PV: Hội nghị cấp cao ASEAN-16 sẽ diễn ra ở Việt Nam từ 8-9/4/2010. Vừa qua đoàn tiền trạm các nước ASEAN đã đến Việt Nam để "Thực mục sở thị" công tác chuẩn bị của ta. Xin kính đề nghị Phó Thủ tướng, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 đánh giá về công tác chuẩn bị của ta đến nay như thế nào?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Chỉ còn 3 tuần nữa, Hội Nghị cấp cao ASEAN-16, Cấp cao đầu tiên của năm ASEAN 2010 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, chúng ta đã bắt tay vào công tác chuẩn bị từ rất sớm. Với nỗ lực cao của các Tiểu ban trong Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2010 cùng các Bộ/ngành và thành phố Hà Nội, tới nay mọi mặt công việc bao gồm nội dung, tổ chức, lễ tân, hậu cần, báo chí, an ninh và y tế phục vụ Hội nghị đã cơ bản hoàn tất. Chương trình Hội nghị được bố trí gọn trong vòng 2 ngày với đầy đủ các hoạt động theo thông lệ của ASEAN gồm Lễ khai mạc, Phiên họp toàn thể, Ăn tối làm việc và Phiên họp hẹp của các Lãnh đạo. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì Lễ khai mạc, các phiên Thảo luận và Họp báo kết thúc Hội nghị. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tiếp và chiêu đãi Lãnh đạo các nước ASEAN.
Để đảm bảo việc tổ chức thành công hoạt động quan trọng của ASEAN tại Việt Nam trong năm 2010, công tác hậu cần cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Tiểu ban Vật chất-Hậu cần đã vận động được nguồn tài trợ quan trọng từ 4 nhà tài trợ chính là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty viễn thông quân đội, Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam và Tổng công ty xăng dầu, góp phần giảm bớt kinh phí từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các Kế hoạch lễ tân - tổ chức như đón-tiễn các Đoàn, thu xếp nơi ăn-nghỉ, phương tiện đi lại, địa điểm họp… cũng được bố trí đầy đủ, chu đáo, thể hiện tinh thần trọng thị của nước Chủ nhà cũng như theo đúng thông lệ ASEAN. An ninh được đảm bảo ở mức cao nhất.
Trong hai ngày 10-12/3/2010, đoàn tiền trạm của 9 nước ASEAN đã có mặt tại Hà Nội để cùng nước Chủ nhà rà soát lần cuối các công việc chuẩn bị. Đại diện các nước đều đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, trọng thị của chúng ta. Với kinh nghiệm tổ chức nhiều Hội nghị quốc tế lớn trước đây như Hội nghị cấp cao ASEAN-6 (1998), HNCC ASEM-5 (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC-14 (2006), tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tổ chức thành công HNCC ASEAN-16 cũng như các Hội nghị khác trong năm làm Chủ tịch ASEAN 2010.
PV: Phó Thủ tướng có thể cho biết HNCC ASEAN-16 sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chủ chốt nào? Các văn kiện gì dự kiến sẽ được thông qua?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: Tại HNCC ASEAN-16, Lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận các nội dung chính như: Thúc đẩy triển khai Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; Vai trò của ASEAN trong các cấu trúc khu vực; Phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; Ứng phó với các thách thức toàn cầu trong đó có Biến đổi Khí hậu; đồng thời, theo thông lệ, các vị Lãnh đạo cũng sẽ dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Cũng tại Hội nghị lần này, theo đề xuất của Việt Nam, dự kiến Cấp cao ASEAN-16 sẽ xem xét thông qua một số văn kiện quan trọng nhằm hướng tới Phục hồi và Phát triển Bền vững của ASEAN cũng như tăng cường các nỗ lực khu vực ứng phó với Biến đổi khí hậu. Ở cấp Bộ trưởng, dự kiến các Bộ trưởng phụ trách 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN sẽ ký hoặc thông qua nhiều văn kiện hợp tác khác.
PV: Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang và sẽ làm gì để phát huy tốt vai trò của mình trong việc từng bước cụ thể hóa các mục tiêu của ASEAN?
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm: ASEAN đang chuyển sang giai đoạn hợp tác mới, hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Trên tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang tích cực cùng các nước thành viên trong Hiệp hội đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, đảm bảo mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Với Chủ đề xuyên suốt cho hợp tác ASEAN trong năm 2010 là: "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động", Việt Nam sẽ cùng ASEAN tập trung đẩy mạnh hành động theo các trọng tâm như:
1) Thúc đẩy triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch trong Lộ trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống.
2) Mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên Đối tác; đồng thời củng cố và giữ vững vai trò quan trọng của ASEAN như động lực chính cho các khuôn khổ và tiến trình hợp tác khu vực.
3) Tăng cường hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu như khủng hoảng kinh tế-tài chính, an ninh năng lượng và lương thực, môi trường và biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phòng chống dịch bệnh…
Theo hướng đó, Việt Nam đang thúc đẩy các bước triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN với những mục tiêu ưu tiên cho từng năm, tập trung vào khía cạnh huy động nguồn lực cũng như đảm bảo hiệu quả thực thi các chương trình/thỏa thuận hợp tác. Trong triển khai Hiến chương, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn tất các văn kiện nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho Cộng đồng ASEAN song song với hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức mới của ASEAN, nhất là Hội đồng điều phối và các Hội đồng Cộng đồng cấp Bộ trưởng và Ủy ban các Đại diện Thường trực về ASEAN (CPR).
Trong Cộng đồng Chính trị-An ninh, Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác ASEAN trên 14 lĩnh vực ưu tiên đã xác định trong Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC); nâng cao hiệu quả của các công cụ và cơ chế đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực của ASEAN như Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác nhằm đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… Về Cộng đồng Kinh tế, bên cạnh việc thúc đẩy triển khai đúng lộ trình các thỏa thuận và kế hoạch hợp tác và liên kết kinh tế cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển; với vai trò Chủ tịch Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN, chúng ta sẽ đẩy mạnh việc xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN để hoàn tất và trình Hội nghị Cấp cao ASEAN-17 xem xét, thông qua; tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực phục hồi kinh tế hướng tới phát triển bền vững ở khu vực. Về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác bên ngoài nhằm nâng cao năng lực của khu vực ứng phó với các vấn đề toàn cầu mà ASEAN đang phải đối mặt như thiên tai, dịch bệnh, môi trường, biến đổi khí hậu…
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN rộng mở với bên ngoài, Việt Nam cũng sẽ cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các đối tác theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, trên cơ sở các khuôn khổ hợp tác và đối tác toàn diện đã xác lập. Hiện chúng ta đang tích cực trao đổi với các Đối tác về tổ chức các Hội nghị Cấp cao lần 2 ASEAN-Nga, Cấp cao lần 3 ASEAN-Liên Hợp Quốc bên cạnh các Cấp cao thường kỳ ASEAN+1 với 4 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ), cũng như Cấp cao lần 2 ASEAN-Mỹ trong năm 2010.
Xin cám ơn Phó Thủ tướng!