(TTXVN) - Quan hệ giữa Việt Nam và Mianma trong những năm gần đây đã phát triển toàn diện trên mọi mặt, bao gồm chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội, dựa trên mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Đại sứ Mianma tại Việt Nam Pin Latt đã nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (28/05/1975-2005).
Theo Đại sứ, các chuyến thăm gần đây của lãnh đạo hai nước đã góp phần tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị giữa hai bên. Trong các năm 1995 và 2003, Thống tướng Than Shwe, Chủ tịch Hội đồng hòa bình và phát triển Mianma đã thăm Việt Nam. Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải và Chủ Tịch Trần Đức Lương đã lần lượt thăm Mianma trong năm 2000 và 2002.
Trong các chuyến thăm này, hai bên đã ký được nhiều hiệp định, đáng chú ý là Hiệp định về việc thiết lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, hiệp định thương mại và hợp tác trong lĩnh vực du lịch, hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn chặn trốn lậu thuế, hiệp định thúc đẩy và bảo hộ đầu tư, hiệp định hợp tác về văn hóa, và hiệp định hợp tác về phòng chống tội phạm.
Đại sứ cũng cho biết Ủy ban hợp tác Việt Nam-Mianma thành lập năm 1994 đã thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm thương mại và đầu tư, giao thông vận tải, công nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, phòng chống tội phạm, thể thao và du lịch.
Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 13 triệu USD năm 2002 lên 40 triệu USD năm 2004, dự định sắp tới sẽ tăng lên 50 triệu USD. Mianma xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các loại đậu và gỗ, đồng thời nhập khẩu hàng tiêu dùng, dược phẩm và thiết bị điện.
Theo đại sứ, kể từ khi cả Mianma và Việt Nam đều trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hợp tác giữa hai nước đã không chỉ phát triển trong phạm vi quan hệ song phương mà còn cả trong khuôn khổ của ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Tuy nhiên, ông cho rằng "quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa theo kịp tiềm năng của hai nước". Để tăng cường mối quan hệ này, theo ông, hai bên cần khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác và đầu tư trong một số lĩnh vực tiềm năng, như nông lâm nghiệp, thủy sản, dầu lửa và khí đốt, du lịch và thông tin liên lạc.
Mianma và Việt Nam cùng chia sẻ nhiều điểm đồng về lịch sử và văn hóa. Để duy trì và phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đại sứ cho rằng hai bên nên đẩy mạnh giao lưu giữa lớp trẻ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao, giáo dục, kỹ thuật và trao đổi đoàn nghệ thuật./