Thủ tướng Phan Văn Khải:Hãy nhìn Việt Nam như một đối tác thân thiện
(ND): Đúng 9 giờ 30 phút sáng 23-6-2005 theo giờ địa phương, tại thị trường chứng khoán New York, Thủ tướng Phan Văn Khải đã rung chuông khai mạc phiên giao dịch. Hình ảnh này thể hiện quyết tâm hội nhập nền kinh tế thế giới của Việt Nam và cũng là sự ghi nhận của thế giới đối với những bước tiến của nền kinh tế Việt Nam những năm qua.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã tiếp Phó Chủ tịch Tập đoàn IBM. Đây là Công ty công nghệ thông tin lớn nhất thế giới với nhiều phát minh, sáng chế được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực này. IBM được thành lập năm 1911 tại thành phố New York (lúc đầu có tên là C-T-R và đổi thành IBM vào năm 1924). Sản phẩm của công ty bao gồm các hệ thống phần cứng, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, phát triển công nghệ. IBM có khoảng 329.000 nhân viên ở 75 nước, sản phẩm có mặt tại 174 nước trên thế giới (trong đó 675 khách hàng thuộc danh sách 1000 công ty hàng đầu thế giới do Fortune bình chọn. Năm 2004, doanh thu của IBM đạt 96,3 tỷ USD. IBM đã trở lại thị trường Việt Nam từ 1993 để nghiên cứu thị trường và mở đại diện tại Hà Nội năm 1994, tại TP Hồ Chí Minh năm 1995. Năm 1996, IBM đã thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. IBM đã cung cấp giải pháp, hệ thống thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật cho rất nhiều khách hàng Việt Nam, đặc biệt đối với khách hàng sử dụng hệ thống máy chủ lớn, cũng như có yêu cầu đối với giải pháp công nghệ thông tin toàn diện. IBM đang quan tâm đến việc cung cấp hệ thống công nghệ thông tin cho khách hàng lớn tại Việt Nam, trong các ngành giáo dục, tài chính, ngân hàng. IBM còn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như ngành công nghệ thông tin ở nước ta.
* Tại thành phố New York, trung tâm kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới, chiều 23-6, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ. Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến dự và phát biểu ý kiến.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ: Diễn đàn hôm nay có ý nghĩa lớn lao, vì nó trùng hợp với 10 năm kiến lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước và chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam. Với ý nghĩa đó, có thể đặt tên cho diễn đàn này là "theo đà phát triển quan hệ 10 năm, vươn tới tầm cao mới trong thế kỷ tới. Mười năm qua, quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài; quan hệ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ đều tiến triển. Nổi bật nhất là quan hệ kinh tế- thương mại, kim ngạch hai chiều đã tăng 20 lần và Hoa Kỳ trở thành bạn hàng hàng đầu của Việt Nam. Ngày nay, với những phát triền mới ở Việt Nam và các thỏa thuận quan trọng đã đạt được trong chuyến thăm lần này, một chân trời mới của sự hợp tác cùng có lợi đang được mở ra. Các bạn hãy nhìn Việt Nam như một thị trường nhiều tiềm năng, với hơn 80 triệu người và thu nhập ngày càng cao; một nền kinh tế chuyển đổi thành công và đang phát triển năng động. Với tốc độ tăng trưởng từ 7 - 8%/năm, liên tục trong nhiều năm, đang tiến triển mạnh trên con đường công nghiệp hóa. Từ đó, Việt Nam cần huy động nhiều vốn, nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị công nghệ... Một nước Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung, năng động, cần cù; một điểm đến thanh bình, an toàn nhất khu vực. Việt Nam đang tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn. Việt Nam là một quốc gia cởi mở, đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
Thủ tướng cũng cho rằng: Hãy nhìn Việt Nam không phải qua lăng kính của quá khứ, mà nhìn Việt Nam như một đối tác thân thiện của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cả trước mắt và trong tương lai. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn chuyển đến nước Mỹ. Thông điệp đó đã được phản ánh trong Bản tuyên bố chung đã đạt được giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó khẳng định hai nước sẽ phát triển quan hệ hữu nghị, đối tác xây dựng, hợp tác nhiều mặt, ổn định, lâu dài trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Và tất nhiên, chúng tôi mong đợi nhiều ở các bạn - những người làm giàu nước Mỹ, những người có thể là động lực thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam - Hoa Kỳ năng động, ổn định, lâu dài.
* Cũng trong buổi chiều 23-6, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Citi Group và Tập đoàn General Electrics... Tiếp theo, Thủ tưởng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu Việt Nam rời thành phố New York đi thành phố Boston.
Trước đó ngày 22-6, tại thủ đô Washington, Thủ tưởng Phan Văn Khải đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert, Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Bill Frist, Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Harry Reid, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Richard Lugar; có các cuộc gặp với Thượng nghị sĩ J.McCaine, Thượng nghị sĩ John Kerry và nhiều Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ chủ chốt của Quốc hội Hoa Kỳ.
Tại các cuộc hội đàm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thông báo những thành tựu kinh tế và xã hội của Việt Nam trong những năm qua, nổi bật là tăng trưởng kinh tế tương đối cao liên tục trong nhiều năm, chính trị và xã hội ổn định; Việt Nam có quan hệ quốc tế rộng rãi, đang tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt tích cực phấn đấu sớm gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới; Việt Nam là thành viên của hầu hết các tổ chức quan trọng của quốc tế và khu vực, đóng góp tích cực cho ASEAN và APEC. Thủ tướng cho biết chưa bao giờ tôn giáo ở Việt Nam phát triển nhanh như hiện nay, đặc biệt là đạo Tin lành. Các tôn giáo ở Việt Nam đoàn kết và không có xung đột. Thủ tướng khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đổi mới về mọi mặt, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội; đồng thời mở rộng dân chủ, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, nâng cao vai trò các cơ quan dân cử Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo phát triền. Thủ tưởng nêu rõ một số người có đạo mà đang bị giam giữ là do vi phạm pháp luật của Việt Nam. Thủ tưởng đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới; hủy bỏ Tu chính án Jackson - Vanick, để Việt Nam hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Thủ tưởng cũng đề nghị phía Hoa Kỳ tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả của chiến tranh, cụ thể như giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, tăng cường trợ giúp tháo gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện và các Thượng nghị sĩ Hạ nghị sĩ bày tỏ vui mừng được đón Thủ tướng Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sau 30 năm đến thăm Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào tăng cường hơn nữa mối quan hệ và hợp tác giữa hai nước. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong 10 năm qua mặc dù còn nhiều phức tạp, nhưng vẫn phát triển nhanh, nhất là về kinh tế - thương mại. Các nghị sĩ chúc mừng kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống George Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải; ghi nhận rằng thời gian qua, Việt Nam có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, luật pháp, đến cải thiện điều kiện nhân quyền và tôn giáo và đặc biệt ấn tượng về mức tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trong nhiều năm liên tục và mong muốn Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh, đóng vai trò tích cực ở khu vực. Các vị lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đề nghị tăng cường đối thoại giữa Quốc hội của hai nước. Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Hoa Kỳ khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều, phát triển du lịch, cũng như tích cực phối hợp với Việt Nam giải quyết các vấn đề do hậu quả của chiến tranh để lại.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã tiếp lãnh đạo một số tổ chức cựu chiến binh Mỹ; tiếp lãnh đạo của Tập đoàn Conoco Philips và Tập đoàn năng lượng AES.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |