Hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng quê hương
1. Tình hình trí thức kiều bào nói chung và ở các nước trên thế giới. Những đóng góp của trí thức kiều bào đối với đất nước thời gian qua:
Ước tính hiện nay có khoảng 300 nghìn chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, phân bổ chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển. Đông đảo nhất là ở Mỹ có khoảng 150.000 người, Pháp – 40.000 người, Ô-xtơ-rây-li-a – 7.000 người, Đông Âu và Liên bang Nga – 4.000 người, Ca-na-đa – 2.000 người, Bỉ - 500 người, Đức – 300 người.
Nét chung của trí thức kiều bào là tinh thân dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Đội ngũ trí thức kiều bào tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, vật lý, quản lý kinh tế, chứng khoán… Không ít người đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới. Thế hệ trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài cũng không ngừng lớn mạnh.
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của dân tộc, luôn đánh giá cao tiềm năng của đội ngũ trí thức kiều bào và có những chính sách đúng đắn khuyến khích bà con tham gia xây dựng quê hương đất nước.
Trí thức kiều bào đã có nhiều đóng góp tích cực và vô cùng quý báu vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
Trong những năm gần đây, cùng với những chuyển biến mới trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mối quan hệ của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước ngày càng tăng. Nhiều trí thức Việt kiều đã hợp tác tích cực với các cơ quan trong nước dưới nhiều hình thức khác nhau như tham gia giảng dạy, tham gia đề tài nghiên cứu, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học; giới thiệu chuyên gia nước ngoài vào hợp tác với trong nước, mời chuyên gia trong nước dự các sinh hoạt khoa học quốc tế; xin học bổng đào tạo, nghiên cứu; quyên góp học bổng khuyến khích tài năng trẻ; kết hợp hoạt động sản xuất kinh doanh với áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; tham gia các chương trình hợp tác quốc tế của Việt Nam… Hàng năm có khoảng trên 200 lượt trí thức Việt kiều từ các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Ô-xtơ-rây-li-a được mời về làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu khoa học hoặc các cơ sở sản xuất. Một số lĩnh vực đang nghiên cứu hợp tác có hiệu quả như tin học, điện tử, viễn thông, y học, vật liệu tổng hợp, giáo dục-đào tạo, tài chính-kế toán, ngân hàng, xây dựng, công nghệ in, chế biến và bảo quản thực phẩm, giống cây, nuôi trồng thuỷ sản, xử lý chất thải công nghiệp…
Tuy nhiên, sự đóng góp của trí thức kiều bào đối với đất nước nhìn chung còn hạn chế so với tiềm năng của họ và so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, hiện nay các Bộ, ngành và địa phương trong nước đang tiếp tục hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách nhằm thu hút nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
2. Hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng quê hương"
Hội thảo do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trong hai ngày 16 và 17-8 tới tại Hà Nội với sự tham dự của gần 200 người, trong đó có hơn 60 đại biểu ở nước ngoài đến từ 17 nước như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Australia... và hơn 100 trí thức và đại biểu, các đại diện của các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương.
Trong ngày 16-8, các đại biểu chia làm hai nhóm gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để thảo luận. Ngày 17-8, phiên họp buổi sáng sẽ nghe báo cáo và tổng kết kết quả thảo luận của hai nhóm trên; buổi chiều các đại biểu sẽ chia nhóm thăm bốn trung tâm nghiên cứu khoa học ở Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên có một cuộc Hội thảo trao đổi về chính sách đối với tri thức kiều bào. Tại Hội thảo, các cơ quan hữu quan trong nước sẽ thảo luận với các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước về tình hình chung của đội ngũ trí thức kiều bào, khả năng , tiềm lực đóng góp của kiều bào đối với đất nước. Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước tiếp xúc, trao đổi và đưa ra các gợi ý cho một số định hướng, ngành nghề mũi nhọn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tập hợp ý kiến, đề xuất kiến nghị của trí thức kiều bào về những chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho trí thức kiều bào đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |