Các hội nghị ASEAN+1 tại Viêng Chăn
(TTXVN): Ngày 28-7, tại Viêng Chăn (Lào) đã diễn ra các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN với các bên đối thoại (ASEAN+1) gồm Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Niu Di-lân, Nga và Mỹ.
Tại cuộc gặp với Australia, các Bộ trưởng ASEAN đã hoan nghênh quyết định của Australia sẽ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông-Nam Á nhân dịp Hội nghị Cấp cao Ðông Á vào tháng 12 tới tại Malaysia. Hai bên đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong các cuộc thương lượng về việc thành lập Khu vực tự do thương mại ASEAN - Australia và Niu Di-lân; hài lòng về sự phát triển giữa hai bên thông qua Chương trình hợp tác phát triển ASEAN - Australia; nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Các Bộ trưởng ASEAN đề nghị Australia tiếp tục giúp đỡ ASEAN thực hiện Chương trình Hành động Viêng Chăn.
Trong khi đó, Hội nghị ASEAN - Canada nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai bên từ năm 2004 đến nay đã được tăng cường và hai bên đang xem xét kế hoạch hành động 2005- 2006 để thực hiện các chương trình hợp tác, trong đó có việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Canada cam kết sẽ xem xét khả năng ký tuyên bố chung với ASEAN về hợp tác chống khủng bố trong năm 2006. Hai bên cũng thảo luận tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS) và dịch cúm gia cầm và nhất trí cho rằng các nước cần tăng cường biện pháp phòng, chống để dịch bệnh không lây lan, gây thiệt hại cho cộng đồng quốc tế.
Hội nghị ASEAN - EU kịch liệt lên án các vụ tiến công khủng bố mới đây ở Luân Ðôn, đồng thời nhấn mạnh ASEAN và EU cần đẩy mạnh các nỗ lực chung trong cuộc chiến chống khủng bố thông qua việc thực hiện Tuyên bố chung ASEAN - EU về chủ nghĩa khủng bố. Hai bên hoan nghênh việc tiến hành nghiên cứu chung về hợp tác kinh tế ASEAN - EU, bao gồm khả năng thành lập khu vực tự do thương mại giữa hai bên.
Hội nghị ASEAN - LB Nga nhất trí tiếp tục Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế giữa hai bên, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và chống khủng bố. Theo kế hoạch, Hội nghị cấp cao ASEAN - Nga lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 12 tới nhằm tạo thêm động lực để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nga và ASEAN.
Tại Hội nghị ASEAN - Niu Di-lân, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Niu Di-lân. Các Bộ trưởng ASEAN đánh giá cao việc Niu Di-lân đồng ý tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Ðông - Nam Á và đề nghị Niu Di-lân viện trợ cho ASEAN mỗi năm khoảng 2 triệu USD.
Tại Hội nghị ASEAN - Mỹ, phía Mỹ đã ghi nhận tầm quan trọng của quan hệ đối thoại ASEAN - Mỹ. Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại, hai bên nhất trí xem xét một thỏa thuận hợp tác quan trọng nhằm vạch ra phương hướng và nâng quan hệ đối tác lên tầm cao mới. ASEAN đề nghị Mỹ nỗ lực đề ra thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Mỹ (TIFA) với các đối tác bên ngoài. Hai bên cũng ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện "Chương trình hợp tác ASEAN" (ACP) và thảo luận biện pháp tăng cường hợp tác trong vấn đề môi trường, thương mại, an ninh mạng, tiếp cận nguồn năng lượng sạch, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc chống lại các bệnh dịch và kêu gọi hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này.
Chiều cùng ngày, tại Viêng Chăn đã diễn ra Hội nghị ASEAN 10 + 10 gồm đại diện 10 nước thành viên ASEAN và 10 bên đối thoại gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, New Zealand, LB Nga, Mỹ và EU. Hội nghị đã trao đổi quan điểm về các vấn đề kinh tế thế giới và khu vực; những tiến bộ trong tiến trình hội nhập ASEAN, trong đó có việc tăng cường hợp tác phát triển, Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI), Chương trình Hành động Viêng Chăn (VAP) và hợp tác năng lượng; tình trạng giá dầu mỏ tăng trên thị trường thế giới, các nỗ lực của quốc tế nhằm giúp tái thiết và tái định cư sau thảm họa sóng thần trong khu vực hồi cuối năm ngoái, đấu tranh chống khủng bố, ngăn chặn các dịch bệnh lây nhiễm và sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Hội nghị hoan nghênh việc ký kết Thỏa thuận quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp tại AMM - 38 cũng như việc thành lập Quỹ Phát triển ASEAN (ADF) để hỗ trợ việc thực hiện VAP và các kế hoạch tiếp theo trong khuôn khổ VAP. Tại hội nghị, các bên đối thoại đã cam kết hợp tác chặt chẽ với ASEAN để hỗ trợ thúc đẩy tiến trình hội nhập của khối thông qua VAP và IAI.
* Hoạt động của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại Viêng Chăn: Sáng 28-7, sau khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các hội nghị quan trọng khác với các bên đối tác tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Nguyễn Dy Niên đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia Alexander Downer.
Bộ trưởng Downer đánh giá cao chuyến thăm Australia hồi tháng 5 vừa qua của Thủ tướng Phan Văn Khải và nhất trí thúc đẩy việc triển khai các kết quả đạt được trong chuyến thăm. Bộ trưởng Ðao-nơ khẳng định lại sự ủng hộ của Australia đối với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hy vọng hai đoàn đàm phán sớm đạt được thỏa thuận về các vấn đề còn lại liên quan tới mục tiêu này.
Tối cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cũng có cuộc tiếp xúc với Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) J.Solana, bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cảm ơn EU sớm kết thúc đàm phán song phương với Việt Nam về việc Việt Nam gia nhập WTO và đề nghị EU tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong đàm phán đa phương để Việt Nam sớm gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho biết Chính phủ Việt Nam đã thông qua "Ðề án tổng thể và chương trình hành động" về phát triển quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2010, theo đó Việt Nam sẽ thiết lập phái đoàn Ðại diện bên cạnh Cộng đồng châu Âu tại Brusell (Bỉ). Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cũng đề nghị EU công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường và bày tỏ quan ngại về việc EU quyết định điều tra chống bán phá giá đối với giày dép Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Về phần mình, ông Solana khẳng định chính sách nhất quán của EU thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam, cam kết xem xét tích cực các đề nghị của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cũng đã gặp và trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Hai bên đã đánh giá tiến độ thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua và nhất trí trong thời gian tới cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trao đổi các đoàn cấp cao, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hợp tác kinh tế, mở rộng các chương trình và dự án, nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức tương xứng với tiềm năng hai nước. Hai bên cũng thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác mật thiết giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam và Nga, trao đổi quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề cải tổ Liên hợp quốc.
*Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, ngày 28-7, tại Viêng Chăn (Lào) đã diễn ra sáu hội nghị đối thoại lần lượt giữa ASEAN với Nga, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Australia và New Zealand (PMC+1) nhằm trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế, đánh giá lại quan hệ đối thoại giữa hai bên trong năm qua và đề ra phương hướng thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, trên cương vị điều phối quan hệ đối thoại, đã chủ trì PMC với Australia. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên đã nêu bật những bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ giữa ASEAN và Australia trong năm qua và đánh giá cao sự hỗ trợ của Australia đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Ðông-Nam Á.
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên hoan nghênh ý định của Australia tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC), coi đó là một quyết định mang tính chiến lược, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực. Bộ trưởng chúc mừng Australia được các nước ASEAN mời tham dự Hội nghị cấp cao Ðông Á lần thứ nhất được tổ chức tại Malaysia vào cuối năm nay, đồng thời đánh giá cao những tiến triển tích cực trong hợp tác kinh tế ASEAN - Australia thể hiện qua kết quả hai vòng đàm phán về thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand và những hỗ trợ của Australia đối với ASEAN trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ trưởng ghi nhận những đóng góp của Australia trong cuộc chiến chống khủng bố và đánh giá cao kết quả hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch giữa ASEAN và Australia, đặc biệt là việc Australia giúp đào tạo sinh viên, phát triển nguồn nhân lực tại các nước ASEAN.
Hội nghị đã kiến nghị các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ASEAN và Australia trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội. Australia cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của Việt Nam cũng như các nước ASEAN trong việc thúc đẩy quan hệ Australia - ASEAN; cam kết sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ mọi mặt với các nước ASEAN trong thời gian tới, vì lợi chung của hai bên và toàn khu vực.
Chiều cùng ngày, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao các bên đối thoại đã có cuộc gặp hẹp, thảo luận tình hình quốc tế và khu vực; quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước đối thoại và ASEAN; đề ra những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và các nước đối thoại, đặc biệt là việc các nước đối thoại hỗ trợ ASEAN và Sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển (IAI).
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình Hành động Viêng Chăn (VAP) tiến tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020, theo đó Quỹ Phát triển ASEAN vừa được thành lập sẽ là nguồn tài chính hỗ trợ thực hiện VAP, đồng thời tăng thêm cơ hội hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các nước đối thoại. Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho biết Sáng kiến thu hẹp khoảng cách phát triển đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ với 100 dự án; các nước đối thoại và một số nước khác đã đóng góp 16 triệu USD để thực hiện Sáng kiến này. Việc thu hẹp khoảng cách phát triển là một ưu tiên lớn của ASEAN nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, nâng cao tiềm lực và vị thế của ASEAN.
Các nước đối thoại cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN, đặc biệt là các nước kém phát triển hơn, nhằm nâng cao tiềm lực kinh tế và hợp tác nội khối.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |