Ðại diện Việt Nam tại diễn đàn LHQ: Việt Nam ủng hộ các nỗ lực cải tổ của Liên Hợp Quốc
Về vấn đề phát triển, Ðại diện Việt Nam cho rằng, các nước phát triển nên tôn trọng cam kết đã đưa ra trong việc cung cấp các khoản trợ giúp phát triển không giới hạn và tạo ra các điều kiện cần thiết để hàng hóa từ các nước đang phát triển có thể tiếp cận các thị trường của các nước phát triển. Việt Nam ủng hộ quan điểm cho rằng hoạt động buôn bán quốc tế cân bằng và bình đẳng là một trong những cách thức quan trọng để trợ giúp các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất đạt tới MDG. Ngoài ra, việc bảo đảm sự gia nhập của các nước đang phát triển vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) theo hướng phổ cập hóa tư cách thành viên là hết sức cần thiết.
Về lĩnh vực an ninh, Việt Nam ủng hộ việc tiếp tục các nỗ lực nhằm đối phó nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào các biện pháp ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt là không hợp lý.
Về lĩnh vực luật pháp, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng các nguyên tắc luật pháp trên cả bình diện quốc gia và quốc tế. Tất cả các nguyên tắc và mục tiêu của Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản khác của luật pháp quốc tế phải được tuân thủ một cách nghiêm túc. Và việc sử dụng vũ lực chỉ nên được coi là sự lựa chọn cuối cùng và dưới sự cho phép của Hội đồng Bảo an (HÐBA) nhằm duy trì và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.
Về vấn đề cải tổ LHQ, Việt Nam tái khẳng định lập trường cho rằng cải cách HÐBA chỉ là một phần trong tiến trình cải cách toàn bộ LHQ, trong đó các biện pháp khôi phục quyền lực của Ðại hội đồng và làm cho Hội đồng Kinh tế Xã hội của LHQ (ECOSOC) trở nên hiệu quả hơn là không thể thiếu được. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực làm cho HÐBA có tính đại diện cao hơn, dân chủ hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn. Hoạt động cải tổ thực sự HÐBA chỉ được coi là hoàn thành khi nào quá trình cải tổ đạt tới việc tăng cả số lượng thành viên HÐBA và cải thiện được các phương pháp làm việc của HÐBA. Việt Nam cho rằng việc sử dụng quyền phủ quyết của HÐBA nên được giới hạn và cuối cùng nên được loại bỏ.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |