Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9/2018. (Nguồn: VGP)
Ngay sau khi đảm nhiệm thành công vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam chính thức ứng cử làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Đầu tháng 6/2019, Đại hội đồng LHQ sẽ tiến hành bầu 5 nước ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021, trong đó có 1 thành viên thuộc nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Vai trò của HĐBA
HĐBA gồm 15 ủy viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, gọi tắt là P5) với quyền phủ quyết (veto) và 10 nước ủy viên không thường trực (gọi tắt là E10) được bầu với nhiệm kỳ 2 năm.
10 ghế không thường trực được phân bổ theo 5 khu vực địa lý: 5 cho nhóm châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương, 2 cho nhóm Mỹ Latin và Caribbean, 2 cho nhóm Tây Âu, 1 cho nhóm Đông Âu.
Hội đồng Bảo an LHQ - Cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của LHQ, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Những nghị quyết của HĐBA được thông qua mà phù hợp với Hiến chương LHQ thì bắt buộc các nước hội viên của LHQ phải thi hành. HĐBA an không phục tùng Đại Hội đồng LHQ.
Sự ra đời của HĐBA phản ánh so sánh lực lượng mới sau Chiến tranh thế giới thứ II, đồng thời phù hợp với nguyện vọng của các dân tộc là xây dựng một hệ thống an ninh quốc tế tập thể, ngăn ngừa chiến tranh.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từ đầu những năm 1950, hoạt động của HĐBA rất hạn chế, gần như tê liệt do hệ quả của đối đầu Liên Xô - Mỹ. Với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, khả năng đạt đồng thuận và đưa ra quyết định của HĐBA đã tăng lên đáng kể. Tổng số nghị quyết HĐBA thông qua trong các giai đoạn: 1945 - 1990 (646 nghị quyết); 1991-2018 (1805 nghị quyết).
Tại HĐBA, các nước P5 vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo nhờ đặc quyền phủ quyết do Hiến chương Liên hợp quốc quy định. Các nước ủy viên không thường trực ở mức độ nhất định đã tìm được điểm đồng trong việc cùng nhau thúc đẩy xu thế dân chủ hóa HĐBA nâng cao sự tham gia đóng góp mang tính xây dựng và trách nhiệm đối với công việc của HĐBA.
Theo Hiến chương LHQ, bên cạnh việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, HĐBA còn có ảnh hưởng và tác động ngày càng lớn và sâu rộng đối với nhiều lĩnh vực an ninh phi truyền thống khác của đời sống quốc tế như biến đổi khí hậu, nước, nhân đạo, nhân quyền…
Đặc biệt, HĐBA là cơ quan duy nhất của LHQ có thể đưa ra các quyết định có tính ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên LHQ.
Vị thế của Việt Nam
Trở thành ủy viên không thường trực của HĐBA là mục tiêu và cơ hội đặc biệt được đại đa số các nước thành viên LHQ hết sức coi trọng, nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia; nâng cao vai trò, vị thế quốc tế; tạo điều kiện để tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn, thông qua việc tham gia thảo luận, đóng góp, quyết định các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và an ninh khu vực, thế giới.
Rất nhiều nước (132/193) đã từng làm ủy viên không thường trực HĐBA, trong đó có nhiều nước đã tham gia nhiều lần và tính đến nay, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đăng ký ứng cử cho đến nhiệm kỳ 2046 - 2047.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, các nước Nhóm châu Á - Thái Bình Dương tại LHQ đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng viên duy nhất vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA dành cho Nhóm nhiệm kỳ 2020-2021.
“Việc Nhóm châu Á - Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên LHQ ở các khu vực khác trong thời gian tới”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong một cuộc họp báo.
Đồng thời với việc đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 - năm đầu tiên của Thập kỷ thứ 2 trong thế kỷ 21 cùng với việc Việt Nam được tín nhiệm giới thiệu làm ứng viên duy nhất của nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào ủy viên không thường trực HĐBA LHQ phản ánh vị thế mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới toàn diện, thể hiện sự tín nhiệm cao, chủ động và tích cực đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Điều này cũng thể hiện kết quả của nỗ lực vận động tích cực, mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện, dưới nhiều hình thức, ở nhiều cấp khác nhau, đặc biệt là cấp lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Qua 30 năm Đổi mới, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; quan hệ đối ngoại phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác Chiến lược với 15 nước, Đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước P5 và hầu hết các nước chủ chốt trong khu vực và trên thế giới.
Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vừa là cơ sở để Việt Nam có thể chủ động tích cực tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, trong đó có HĐBA kết hợp với việc đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Việc chủ động ứng cử, tham gia vào các cơ chế đa phương quan trọng của Khu vực và Thế giới đồng thời khẳng định chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng lần thứ 12 đề ra, nhất là về Chủ trương " Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ". Đồng thời, tạo cơ sở góp phần tiếp tục đề cao vai trò và nâng tầm hoạt động đối ngoại đa phương theo tinh thần của Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 cũng như trong bối cảnh đang chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII.