Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc
1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Ðào, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Ðức Lương đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18 đến 22-7-2005.
Trong thời gian chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã hội đàm với Chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào; hội kiến với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Ngô Bang Quốc; Thủ tướng Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo; Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân toàn quốc Giả Khánh Lâm. Trong không khí chân thành và hữu nghị, lãnh đạo hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc củng cố và tăng cường quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt - Trung.
2. Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước Việt - Trung đã có đà phát triển toàn diện tốt đẹp theo phương châm 16 chữ " láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Hai bên cho rằng, tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản quý báu của hai nước và nhân dân hai nước, cần được hết sức quý trọng. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng thêm hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước trên các lĩnh vực, không ngừng thúc đẩy mở ra cục diện mới trong quan hệ Việt - Trung.
3. Hai bên hài lòng trước những thành quả rõ rệt đạt được trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Trên tinh thần tích cực, thiết thực, hai bên nhất trí không ngừng mở rộng quy mô thương mại, thu hẹp dần sự mất cân đối trong thương mại song phương; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hợp tác đã xác định; tích cực khuyến khích và ủng hộ doanh nghiệp hai bên triển khai hợp tác lâu dài trong các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp quan trọng, không ngừng nâng cao trình độ và chất lượng hợp tác; phối hợp chặt chẽ, sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu về hai hành lang kinh tế và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; kịp thời giải quyết các trở ngại và vấn đề nảy sinh trong hợp tác kinh tế thương mại, tạo thêm thuận lợi để doanh nghiệp hai bên triển khai hợp tác.
4. Hai bên tuyên bố kết thúc toàn bộ đàm phán song phương về mở cửa thị trường liên quan đến việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); cho rằng điều này sẽ mở ra triển vọng mới cho sự hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế thương mại. Phía Việt Nam chân thành cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ của phía Trung Quốc.
5. Hai bên cho rằng công tác phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước đã đạt được tiến triển rõ rệt; đồng ý đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này để chậm nhất vào năm 2008 hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền và ký văn kiện mới về quy chế quản lý biên giới.
Hai bên đánh giá tích cực tình hình thực hiện Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm túc hai Hiệp định này, cùng nhau bảo vệ an ninh trên biển và trật tự sản xuất nghề cá, sớm khởi động hợp tác về thăm dò khai thác cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ; từ nay đến cuối năm 2005 tiến hành điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ, sớm triển khai tuần tra chung giữa Hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ và khởi động đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Hai bên đánh giá cao "Thỏa thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung tại khu vực thỏa thuận ở Biển Ðông" do ba công ty dầu khí Việt Nam - Trung Quốc - Phi-li-pin ký tháng 3 năm nay, cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có tác dụng tích cực đối với việc giữ gìn ổn định tình hình trên biển, cần nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận này, sớm khởi động tác nghiệp trên biển để hợp tác đạt kết quả.
Hai bên đồng ý tuân thủ tôn chỉ, nguyên tắc của "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông" (DOC), tuân theo nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước và các cam kết đa phương, cùng nhau giữ gìn ổn định tình hình trên Biển Ðông. Hai bên đồng ý tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được.
6. Chính phủ Việt Nam khẳng định lại kiên trì chính sách "một Trung Quốc", ủng hộ sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối các hoạt động "Ðài Loan độc lập" dưới bất kỳ hình thức nào, hiểu biết và ủng hộ Luật chống chia cắt đất nước do Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua, hoan nghênh xu thế hòa dịu trong quan hệ hai bờ gần đây. Việt Nam chỉ giao lưu về kinh tế, thương mại dân gian với Ðài Loan, không phát triển quan hệ chính thức nào với Ðài Loan.
7. Hai bên nhất trí cho rằng cải tổ LHQ cần góp phần nâng cao vai trò, uy tín, hiệu quả và năng lực của LHQ trong việc đối phó với những thách thức và đe dọa mới, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển chung của các nước thành viên, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hai bên cho rằng việc cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ cần xuất phát từ lợi ích lâu dài của LHQ, tuân theo nguyên tắc dân chủ hóa quan hệ quốc tế, trên cơ sở hiệp thương rộng rãi, tìm kiếm giải pháp có tính đến lợi ích các bên. Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến về vấn đề này.
Hai bên đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp trong các lĩnh vực đa phương như LHQ, ASEAN, ARF, APEC, ASEM, Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng.
8. Chủ tịch nước Trần Ðức Lương mời Chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào sang thăm chính thức Việt Nam vào cuối năm 2005 và dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội vào cuối năm 2006. Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào đã vui vẻ nhận lời.
Back Top page Print Email |