Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 21-7, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm Ðặc khu Thâm Quyến (tỉnh Quảng Ðông), thăm Công ty Hoa Vi, doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, đồng thời tìm hiểu quy hoạch thành phố và có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo địa phương.
Thị trưởng thành phố Thâm Quyến Hứa Tống Hằng và nhiều quan chức của thành phố đã nồng nhiệt đón tiếp Chủ tịch nước Trần Ðức Lương và các đại biểu cùng đi. Chủ tịch nước Trần Ðức Lương chúc mừng những kỳ tích của Thâm Quyến, từ một khu vực nghèo, dân cư thưa thớt cách đây chưa đầy ba thập kỷ, đã trở thành khu vực phát triển nhanh, đóng góp lớn nhất vào GDP của cả nước. Chủ tịch nước đề nghị, với vị trí là trung tâm lớn của Trung Quốc về khoa học-công nghệ, tài chính, ngân hàng, hàng không, hàng hải, các doanh nghiệp Thâm Quyến nên quan tâm và tăng cường tiếp xúc, trao đổi, hợp tác kinh tế, đầu tư với các địa phương của Việt Nam. Thị trưởng Hứa Tống Hằng khẳng định, Thâm Quyến sẽ tăng cường hợp tác về nhiều mặt với các thành phố và địa phương của Việt Nam.
Cũng trong sáng 21-7, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã đến thăm Công ty Hoa Vi, doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc. Chủ tịch nước Trần Ðức Lương cũng đi thăm và tìm hiểu quy hoạch thành phố Thâm Quyến và có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo địa phương.
Tại thành phố Quảng Châu, sáng 21-7 cũng đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Quảng Ðông.
Chiều 21-7, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương và Ðoàn đại biểu Việt Nam rời Quảng Châu đến thăm tỉnh Quảng Tây.
* Chiều 21-7, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã đến thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, địa phương cuối cùng trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Tại buổi gặp Bí thư Khu ủy Tào Bá Thuần và các lãnh đạo địa phương, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đánh giá cao những đóng góp của Quảng Tây vào việc tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và khẳng định mối quan hệ giữa Quảng Tây và các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam thật sự như những người anh em gần gũi. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được đến thăm Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây và chúc mừng những thay đổi lớn lao của địa phương sau ba thập kỷ thực hiện quá trình cải cách mở cửa do Ðảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng. Ðược biết vừa qua lũ lụt đã gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân Khu Tự trị, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương chia sẻ với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Khu tự trị về những mất mát do thiên tai gây ra và hy vọng Quảng Tây nhanh chóng khắc phục được hậu quả này. Chủ tịch nước cảm ơn nhân dân tỉnh Quảng Tây đã có nhiều sự đóng góp quan trọng về người và của trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam cũng như đã giữ gìn những di tích lịch sử cách mạng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối Việt Nam đã từng hoạt động trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ðể tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa các địa phương Việt Nam và Quảng Tây, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đề nghị: Tiếp tục đẩy mạnh giao lưu giữa lãnh đạo, nhân dân tỉnh Quảng Tây và các địa phương Việt Nam ở tất cả các cấp cũng như trao đổi về văn hóa, du lịch và đào tạo. Quảng Tây và các ngành, các địa phương Việt Nam tìm mọi sáng kiến, tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên nền tảng những thành quả đã đạt được trong những năm gần đây. Như lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí cố gắng giảm mức nhập siêu của Việt Nam trong trao đổi thương mại hai chiều, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương mong muốn Quảng Tây, nơi có nhiều cửa khẩu với các tỉnh biên giới Việt Nam, tạo điều kiện để tăng lượng hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng rau quả, thủy sản. Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phối hợp chặt chẽ, tích cực, năng động trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác, trong đó có dự án hợp tác về giao thông vận tải, nhằm đón đầu chủ trương thành lập hai hành lang một vành đai kinh tế mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí cũng như phát huy những lợi thế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc. Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn Khu Tự trị Choang Quảng Tây vừa hợp tác trao đổi, vừa chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh biên giới Việt Nam về giáo dục - đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ. Chủ tịch nước Trần Ðức Lương khẳng định Quảng Tây có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nghiêm túc Hiệp định biên giới trên bộ, Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ; mong muốn Quảng Tây và các tỉnh phía bắc Việt Nam hợp tác với nhau, nâng cao tuyên truyền và giáo dục nhân dân ở vùng biên giới thực hiện nghiêm túc tinh thần của các Hiệp định trên bộ và trên biển, giúp Chính phủ hai nước đẩy nhanh việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền và ký văn kiện mới về quy chế quản lý biên giới cũng như việc quản lý và đảm bảo an ninh ở Vịnh Bắc Bộ.
Bí thư Khu ủy Tào Bá Thuần đề nghị Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy việc thực hiện chủ trương thành lập hai hành lang một vành đai kinh tế, nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ và đường sắt nối Nam Ninh - Hà Nội, xem xét một số dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện và khai thác than, tham gia tích cực Hội chợ ASEAN - Trung Quốc được tổ chức hàng năm tại Nam Ninh, qua đó tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch giữa Quảng Tây và các địa phương Việt Nam. Bí thư Khu ủy Tào Bá Thuần khẳng định Quảng Tây sẵn sàng hợp tác với các tỉnh biên giới Việt Nam.
* Tổng giá trị các hợp đồng mà các doanh nghiệp Việt Nam ký kết với đối tác Trung Quốc trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trần Ðức Lương thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc lên tới hơn 1 tỷ 900 triệu USD. Ðây là con số kỷ lục mà đoàn doanh nghiệp Việt Nam đạt được trong các chuyến thăm nước ngoài cùng lãnh đạo Ðảng, Nhà nước. Ðoàn doanh nghiệp Việt Nam đã báo cáo với Chủ tịch nước Trần Ðức Lương kết quả đáng mừng này tối 21-7 tại thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây).
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết kết quả vừa nêu chỉ là một phần nhỏ vì nhiều doanh nghiệp tuy chưa đạt được hợp đồng kinh tế ngay trong chuyến đi này nhưng đã thiết lập được nhiều mối quan hệ đối tác có triển vọng lớn. Ðiểm đáng chú ý là có tới 2/3 số Tổng công ty mạnh của nước ta đã thực sự vào cuộc làm ăn với Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trần Ðức Lương hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các Tổng công ty mạnh, đã đẩy mạnh hợp tác làm ăn với Trung Quốc, một thị trường lớn đầy tiềm năng, góp phần đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu. Chủ tịch nước Trần Ðức Lương khẳng định lãnh đạo cấp cao hai nước đều quyết tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ngang tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước; cho rằng những dự án, hợp đồng lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam đạt được với các đối tác Trung Quốc trong chuyến thăm chưa phải là cao vì tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Chủ tịch nước đánh giá trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, việc nhập siêu mang tính khách quan do chúng ta chủ yếu phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, xăng dầu và sắt thép. Ðể hạn chế nhập siêu, chúng ta phải cố gắng tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tăng được lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong bối cảnh khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc đang hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý nhanh chóng xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả để tránh bị thua thiệt trong cạnh tranh. Chủ tịch nước Trần Ðức Lương lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hợp tác làm ăn với Trung Quốc cũng cần chú ý học hỏi những kinh nghiệm quý của bạn trong quản lý, đầu tư và phát triển thị trường.