New Zealand, đất nước thanh bình và thân thiện
Khác với những nước ở châu Á, ngay ở các thành phố lớn của New Zealand cũng không nhiều những nhà cao tầng, nhịp sống của người dân nơi đây cũng không diễn ra một cách ồn ào, gấp gáp. New Zealand là một đất nước thanh bình và tươi đẹp, tiềm tàng những khả năng hợp tác để chúng ta khai thác, nhất là đối với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Sự thân thiện và hiểu biết lẫn nhau là tiền đề để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Lễ chào mừng theo nghi thức của người Mao-ri trước lễ đón chính thức Thủ tướng Phan Văn Khải và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Nhà Quốc hội New Zealand, thủ đô Wellington, không chỉ là sự tôn trọng và bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của người dân nơi đây, mà còn làm cho không khí đón tiếp thêm thân tình, gần gũi.
Việt Nam và New Zealand tuy cách xa nhau về địa lý nhưng đã có quan hệ ngoại giao 30 năm nay. Những năm gần đây, các chuyến thăm lẫn nhau giữa những nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước thường xuyên hơn, làm cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển trên nhiều mặt chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, quốc phòng và an ninh...
Thủ tướng New Zealand Helen Clark đã thăm chính thức nước ta hai lần vào các năm 1999 và 2003. Chuyến thăm hữu nghị chính thức New Zealand lần này cũng là lần thứ ba, Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm đất nước thanh bình và tươi đẹp này. Không có nhiều nghi thức đón tiếp ồn ào, nhưng việc bạn bố trí cho Thủ tướng và Ðoàn đến thăm cả ba thành phố lớn nhất là Crít-chớt, Wellington và Auckland là điều kiện tốt để chúng ta tiếp xúc, hiểu sâu hơn về đất nước New Zealand.
Thủ tướng Helen Clark đã dành cho Thủ tướng Phan Văn Khải tình cảm và sự đón tiếp nồng nhiệt. Buổi trưa đã có tiệc chiêu đãi chính thức chào mừng đoàn, nhưng buổi tối Thủ tướng Helen Clark còn mời Thủ tướng Phan Văn Khải về Dinh Thủ tướng ăn tối và tiếp tục trao đổi ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm. Chuyến thăm hữu nghị chính thức New Zealand lần này của Thủ tướng Phan Văn Khải đã đạt được kết quả rất tốt đẹp. Sau cuộc hội đàm chính thức, hai Thủ tướng đã ký "Tuyên bố về hợp tác giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và New Zealand". Ðây chính là khuôn khổ để hai nước tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác rộng rãi, lâu bền và ổn định trong thế kỷ 21. Rất nhiều những vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và khu vực đã được Chính phủ hai nước trao đổi và đi đến thống nhất, trong đó có những vấn đề hết sức quan trọng đối với cả hai bên như: New Zealand ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập WTO, mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cũng như tại Hội nghị cấp cao APEC 2006 tổ chức tại Hà Nội. Chính phủ New Zealand cũng cam kết sẽ tăng viện trợ giúp Việt Nam trong vòng ba năm tới với mức tăng ba lần mỗi năm. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ tích cực đối với việc New Zealand gia nhâp Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác, cũng như tham gia Hội nghị cấp cao Ðông Á.
Nằm ở tây nam Thái Bình Dương gồm hai đảo chính: Bắc và Nam, vị trí địa lý tạo cho New Zealand sự đa dạng phong phú về khí hậu. New Zealand không chỉ có nền kinh tế nông, công nghiệp phát triển, mà còn có những trường đại học danh tiếng có lịch sử hơn 100 năm. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức New Zealand lần này, Thủ tướng Phan Văn Khải đặc biệt quan tâm kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học ở đây. Thủ tướng đã đến thăm trường đại học Lin-côn, trường đại học Tổng hợp Vích-to-ri-a và gặp gỡ, trao đổi ý kiến với Hiệu trưởng trường đại học Kỹ thuật Auckland. Thủ tướng đặc biệt hứng thú khi được nghe báo cáo về những đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao của các trường, nhất là khi nghe báo cáo về đề tài "diệt ruồi hại quả bằng phương pháp sinh học", mà Trung tâm nghiên cứu thuộc trường Ðại học Lin-côn nghiên cứu và áp dụng thành công tại tỉnh Tiền Giang và huyện vùng cao Mộc Châu tỉnh Sơn La của Việt Nam. Hay là sự hợp tác trong việc đào tạo về kinh tế và thương mại giữa Trường đại học Vích-to-ri-a và Trường đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Hiện có khoảng một nghìn sinh viên Việt Nam theo học ở các trường đại học của bạn, phần lớn là theo chế độ tự túc. Với cam kết tăng viện trợ ODA giúp Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực đào tạo của Chính phủ New Zealand và việc Chính phủ ta cũng có kế hoạch tăng ngân sách cho việc đưa cán bộ, học sinh ra nước ngoài học tập, nghiên cứu gấp hai lần, sẽ là điều kiện để học sinh Việt Nam đến học tập, nghiên cứu tại New Zealand ngày càng tăng. Có dịp tiếp xúc, trao đổi ý kiến với các cán bộ, học sinh đang học tập tại New Zealand, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn nhắc nhở mọi người phải tập trung học tập những kiến thức, kinh nghiệm quý báu của bạn, đồng thời tích cực rèn luyện về mọi mặt để tiếp nối truyền thống anh hùng của cha, anh trong bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng và vẻ vang của thế hệ mình là rửa "nỗi nhục" của một nước nghèo, kém phát triển, góp phần vào sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, thực hiện cho được quyết tâm đến năm 2020 đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng dần từng năm nhưng vẫn còn ở quy mô nhỏ. Nước ta chủ yếu là nhập siêu từ Niu Di-lân. Ðoàn doanh nghiệp (DN) tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi này gồm hơn 50 DN, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đã có nhiều hoạt động tích cực tìm kiếm cơ hội làm ăn với bạn. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - New Zealand không mang hình thức phô trương mà đi vào hoạt động rất thiết thực. Các doanh nghiệp của bạn có kế hoạch đăng ký trước làm việc cụ thể với từng DN của ta. Ðây là cơ hội tốt cho cả hai bên mở rộng quan hệ, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại và đầu tư của mỗi nước.
(Ghi chép của phóng viên báo Nhân Dân)
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|