các cấp thăm làm việc, đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng lần thứ hai, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, thúc đẩy hợp tác Hoa Kỳ - các nước hạ nguồn sông Mê Công. Việt Nam chủ trương đối thoại với Hoa Kỳ về những vấn đề mà hai bên có quan điểm khác nhau về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tích cực giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những hành động vi phạm chủ quyền, làm phương hại đến an ninh của đất nước. Quan hệ "đối tác chiến lược" với Liên bang Nga tiếp tục đi vào giai đoạn "phát triển chiều sâu" với việc hai bên phối hợp chặt chẽ triển khai danh mục các vấn đề hợp tác ưu tiên, đặc biệt trên các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, viễn thông, quốc phòng, cơ sở hạ tầng... Với Nhật Bản và Hàn Quốc, nước ta đã nâng cấp quan hệ song phương lên tầm "đối tác chiến lược" với trọng tâm là hợp tác kinh tế và phát triển. Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (EPA), mở đường cho các quan hệ sâu rộng hơn về kinh tế, thương mại, đầu tư. Nhật Bản tiếp tục là nước viện trợ phát triển (ODA) song phương lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị đạt 14 tỷ USD, trong đó 1,5 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại. Hàn Quốc tiếp tục ưu tiên và tăng ODA cho Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Với Ấn Ðộ, hai nước đã tăng cường trao đổi tiếp xúc cấp cao, tiến hành đối thoại chiến lược, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ bên cạnh việc tiếp tục cố gắng thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại cho tương xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược. Với Liên hiệp châu Âu (EU), nước ta đạt một số tiến triển thực chất sau năm Vòng đàm phán Hiệp định hợp tác và đối tác (PCA), đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương riêng với từng nước thành viên, đặc biệt về kinh tế và phát triển. Nước ta đã thiết lập khuôn khổ quan hệ "đối tác vì phát triển" với Anh, Ðức và Ðan Mạch, quan hệ "đối tác chiến lược hướng tới tương lai" với Tây Ban Nha, tiếp tục hợp tác về tài chính, bảo hiểm, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác với Pháp, I-ta-li-a và một số nước Bắc Âu, Ðông Âu. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ "đối tác toàn diện" với Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân.

Trong triển khai chính sách đa đạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam tiếp tục coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống thông qua hợp tác song phương và các cơ chế đa phương. Nổi bật nhất là nước ta đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Cu-ba, qua đó củng cố sự gắn bó, đoàn kết, tin cậy của mối quan hệ truyền thống đặc biệt giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân hai nước không chỉ về tư tưởng, chính trị mà cả về hợp tác cụ thể. Nước ta tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Chi-lê - một đối tác gần gũi và quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Mỹ la-tinh, tạo điều kiện cho nước ta mở rộng quan hệ với các nước khác ở khu vực. Việt Nam cũng quan tâm thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi giàu tiềm năng, nhất là trong các lĩnh vực nước ta có thế mạnh như nông nghiệp, y tế, giáo dục, lao động - chuyên gia... Ðáng chú ý, nước ta đã tạo được bước đột phá trong quan hệ với một số đối tác quan trọng tại Trung Ðông như Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ca-ta, Cô-oét, đạt  nhiều thỏa thuận hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, đầu tư, dầu khí, nông nghiệp, lao động...

Ngoại giao đa phương năm 2009 tiếp tục góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế quốc tế của nước ta, đồng thời hỗ trợ tích cực cho ngoại giao song phương. Dấu mốc nổi bật là Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với việc xử lý khéo léo các vấn đề phức tạp, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến và nghị quyết quan trọng. Với ASEAN, nước ta có nhiều đóng góp vào quá trình thực hiện Hiến chương và xây dựng Cộng đồng ASEAN trên tinh thần tích cực, chủ động và trách nhiệm cao. Hiện nước ta đang tập trung chuẩn bị mọi mặt để hoàn thành tốt năm Chủ tịch ASEAN 2010 với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động". Chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM (FMM9); tham dự và có nhiều đóng góp quan trọng tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác (Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN 15, HNCC APEC 17, HNCC Mê Công - Nhật Bản, Hội nghị cấp cao Cô-pen-ha-ghen về biến đổi khí hậu...), được dư luận quốc tế đánh giá cao. Những hoạt động trên thể hiện rõ Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trên lĩnh vực đấu tranh về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ cập (UPR) trước Hội đồng nhân quyền LHQ, được nhiều nước đánh giá cao; chủ động đối thoại với một số nước phương Tây về vấn đề nhân quyền và xử lý tốt nhiều vấn đề phức tạp, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.

Công tác Ngoại giao kinh tế đã có nhiều đóng góp tích cực, chung tay góp sức với cả nước trong nỗ lực khắc phục tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đối với kinh tế trong nước. Nước ta đã kết hợp chặt chẽ chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, đặc biệt tăng cường nội dung kinh tế trong chương trình làm việc của lãnh đạo cấp cao với các đối tác nước ngoài; đôn đốc việc đàm phán và thực hiện các thỏa thuận về kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại nhằm duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch... không chỉ với các đối tác lớn, truyền thống mà còn mở rộng ra các đối tác tiềm năng khác. Ngành Ngoại giao đã làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình kinh tế thế giới, tranh thủ thông tin và nghiên cứu quốc tế về kinh nghiệm phục hồi và tái cấu trúc kinh tế để phục vụ công tác hoạch định chính sách và điều hành kinh tế trong nước; phối hợp xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế để bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp của nước ta, phát huy hiệu quả thế mạnh của mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

"Năm Ngoại giao văn hóa 2009" được tích cực triển khai với nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Nhận thức về Ngoại giao văn hóa với nội hàm trọng tâm là "quảng bá, xúc tác, mở đường, vận động, tiếp thu" đã được nâng cao và chuyển hóa thành những hành động và kết quả cụ thể. Nổi bật là sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... trong việc quảng bá mạnh mẽ hình ảnh và tiềm năng đất nước, góp phần tranh thủ nhiều hơn các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đã được tổ chức, triển khai như Ngày/Tuần Việt Nam ở nước ngoài, lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa trong các hoạt động chính trị và kinh tế đối ngoại... Ðặc biệt, với sự vận động tích cực của nước ta, UNESCO đã công nhận Cù Lao Chàm, mũi Cà Mau, kho mộc bản triều Nguyễn, quan họ Bắc Ninh, ca trù... là các di sản thế giới. Việc nước ta trúng cử Hội đồng chấp hành UNESCO cũng là một kết quả quan trọng của nỗ lực vận động đó. Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại được cải tiến hơn về nội dung và hình thức. Việc chúng ta chủ động thông tin tuyên truyền về tình hình Việt Nam, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đã phát huy tác dụng tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế và đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc về tình hình Việt Nam.

Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, một trong những trọng tâm công tác của Ngành Ngoại giao, có những chuyển biến mạnh mẽ với một loạt chính sách liên quan lợi ích thiết thân của kiều bào ta như vấn đề quốc tịch, miễn thị thực, cư trú, hồi hương, quyền mua và sở hữu nhà ở trong nước... được ban hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của kiều bào. Các hoạt động vận động và hỗ trợ cộng đồng được đẩy mạnh trên tinh thần "nơi nào có người Việt, nơi đó có tổ chức". Ðặc biệt, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất và Ðại hội thành lập Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã được tổ chức thành công, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong cộng đồng và tăng thêm tình cảm cũng như sự gắn bó của bà con với đất nước. Công tác bảo hộ công dân và pháp nhân của nước ta ở nước ngoài được triển khai kịp thời và hiệu quả với sự ra đời và hoạt động của Quỹ bảo hộ công dân; các cơ quan liên quan của Chính phủ đã xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan người lao động Việt Nam ở các nước, vấn đề ngư dân gặp nạn hoặc bị bắt giữ trên biển.

Cùng với Ngoại giao Nhà nước, công tác Ðối ngoại Ðảng được triển khai tích cực và hiệu quả, góp phần củng cố quan hệ đoàn kết, hợp tác, tin cậy lẫn nhau với các đảng cộng sản, đảng công nhân, cánh tả, và đảng cầm quyền, đặc biệt với các nước láng giềng. Ðối ngoại Quốc hội đã được triển khai tích cực và chủ động, góp phần củng cố và mở rộng quan hệ với Nghị viện các nước. Ngoại giao nhân dân tiếp tục được đổi mới với lực lượng tham gia ngày càng đông đảo, địa bàn hoạt động và đối tác quan hệ ngày càng mở rộng. Công tác ngoại vụ địa phương được quan tâm thúc đẩy theo hướng tăng cường sự hỗ trợ của ngành ngoại giao nhằm nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan ngoại vụ địa phương. Công tác thống nhất quản lý đối ngoại được đẩy mạnh với việc triển khai thực hiện "Luật về Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài" và việc sửa đổi và ban hành các Quy chế liên quan đến thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại.

Tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức, vững tin hoàn thành nhiệm vụ đối ngoại mà Ðảng và Nhà nước giao phó

Bước sang năm 2010, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; châu  Á - Thái Bình Dương đang trên đà phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta; các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh và biến đổi khí hậu có thể nghiêm trọng hơn; tình hình khu vực có thể có những phức tạp mới. Trong nước, chúng ta quyết tâm phấn đấu duy trì tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách và giữ vững ổn định chính trị, hoàn thành tốt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mười năm 2001 - 2010. Năm 2010 sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng với việc toàn Ðảng, toàn dân tích cực chuẩn bị cho Ðại hội XI của Ðảng, tổ chức nhiều ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Về đối ngoại, chúng ta sẽ gánh vác vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Ðại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA) và đăng cai Diễn đàn kinh tế Ðông Á. Tổ chức và đảm đương thành công những sự kiện và vai trò trên chắc chắn sẽ góp phần nâng cao vị thế của đất nước, tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại độc lập, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa. 

Ðể tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua thách thức, vững bước vào năm 2010, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ những thành tựu đạt được, khắc phục những mặt tồn tại, triển khai các hoạt động đối ngoại chủ động, mạnh mẽ và toàn diện theo những hướng lớn sau:

Thứ nhất, trên cơ sở các khuôn khổ quan hệ đã xây dựng với các nước đối tác, cần tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các biện pháp cụ thể làm sâu sắc các khuôn khổ quan hệ đó, đặc biệt với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác.

Thứ hai, tập trung cao độ cho việc hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, tiếp tục chủ động triển khai mạnh mẽ các hoạt động hội nhập quốc tế, phát huy tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế và khu vực nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam.

Thứ ba, tiếp tục ưu tiên tìm giải pháp thúc đẩy giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ với các nước trên tinh thần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì cục diện quan hệ ổn định với các nước liên quan, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thứ tư, công tác Ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tăng cường khuôn khổ và nội hàm quan hệ hợp tác, tích cực và chủ động hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại với các đối tác lớn, khai phá các thị trường tiềm năng, các thị trường và lĩnh vực còn bỏ ngỏ. Cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, dự báo phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế.

Thứ năm, tiếp tục phát huy những thành tựu quan trọng của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, hoàn thiện và triển khai tốt các chính sách đối với kiều bào, hỗ trợ kiều bào hội nhập sở tại, giữ gìn bản sắc dân tộc, mở rộng các hoạt động tập hợp, vận động kiều bào hướng về đất nước.

Thứ sáu, tiếp tục gắn chặt Ngoại giao văn hóa với Ngoại giao chính trị và Ngoại giao kinh tế, xây dựng chiến lược Ngoại giao văn hóa cho mười năm tới, xây dựng và triển khai Ðề án "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, ở nước ngoài", tổ chức thành công các sự kiện văn hóa quan trọng như Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tiếp tục vận động UNESCO công nhận mới các di tích, danh thắng của Việt Nam. Ðẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tăng cường tuyên truyền về tình hình Việt Nam và các sự kiện lớn trong năm 2010, chủ động và kịp thời đấu tranh với những tuyên truyền sai lệch về Việt Nam.

Thứ bảy, công tác thống nhất quản lý đối ngoại sẽ tiếp tục được tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các kênh đối ngoại Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, địa phương và hoạt động đối ngoại nhân dân.

Những thành công rất có ý nghĩa và đáng tự hào trong năm 2009 đánh dấu một bước trưởng thành mới của Ngoại giao Việt Nam trên con đường phát triển, hội nhập, chuyển mình vươn lên của đất nước và dân tộc. Những thành công quan trọng đó sẽ tạo đà cho Ngoại giao Việt Nam vững tin, khí thế bước vào năm 2010. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Nhà nước, nền Ngoại giao toàn diện của chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của năm 2010, lập thành tích chào mừng Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, vì mục tiêu phát triển, bảo vệ Tổ quốc XHCN, nâng cao vị thế đất nước, đưa dân tộc Việt Nam "sánh vai các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn dặn.

PHẠM GIA KHIÊM
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Bộ trưởng Ngoại giao

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer