Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết một số văn kiện quan trọng


Viên Chăn (TTXVN) - Ngày 29/11, phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 10 (ASEAN-10) tại thủ đô Viên Chăn, Thủ tướng Lào Bounhang Vorachith nêu rõ, kể từ Hội nghị cấp cao ASEAN-9 ở Bali (Inđônêxia) đến nay, Cộng đồng ASEAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, an ninh và hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.

Việc hoàn thành Kế hoạch hành động Cộng đồng an ninh ASEAN và Kế hoạch hành động Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN mà dự kiến sẽ được ký kết tại hội nghị lần này, là một thành tựu quan trọng.

Thủ tướng Bounhang Vorachith tin tưởng rằng với các mục tiêu đề ra trong "Tầm nhìn 2020" và Hiệp ước hòa hợp Bali 2, cùng với những phương hướng chỉ đạo được đề ra trong Chương trình hành động Viên Chăn, sự kế tục Kế hoạch hành động Hà Nội, ASEAN sẽ tiến tới một cộng đồng phát triển năng động, lành mạnh và đa dạng về văn hóa xã hội.

Trưa 29/11, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Chương trình hành động Viên Chăn (VAP) và Hiệp định khung về hội nhập các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua Kế hoạch hành động Cộng đồng an ninh ASEAN và Kế hoạch hành động Cộng đồng văn hóa-xã hội nhằm thực hiện Tuyên bố hòa hợp ASEAN 2, tiến tới thành lập một Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột là: Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng văn hóa -xã hội ASEAN (ASCC).

Để tăng cường và đẩy mạnh sự hợp tác trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về chống buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Hội nghị ra thông cáo báo chí cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí với bản báo cáo đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội (HPA) và cho rằng việc thực hiện thành công HPA đã đóng góp to lớn cho việc thực hiện mục tiêu cuối cùng đề ra trong kế hoạch Tầm nhìn ASEAN 2020 và Tuyên bố ASEAN hòa hợp 2. Thông cáo nêu rõ, VAP là sự kế tiếp của HPA với các trọng tâm là đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đặc biệt là với số ít các nước đã phát triển. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thành lập Quĩ phát triển ASEAN để hỗ trợ thực thi VAP và các chương trình hành động trong tương lai, đồng thời kêu gọi các bên đối tác, các nước, các tổ chức quốc tế trong và ngoài khu vực hỗ trợ ASEAN thực hiện VAP.

Nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Hiệp định khung về hội nhập các khu vực ưu tiên và giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng phụ trách về hội nhập kinh tế của ASEAN tiếp tục phối hợp, hợp tác theo dõi việc thực hiện tất cả các biện pháp đã nêu trong bản Lộ trình để đảm bảo hội nhập thành công các khu vực kinh tế ưu tiên đúng thời hạn.

Vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển được các nhà lãnh đạo ASEAN coi là "cực kỳ quan trọng" trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và là một phần thiết yếu trong những nỗ lực xây dựng niềm tin để giúp các nước ASEAN đối phó với những thử thách. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) và Lộ trình hội nhập ASEAN (RIA), đồng thời hoan nghênh sự đóng góp thiết thực của Xinhgapo với số tiền là 28,9 triệu đô la Xinhgapo (tương đương 17,6 triệu USD) cho việc thực hiện IAI.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ quan tâm kết quả của Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam (CLMV) và ủng hộ Tuyên bố Viên Chăn về hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV.

Sau khi thảo luận các vấn đề liên quan tới sự hợp tác chính trị và an ninh trong ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) ở khu vực Đông Nam Á, coi đó là nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. ASEAN hoan nghênh Hàn Quốc và Nga tham gia TAC và khuyến khích các nước ngoài khu vực Đông Nam Á tham gia hiệp ước này.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ và hợp tác với các khu vực khác như Mỹ Latinh, châu Âu và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến của Inđônêxia về việc xây dựng một cầu hợp tác giữa châu Á và châu Phi thông qua việc tổ chức Hội nghị cấp cao Á - Phi trong hai ngày 21 và 22/4/2005 tại Giacácta và tổ chức kỷ niệm 50 năm Hội nghị Á - Phi vào ngày 23/4/2005 tại Băngđung (Inđônêxia).

Các nước ASEAN cực lực lên án các vụ tấn công khủng bố gần đây, khẳng định quyết tâm cùng nhau nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của các cuộc tấn công này đối với các nước ASEAN và kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực đó.

Các nước ASEAN tái khẳng định cam kết ủng hộ một giải pháp hòa bình và toàn diện cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và bày tỏ mong muốn Vòng đàm phán 6 bên được nối lại để sớm đem lại mục tiêu chung về một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

Các nhà lãnh đạo ASEAN ghi nhận rằng tình hình hiện nay ở Irắc và Trung Đông vẫn gây ra mối lo ngại lớn và khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong công cuộc tái thiết ở Irắc.

Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quyết tâm cùng nhau giảm thiểu tác động của dịch cúm gia cầm và tình trạng giá dầu tăng cao đối với nền kinh tế.

Về việc tăng cường hợp tác với các bên đối thoại, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ hài lòng với về những tiến bộ đạt được trong hợp tác ASEAN+3, đồng thời tái khẳng định quyết tâm tiếp tục thúc đẩy hợp tác ASEAN+3.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đồng ý chuyển Hội nghị cấp cao ASEAN+3 thành Hội nghị cấp cao Đông Á và nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ nhất tại Malaixia vào năm 2005. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng Ngoại giao và các quan chức cao cấp bàn chi tiết về nội dung của Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ nhất này.

Các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN bày tỏ hài lòng về việc tăng cường hợp tác ASEAN-Ấn Độ, quan hệ ASEAN - LB Nga và mong muốn tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN+Nga tại Malaixia vào năm 2005.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định cam kết với LHQ: tăng cường vai trò của ASEAN trong hệ thống LHQ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách LHQ. ASEAN đã nhất trí đề cử Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surakiat Sathianthai làm ứng cử viên chức Tổng Thư ký LHQ và ghi nhận tầm quan trọng của việc Inđônêxia muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã quyết định tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN+LHQ lần thứ 2 tại Niu Yoóc (Mỹ) trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 60 Đại hội đồng LHQ.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao Hội đồng tư vấn kinh tế ASEAN và nhất trí tiếp tục ủng hộ vai trò của Hội đồng như một thành tố quan trọng đối với chiến lược chung về việc tăng cường khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc đề ra chính sách kinh tế của ASEAN. Các nhà lãnh đạo ASEAN một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ hơn giữa khối tư nhân và các cơ quan chính phủ liên quan trong việc thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng tư vấn kinh tế ASEAN.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer