Phát biểu của Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hội đồng Đối ngoại của Hoa Kỳ

(New York, 27/9/2011)

Tôi xin cảm ơn Hội đồng Đối ngoại (CFR) đã tổ chức cuộc trao đổi thú vị ngày hôm nay và cảm ơn tất cả quý vị đã đến dự.

Chúng tôi coi CFR là một trong những đối tác quan trọng và đánh giá cao sự quan tâm của CFR đối với sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ. Chúng tôi nhớ lại chuyến thăm Việt Nam của CFR năm 1993 khi hai nước còn đang trong tiến trình chuẩn bị bình thường hóa quan hệ. Năm ngoái chúng tôi lại vui mừng được tiếp đón ông Richard Haass và đoàn CFR thăm Việt Nam. Tôi tin rằng chuyến đi đó đã giúp thành viên của Đoàn hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, hòa bình, phát triển và hội nhập quốc tế.

Hôm nay, tôi rất vinh dự khi có cơ hội chia sẻ với quý vị một số suy nghĩ của chúng tôi về chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Định hướng “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” của Đại hội Đảng XI đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, bởi vì đó không chỉ là hội nhập kinh tế mà mở rộng một cách toàn diện ra tất cả các lĩnh vực kinh tế-thương mại, chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, văn hóa-xã hội… Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ thành viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, đảm đương tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, hợp tác tốt với các nước và với LHQ trong nhiều lĩnh vực (an toàn và an ninh hạt nhân, biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu MDGs…), tích cực chuẩn bị các bước để tiến tới tham gia Lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc (PKO), và đang tham gia tích cực vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… cho thấy chúng tôi đã và đang triển khai rất hiệu quả đường lối đối ngoại nói trên.

Chúng tôi chủ trương tiếp tục làm sâu sắc thêm các quan hệ quốc tế của mình, nâng cấp khuôn khổ quan hệ với các đối tác hàng đầu của Việt Nam, trong đó ưu tiên việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn và các trung tâm kinh tế quan trọng trên thế giới. Hiện chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Tây Ban Nha. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn khác, bao gồm Mỹ. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm việc để tăng cường quan hệ với bạn bè và các đối tác truyền thống, cũng như tăng cường sự tham gia của chúng tôi vào các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc.

Về kinh tế, hiện tại, Chính phủ Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Cùng với nhiều nỗ lực đồng bộ khác, việc thực hiện cắt giảm chi tiêu công đã và sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục được những khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, và tạo nền tảng cần thiết cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của chúng tôi. Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu đó, Chính phủ trong nhiệm kỳ này ưu tiên 3 nhiệm vụ: (i) hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, chúng tôi coi hợp tác kinh tế quốc tế là thành tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, là nhiệm vụ ưu tiên của ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới.

Chúng tôi đang cùng các nước ASEAN bước vào thời kỳ hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN, nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang hình thành. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác giữa ASEAN và các nước lớn thông qua việc tăng cường đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa… tiến tới xây dựng các chuẩn mực ứng xử nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh chính sách tăng cường quan hệ với các nước Châu Á của tất cả các nước, bao gồm Mỹ.

Vì an ninh và hòa bình thế giới luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, chúng tôi trông đợi Liên Hợp Quốc tiếp tục những nỗ lực nhất quán và tổng thể để thúc đẩy giải pháp hòa bình đối với các cuộc nội chiến và xung đột cục bộ ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt ở Bắc Phi và Trung Đông, đồng thời phòng ngừa xung đột bùng phát ở những nơi khác. Về lâu dài, chúng ta cần gây dựng nền văn hóa hòa bình và đối thoại, thúc đẩy giải quyết hòa bình các xung đột. Theo đó, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực để chấm dứt bạo lực và tăng cường hòa giải và tái thiết ở Áp-ga-nix-tan và I-rắc. Về việc Palestine nộp đơn trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc, Việt Nam muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi công nhận việc Nhà nước Palestine được thành lập năm 1988 và luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người dân Palestine vì những quyền không thể bị từ chối, bao gồm quyền thành lập một quốc gia độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cùng tồn tại hòa bình với Israel với đường biên giới được xác định trước tháng 6 năm 1967. Trên tinh thần đó, chúng tôi khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực của Palestine để sớm trở thành thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ và thúc đẩy giải trừ quân bị toàn diện và triệt để với trọng tâm là 3 trụ cột của vấn đề hạt nhân là giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng hoà bình năng lượng và công nghệ hạt nhân. Chúng tôi đã tham gia tất cả các điều ước quốc tế chủ chốt liên quan đến việc giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, bao gồm Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Công ước cấm vũ khí sinh học (BWC) và Công ước cấm vũ khí hoá học (CWC). Chúng tôi cũng đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bắt buộc chiểu theo các cơ chế tương thích của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là những cơ chế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ Liên Hợp Quốc trong việc triển khai cụ thể những kết quả đạt được của Hội thảo Rà soát Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân 2010 và Hội nghị cấp cao vừa bế mạc về an toàn và an ninh hạt nhân, tiếp tục phát huy kết quả của Hội thảo Giải trừ quân bị và tiến tới đàm phán đa phương về giải trừ quân bị. Cùng các nước bạn bè ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, ký kết và phê chuẩn Nghị định thư của Hiệp ước.

Trong triển khai chính sách đối ngoại, chúng tôi coi Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược. Khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt cùng đưa ra quyết định bình thường hóa cách đây 16 năm, khó có thể hình dung quan hệ phát triển như hiện nay. Các cơ chế đối thoại và tham vấn đã và đang được thiết lập và đẩy mạnh, qua đó tạo nên những bước tiến tích cực trong quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, đến an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, nhân đạo… Kinh tế hiện đang được xem là điểm sáng trong quan hệ song phương với 18 tỷ USD thương mại hai chiều, và ngày càng có nhiều công ty Mỹ, trong đó có các tập đoàn hàng đầu tới đầu tư, mở rộng thị trường ở Việt Nam. Lĩnh vực này sẽ còn có khả năng phát triển hơn nữa vì hiện nay hai bên đang cùng các đối tác khác đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – một trong những hiệp định tự do kinh tế có tầm vóc lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các lĩnh vực hợp tác khác cũng đạt được những bước tiến rất ấn tượng, đặc biệt là sự giao lưu giữa nhân dân hai nước. Mỹ đang là sự lựa chọn hàng đầu của sinh viên Việt Nam (với hơn 13000 sinh viên), trong khi Việt Nam cũng dần trở thành một điểm đến ưa thích của khách du lịch Mỹ. Hai bên tiếp tục hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh và các lĩnh vực nhân đạo như HIV/AIDS, rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, lĩnh vực an ninh quốc phòng cũng đạt nhiều bước tiến tích cực. Hai nước vừa tiến hành Đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 2 tại Washington D.C. với việc lần đầu tiên ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác quốc phòng.

Trên cơ sở đà phát triển tích cực của quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã quyết định tiến hành trao đổi về việc nâng tầm quan hệ lên mức cao hơn hướng tới xây dựng đối tác chiến lược. Tháng 7/2010 khi thăm Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã mang thông điệp của Tổng thống Barack Obama mong muốn nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược.

Tôi tin rằng hiện nay, hơn bất cứ lúc nào, là thời điểm chín muồi để chúng ta đưa quan hệ hai nước bước vào giai đoạn hợp tác mới. Hôm qua, tôi đã có cuộc gặp hữu ích với Ngoại trưởng Clinton về vấn đề này. Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng việc nâng cấp hơn nữa quan hệ giữa hai nước sẽ giúp chúng ta thực hiện được mối quan hệ “tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định và phát triển" như đã khẳng định trong Tuyên bố chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Chúng tôi cũng tin rằng quan hệ đối tác Việt – Mỹ tốt hơn không chỉ là phát huy những điểm đồng về lợi ích, mà đồng thời còn phải tính đến lợi ích của mỗi bên, trên tinh thần thông hiểu và tôn trọng độc lập và chủ quyền. Nhìn rộng hơn, tôi tin rằng quan hệ đối tác Việt – Mỹ sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chung thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Hai nước chúng ta đang đứng trước những cơ hội lớn lao để đưa quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Tôi mong rằng CFR và những người ủng hộ quan hệ Việt - Mỹ, sẽ tích cực tham gia vào tiến trình này, vì lợi ích lâu dài của hai nước, hai dân tộc chúng ta.

Tôi xin dừng bài phát biểu của mình ở đây và xin sẵn sàng lắng nghe ý kiến của quý vị. Xin cảm ơn.

 

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn