Các tổ chức nhân dân đi đầu trong việc đặt nền móng cho quan hệ Việt-Mỹ
TTXVN: Nhìn từ góc độ quan hệ nhân dân, ông đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995? Theo ông, các tổ chức nhân dân có vai trò gì trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?
Trả lời: Mười năm vừa qua, hai nước đã có những bước đi có ý nghĩa để phát triển quan hệ song phương. Về mặt chính trị, hai nước đã tiến hành trao đổi các đoàn ở hầu hết các cấp, các ngành. Các cuộc thăm viếng đó, nhất là ở cấp cao như cấp Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, Cố vấn An ninh Quốc gia… của Mỹ thăm Việt Nam và các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Thương mại… của Việt Nam thăm Mỹ, cùng các cuộc tiếp xúc cấp cao tại các diễn đàn đa phương và việc trao đổi các đoàn nghị sĩ, đoàn của các tổ chức nhân dân đã từng bước giúp xác định được một khuôn khổ cho mối quan hệ ổn định, lâu dài vì lợi ích của nhân mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tôi cũng nhấn mạnh rằng trong 10 năm qua, hàng trăm đoàn đại biểu của các tổ chức nhân dân, tổ chức phi chính phủ và hàng nghìn người đã cố gắng tìm các biện pháp đóng góp thiết thực cho phát triển quan hệ giữa hai nước.
Về việc giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại, hai bên đã hợp tác trong việc giải quyết vấn đề người mất tích MIA. Tôi nghĩ rằng nhân dân ta đã ủng hộ chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này. Chúng ta đã cùng với phía Mỹ tổ chức 81 đợt khai quật ở khắp các địa phương trong cả nước để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trả lại cho phía Mỹ. Chúng ta cũng đã tiến hành nhiều đợt tìm kiếm những người Việt Nam mất tích trong chiến tranh một cách đơn phương, với sự ủng hộ của nhân dân và tất cả các tầng lớp khác nhau. Trong thời gian qua, phía Mỹ đã bắt đầu hợp tác trong việc cung cấp những thông tin nhất định để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm người Việt Nam mất tích. Chúng ta hy vọng phía Mỹ sẽ làm nhiều hơn trong việc cung cấp những thông tin về những người Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Đáng chú là trong các năm qua, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân đạo và từ thiện của Mỹ, cùng với nhân dân và các tổ chức nhân dân của Việt Nam, đã đi đầu trong việc tạo nền móng và khai thông quan hệ giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho lãnh đạo hai nước có những quyết định chính trị để bình thường hóa và phát triển quan hệ. Gần 300 các tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã làm việc tại Việt Nam và trong 10 năm qua, đã thực hiện hàng ngàn dự án về viện trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, hậu quả chiến tranh, giúp đỡ người tàn tật, người già, trẻ em và xây dựng trường học, bệnh viện… Đặc biệt, trong lúc Mỹ vẫn còn lẩn tránh những vấn đề liên quan đến hậu quả của chất độc Da Cam/dioxin, các tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã tiếp cận vấn đề này. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của các tổ chức cựu chiến binh Mỹ và cựu chiến binh Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều cựu binh Mỹ đã mong muốn làm những điều gì đó tốt cho Việt Nam hôm nay. Trong thực tế, họ đã làm được nhiều việc, và cùng với các cựu chiến binh Việt Nam, họ đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Qua chuyến thăm Mỹ vừa qua, chúng tôi thấy tiềm năng trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Chúng ta có thể tiếp tục vận động nhân dân Mỹ và các bạn bè ở Mỹ làm nhiều hơn trong vấn đề tạo dựng cơ sở quần chúng cho quan hệ hữu nghị và hợp tác hai bên.
Chúng ta cũng phối hợp với Mỹ, theo khả năng và điều kiện của chúng ta, trong việc đấu tranh chống khủng bố, giải quyết các vấn đề toàn cầu…
Do thể chế chính trị khác nhau, hệ tư tưởng khác nhau, giá trị văn hóa khác nhau, và do một bộ phận của người Mỹ vẫn chưa hiểu Việt Nam hoặc có người không muốn hiểu Việt Nam nên vẫn còn một số tồn tại trong quan hệ hai nước. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại đó là vụ kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá tôm, cá tra và cá basa… Vẫn còn có các âm mưu, hành động khơi dậy hận thù kích động, xuyên tạc va quyết sách đơn phương mang tính áp đặt trên một số vấn đề về nhân quyền, tôn giáo, dân tộc... Chúng tôi nghĩ rằng việc xử lý và giải quyết các vấn đề này cần phải dựa trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, bình tĩnh thông qua đối thoại cùng nhau giải quyết các bất đồng.
Theo tôi, hai bên cần phải bình tĩnh cùng nhau giải quyết các bất đồng đó trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và thông tin đầy đủ để tránh sự hiểu nhầm, bóp méo, xuyên tạc.
TTXVN: Với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, theo ông, cần có giải pháp gì để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước?
Trả lời: Về quan hệ giữa hai chính phủ, theo tôi, hai nước cần tăng cường trao đổi các chuyến thăm viếng lẫn nhau, sớm hình thành khuôn khổ ổn định, lâu dài cho quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, mỗi thành tựu mới trong quan hệ giữa hai nước cần được nuôi dưỡng, củng cố, tập trung phát huy các lợi ích tương đồng. Các vấn đề trong quan hệ giữa hai nước cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại với nhau một cách thẳng thắn trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và hướng tới tương lai. Vì vậy, chúng tôi muốn kêu gọi sự đối thoại ở nhiều cấp độ khác nhau như giữa chính phủ với chính phủ, giữa nhân dân với nhân dân.
Về quan hệ nhân dân, chúng tôi muốn mở ra các kênh giao lưu trao đổi và đối thoại. Kinh nghiệm trong những năm qua cho thấy dù rằng trước khi sang Việt Nam có định kiến gì, mặc cảm gì hoặc dù rằng trước khi sang Việt Nam có những băn khoăn gì nhưng khi sang Việt Nam, trước thực tiễn ở đất nước và trước thiện chí, lòng mến khách, vị tha, hòa hiếu và khoan dung của người Việt Nam, và đặc biệt là trước thành tựu của sự nghiệp đổi mới, thì nhận thức, cách nhìn và hiểu biết về Việt Nam của hầu hết những người bạn Mỹ đều thay đổi theo hướng tích cực hơn. Tôi nghĩ rằng ngoại giao nhân dân độc đáo ở chỗ tạo ra cơ sở quần chúng, nền tảng nhân dân cho quan hệ song phương, nó hậu thuẫn cho những ý tưởng lành mạnh, những quyết định quan trọng của lãnh đạo hai nước liên quan tới phương hướng phát triển quan hệ, phù hợp với mong muốn của nhân dân hai nước.
TTXVN: Ông có thể cho biết các hoạt động của Liên hiệp hữu nghị trong thời gian tới nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước?
Trả lời: Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ có đặc thù so với quan hệ giữa Việt Nam với các nước khác do các vấn đề lịch sử. Do vậy, trong những năm vừa qua, đối ngoại nhân dân đã có những đóng góp nhất định cho việc tăng cường hiểu biết và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước thông qua tất cả các kênh khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động ngoại giao nhân dân.
Tới đây, Liên hiệp sẽ phối hợp với các tổ chức thành viên là: Hội Việt-Mỹ, Quỹ Hòa Bình và Phát triển, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, cùng với các tổ chức nhân dân khác thực hiện 5 biện pháp.
Thứ nhất, chúng tôi sẽ tăng cường trao đổi các đoàn giao lưu, đa dạng hóa các đối tác của chúng tôi tại Mỹ. Không chỉ dừng lại ở các bạn bè truyền thống có cảm tình, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận với các nhóm, lực lượng, các nhân vật và các tổ chức có quan tâm nhiều chiều về Việt Nam để tạo điều kiện cho họ có thông tin xác thực từ người dân đối với cuộc sống hôm nay ở Việt Nam và quan điểm của chúng ta trong quan hệ Việt-Mỹ là "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Thứ hai, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất quần chúng. Chúng tôi đã và đang tổ chức với các bạn Mỹ nhiều chuyến thăm home-stay, du lịch chuyên đề. Theo đó chúng ta cử các đoàn sang ở nhà dân của các bạn Mỹ và ngược lại, tạo điều kiện cho người dân Mỹ hiểu hơn đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của người Việt Nam và chất lượng cuộc sống của họ. Hình thức hoạt động này sẽ được tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Thứ ba, chúng tôi sẽ cố gắng đa dạng hóa các hình thức hoạt động theo hướng sống động hơn, mang tính quần chúng hơn, lôi cuốn nhiều người tham gia hơn. Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại, trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau về những vấn đề nhạy cảm nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa của Việt Nam, cũng như tìm hiểu thêm về xã hội, luật pháp Mỹ. Những hội thảo chuyên đề đó, với sự tham gia của các chuyên gia và các tổ chức quần chúng nhân dân, sẽ có tác động tích cực đối với quan hệ hai nước.
Thứ tư, chúng tôi sẽ kết hợp vận động quan hệ hữu nghị với việc thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư, chuyển giao công nghệ, khoa học, kỹ thuật, giáo dục… giữa các đối tác và các địa phương ở hai nước. Tôi nghĩ rằng Hội Việt-Mỹ và các tổ chức thành viên khác của Liên hiệp sẽ hướng tới việc thực hiện vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng, do hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề trên đất nước ta, đối ngoại nhân dân sẽ tiếp tục vận động Chính phủ Mỹ, các tổ chức, cá nhân và rộng ra là nhân dân Mỹ có nhiều hơn các viện trợ nhân đạo, phát triển góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trựo nạn nhân chiến tranh, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/đioxin, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Những nội dung trên sẽ làm cho hoạt động của Liên Hiệp hữu nghị và các tổ chức thành viên phong phú, hiệu quả hơn, tạo dựng cơ sở quần chúng, nền tảng nhân dân cho quan hệ Việt -Mỹ trong tương lai./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |