Thương mại Việt-Trung sẽ về đích trước thời hạn

(TTXVN): Với mức tăng trưởng ngoạn mục khoảng 40%/năm trong vài năm gần đây, nhiều khả năng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc sẽ đạt mức 10 tỷ USD vào năm 2007, sớm hơn 3 năm so với thời hạn 2010 trong mục tiêu mà hai nước đã đề ra.

Vốn có nhiều thuận lợi, đặc biệt về vị trí địa lý của hai nước có chung tới 1.643km đường biên giới trên bộ và cùng chung Vịnh Bắc bộ, lại có sự tương đồng cao ở nhiều lĩnh vực như phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng của hai cộng đồng cư dân, quan hệ thương mại đã  trở thành điểm sáng trong bức tranh quan hệ chung hai nước.

Nếu tính từ thời điểm bắt đầu khôi phục và phát triển mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc, năm 1991 đến nay, có thể thấy trong bối cảnh mậu dịch thế giới có xu hướng suy giảm thì kim ngạch xuất-nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng trưởng khá nhanh và ổn định, từ chỗ trên 32 triệu USD năm 1991 lên gần 2,5 tỷ năm 2000 và gần 7,2 tỷ năm 2004.

Khối lượng các loại hàng hoá xuất nhập khẩu mà hai nước có tiềm năng đều tăng đáng kể. Trong đó, hàng xuất khẩu từ Việt Nam tăng cao là dầu thô, than đá, cà phê, hải sản, rau quả, giày dép. Phía Trung Quốc tăng xuất khẩu dược phẩm, máy móc thiết bị, phụ tùng, xăng dầu, phân bón và đặc biệt là linh kiện xe gắn máy, ô tô nguyên chiếc.

Đáng chú ý là cơ cấu hàng xuất-nhập khẩu đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực. Hàng xuất khẩu của Việt Nam tuy phần lớn vẫn là nông, lâm sản chưa qua sơ chế nhưng chất lượng đã được cải thiện rõ rệt; một số mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm đã mở rộng đáng kể thị phần trên thị trường Trung Quốc như giày dép, rau quả, hải sản. Hàng tiêu dùng nhập khẩu có xu hướng giảm, thay vào đó là sự gia tăng của hàng nguyên liệu phục vụ công nghiệp, phương tiện và thiết bị giao thông vận tải.

Tình trạng buôn bán tiểu ngạch qua biên giới tồn tại từ bao năm nay trong quan hệ thương mại hai nước do đặc điểm “núi liền núi, sông liền sông”, từng gây nhiều bất lợi cho việc quản lý, nay đang được đưa vào nền nếp để phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu. Bên cạnh đó, tỷ trọng buôn bán chính ngạch tăng lên đáng kể, mở rộng sang nhiều loại mặt hàng mà trước đây chỉ được trao đổi qua biên giới bằng đường tiểu ngạch.

Việc áp dụng một số cơ chế thông thoáng trong nghiệp vụ thanh toán tại các chi nhánh ngân hàng hai nước ở khu vực biên giới, bước đầu đã thu hút các doanh nghiệp thanh toán qua ngân hàng, giảm đáng kể rủi ro, tranh chấp thương mại qua biên giới.

Quan hệ kinh tế thương mại hai bên cũng đang dần đi vào chiều sâu hơn với sự thay đổi tích cực về thành phần, tính chất và phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp ở cả hai phía. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp Trung Quốc thuộc các tỉnh nằm sâu trong nội địa, các tỉnh ven biển thiết lập quan hệ bạn hàng với Việt Nam ở cả ba miền. Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp chuyển mạnh từ chỗ chỉ buôn bán với các tỉnh có chung đường biên giới sang vươn sâu tới các tỉnh ven biển như Phúc Kiến, Hải Nam và các đặc khu kinh tế của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp hai bên cũng chuyển dần từ buôn bán thuần tuý sang hợp tác liên doanh sản xuất, lắp ráp tiêu thụ hàng hoá tại thị trường hai nước và xuất khẩu sang nước thứ ba.

Đóng góp lớn vào việc cải thiện, tạo sức bật cho quan hệ kinh tế thương mại trên phải kể đến hàng trăm cuộc gặp gỡ toạ đàm với sự tham gia của hàng ngàn doanh nghiệp hai nước để giới thiệu chính sách, tìm hiểu thị trường và cơ hội giao thương. Bên cạnh đó là một số lượng lớn các cuộc triển lãm chuyên ngành được tổ chức ở cả hai nước và đặc biệt được duy trì thường xuyên hàng năm ở các tỉnh có chung đường biên giới.

Đáng chú ý là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Trung được thành lập từ tháng 7/2004 là nơi tập hợp những khúc mắc của doanh nghiệp hai phía, chuyển tới những cơ quan chức năng nhằm tạo môi trường thông thoáng nhất, liên kết doanh nghịêp hai nước. Đồng thời, một Cổng giao dịch điện tử đã được thành lập nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về doanh nghiệp, thị trường, chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Với những kết quả trên, Trung Quốc đang là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam, sau EU; đứng thứ 4 về xuất khẩu và đứng thứ nhất về nhập khẩu. Tuy vậy, kim ngạch hai chiều dù chiếm tới 12% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam nhưng mới chỉ là con số nhỏ, chỉ bằng 0,6% trong toàn bộ kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để quan hệ thương mại hai nước phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của hai bên, cần hướng các doanh nghiệp của cả hai nước tới ký kết các hợp đồng dài hạn trao đổi các sản phẩm mà hai bên có thế mạnh, không chỉ cung cấp cho thị trường của nhau mà còn cho nước thứ ba. Bên cạnh đó, do có nhiều điểm tương đồng, Việt Nam và Trung Quốc nên tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong chống bán phá giá, chống hàng giả và đối phó với các rào cản kỹ thuật thương mại trong thương mại quốc tế.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI còn cho biết, một đoàn gồm 80 đại diện doanh nghiệp hàng đầu sẽ tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương  trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới (từ 18 đến 22/7) nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Trung Quốc.

Theo dự kiến, bên lề các cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, VCCI sẽ phối hợp với Hội Xúc tiến mậu dịch quốc tế Trung Quốc và các phân hội tỉnh Thiểm Tây, Quảng Tây để tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp hai nước tại Bắc Kinh, Tây An và Quảng Tây.

Sự kiện này đang hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế-thương mại hơn nữa giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn