Khai mạc Khóa họp 29 Hội đồng Nhân quyền LHQ
Khóa họp thường kỳ thứ 29 Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khai mạc ngày 15/6/2015, tại Geneva (Thuỵ Sĩ), với sự tham dự của Cao ủy Nhân quyền LHQ, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền, cùng đại diện 47 thành viên, hơn 100 quan sát viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ và Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) làm Trưởng đoàn tham gia Khóa họp với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và đồng điều phối viên ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền năm 2015.
Khóa họp thứ 29 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 15/6 đến ngày 3/7 tại Geneva nhằm tạo cơ hội để giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất trên toàn thế giới liên quan đến quyền con người. Một số chương trình nghị sự của khóa họp này cho phép thảo luận những chủ đề từng là trung tâm sự chú ý của công luận, chẳng hạn như vấn đề di cư, tình hình Ukraine, Nam Sudan và Syria.
Khóa họp thảo luận hàng chục báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ và các chủ đề liên quan quyền của phụ nữ, quyền giáo dục cho trẻ em gái, chủ nghĩa khủng bố và quyền con người; tổ chức các phiên đối thoại tương tác với các cơ chế nhân quyền của LHQ; và thông qua báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR của 14 nước.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Cao ủy LHQ về Nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein đã điểm lại những thành tựu của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người sau 70 năm thành lập. Ông nhấn mạnh: "Mặc dù đã đạt được thành tựu như vậy, nhưng chúng ta vẫn đang sống trong một thời đại của những mâu thuẫn, nhiều người vẫn phải sống trong các cuộc xung đột bạo lực, bị từ chối các quyền về kinh tế và xã hội”.
Theo ông Al Hussein, bất ổn chính trị, đàn áp, bạo lực và chiến tranh đã trở nên quá phổ biến, buộc hàng triệu người trên thế giới phải mạo hiểm cuộc sống của mình để tìm kiếm một nơi tương đối an toàn. Di cư là một triệu chứng mà nguyên nhân xuất phát từ sự tuyệt vọng. Người đứng đầu cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền hy vọng khóa họp Hội đồng Nhân quyền lần này sẽ giải quyết các quyền của người di cư trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng liên quan đến những người di cư đang trên đường tới châu Âu, Đông Nam Á và Australia.
Sau ba tuần thương lượng, 19 dự thảo nghị quyết đã được các nước thành viên HĐNQ thông qua bằng đồng thuận liên quan đến nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm cao và có tác động trực tiếp, nhiều chiều đến việc thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người như khủng bố, biến đổi khí hậu; tham nhũng; tính độc lập của công tố, thẩm phán và luật sư, đoàn kết quốc tế; các quyền và biện pháp bảo vệ quyền của những nhóm người dễ bị tổn thương như chống phân biệt đối xử với phụ nữ, chống bạo hành đối với phụ nữ, tăng cường ngăn chặn và xóa bỏ nạn cưỡng hôn, tảo hôn ở trẻ em, trẻ em di cư, quyền của những người đang trên đường di cư, chống phân biệt đối xử với người bị bệnh phong…
Tại khóa họp 29 lần này chỉ có 7 nghị quyết phải thông qua bằng bỏ phiếu với 15 lần bỏ phiếu. Các nghị quyết phải bỏ phiếu chủ yếu là về tình hình nhân quyền tại một nước cụ thể (Myanmar, Belarus, Ukraine) hoặc những vấn đề còn tranh cãi (các hình thái gia đình hiện đại, bạo hành gia đình, tác động của những quy định cho phép dân thường sở hữu và sử dụng vũ khí với quyền con người, tình hình vi phạm nhân quyền tại lành thổ Palestine bị chiếm đóng…). Bên cạnh đó, Hội đồng cũng nhất trí thông qua Tuyên bố chủ tịch, trong đó đề ra một số biện pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của HĐNQ trong thời than tới.
Trên cơ sở quan tâm và cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, tiếp tục phát huy kết quả đạt được qua hơn một năm làm thành viên hội đồng, đoàn Việt Nam đã tích cực đóng góp vào các thảo luận thường niên, thảo luận chuyên đề và đối thoại với các cơ chế, thủ tục đặc biệt của HĐNQ, đồng thời chủ động tham gia vào các vòng thương lượng các dự thảo nghị quyết, tuyên bố Chủ tịch của Khóa 29 trên tinh thần thúc đẩy việc bảo vệ và mở rộng thụ hưởng các quyền của người dân, tôn trọng Hiến chương LHQ, đề cao luật pháp, công lý quốc tế cũng như các đặc thù về kinh tế, truyền thống văn hóa và phát triển của từng quốc gia, khu vực. Đại sứ Nguyễn Trung Thành và thành viên đoàn Việt Nam cũng đã có nhiều phát biểu tại các phiên chính thức về các vấn đề khác nhau, thể hiện quan điểm quốc gia, hoặc thay mặt ASEAN với tư cách đồng điều phối viên ASEAN năm 2015. Trong các phát biểu của mình, đoàn Việt Nam luôn nhấn mạnh HĐNQ cần nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác xây dựng, kiên trì tìm các giải pháp cân bằng và thỏa đáng đối với những bất đồng, tránh để HĐNQ bị chính trị hóa làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội đồng.
Khóa họp này, Việt Nam đã đồng bảo trợ 8 nghị quyết về biến đổi khí hậu, tính độc lập của thẩm phán, công tố và luật sư, quyền giáo dục, chống cưỡng hôn, tảo hôn ở trẻ em, chống phân biệt đối xử với người bệnh phong, diễn đàn xã hội, chống phân biệt đối xử với phụ nữ, chống bạo lực với phụ nữ.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |