Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Ngoại giao Việt Nam: Bước tiến "ngàn dặm" sau 60 năm


(TTXVN) - Trong 60 năm qua, kể từ ngày Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố thành lập, với vị Bộ trưởng đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh - đồng thời là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ngành ngoại giao đã trải qua nhiều bước thăng trầm và gặt hái những thành tựu kỳ diệu, đưa Việt Nam từ một nước nhỏ bé lên vị trí sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chỉ một tháng sau ngày Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời đã ra thông cáo về chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định mục tiêu phấn đấu cho nền độc lập "hoàn toàn và vĩnh viễn" của Việt Nam, hợp tác thân thiện với các nước đồng minh và các dân tộc láng giềng. Trong hoàn cảnh cùng lúc phải đối phó với nhiều đối thủ mạnh, Việt Nam đã tiến hành những hoạt động ngoại giao khôn khéo, đấu tranh bền bỉ cương quyết để ký kết được một số văn bản có tầm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam lúc đó.

Từ cuối năm 1946 đến 1950, công tác ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với hoạt động quân sự và đấu tranh chính trị, chủ động triển khai các hoạt động quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, thiết lập được quan hệ ngoại giao với nhiều nước ở phía Tây Nam, Đông Nam Á. Ngay đầu năm 1950, chỉ trong vòng hai tháng, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Rumani, Ba Lan, Hunggari, Bungari và Anbani.

Thời kỳ 1954-1975, ngành ngoại giao Việt Nam trưởng thành vượt bậc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Uy tín của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, đặc biệt là sau chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân 1975. Hiệp định Giơnevơ và Hiệp định Pari là hai mốc son ghi nhận thành tựu đặc biệt của công tác ngoại giao cùng với thành tựu trên các lĩnh vực quân sự quốc phòng thời kỳ này.

Những năm đầu sau chiến tranh, từ năm 1976, ngoại giao Việt Nam đã triển khai các hoạt động quan trọng theo hướng đa phương và đa dạng mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn để tăng cường sức mạnh kinh tế. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của Phong trào Không Liên kết, thành viên của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác, thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng loạt nước ở các châu lục có chế độ chính trị, xã hội khác nhau.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 40 nước thuộc thế giới thứ ba, lập cơ quan đại diện ngoại giao ở hàng chục nước, tham gia 33 tổ chức quốc tế và 19 điều ước quốc tế.

Công cuộc Đổi Mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986 đã mở ra một giai đoạn mới trong đường lối đối ngoại của Việt Nam mà nhiệm vụ hàng đầu là tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Quan hệ với các nước Đông Nam Á cũng chuyển sang một trang mới. Gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng góp phần củng cố và tăng cường hợp tác đoàn kết nội bộ khối, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Sự kiện bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ vào tháng 7/1995 đã đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước lớn trên thế giới, đưa Việt Nam từ chỗ bị bao vây cấm vận đến chỗ hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Cùng với việc mở rộng quan hệ ngoại giao với 167 quốc gia và vũng lãnh thổ, Việt Nam cũng thiết lập quan hệ kinh tế thương mại với trên 100 đối tác. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Ngày nay, cái tên Việt Nam không chỉ được bè bạn quốc tế nhắc đến với những kỳ tích trong chiến tranh giải phóng dân tộc, mà còn được biết đến như một đối tác khá quan trọng về kinh tế thương mại. Việt Nam đã không còn là nước chỉ nhập khẩu và nhận viện trợ mà nền kinh tế Việt Nam đã có vị trí nhất định trong nền kinh tế thế giới.

Công tác ngoại giao đã chuyển mạnh sang phục vụ phát triển kinh tế, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế, lấy việc mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại làm trọng tâm. Đặc biệt, từ năm 2000 trở lại đây, hoạt động kinh tế đối ngoại đã được triển khai ở tất cả các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các châu lục.

Các quan chức của Bộ ngoại giao đã từng khẳng định, chưa bao giờ nội dung kinh tế được nhấn mạnh như hiện nay trong các chuyến thăm, làm việc song phương cũng như các hoạt động ngoại giao đa phương của các lãnh đạo cấp cao.

Trong các chuyến thăm và làm việc tại nước ngoài của các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, kinh tế luôn là nội dung quan trọng, nổi bật tại các cuộc hội đàm, trao đổi. Không chỉ bàn định phương hướng cho lâu dài mà hai bên còn trực tiếp ký kết hàng loạt văn kiện thoả thuận về kinh tế-thương mại và đầu tư, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, diễn đàn giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Có thể dẫn ra ví dụ về hai chuyến thăm mới đây của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ Việt Nam. Trong chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Hoa Kỳ hồi tháng 6 vừa qua, tổng giá trị các hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước khoảng 1,4 tỷ USD. Còn trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào tháng 7, tổng giá trị các hợp đồng được ký kết đạt mức kỷ lục là 1,9 tỷ USD. Cũng nhân chuyến thăm này, Việt Nam-Trung Quốc còn ký thỏa thuận kết thúc quá trình đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngoài kết quả từ các diễn đàn đa phương, song phương, bằng nỗ lực của 80 cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao kinh tế còn giúp doanh nghiệp tìm hiểu các đối tác kinh doanh, cung cấp thông tin cảnh báo và kiến nghị những đối sách kịp thời cho doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại. Điều này thực sự hữu ích cho cộng động doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu nhiều cơ hội nhưng cũng lắm rủi ro ngày nay.

Sẽ là phiến diện nếu nói về thành tựu của công tác ngoại giao mà không kể đến hiệu quả của các chính sách vận động Việt kiều thời gian qua mà Bộ Ngoại giao là một trong những cơ quan tham mưu, đề xuất nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút kiều bào đầu tư về nước. Lượng kiều hối chuyển về nước với nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai của nhiều doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài đã minh chứng điều đó.

Công tác vận động cộng đồng không ngừng được đẩy mạnh theo hướng nâng cao tính thần đoàn kết dân tộc, không phân biệt quá khứ, chính kiến, hướng tới tương lai. Các chuyến về thăm Việt Nam của ông Nguyễn Cao Kỳ - nguyên Phó Tổng thống Chính quyền Sài Gòn trước năm 1975, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và nhiều người khác đã nói lên điều đó và có tác động tích cực tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thời điểm này, khi đất nước đã ở một vị thế mới với thế và lực mới, tuy còn nhiều thách thức, gian nan trên con đường hội nhập và phát triển, nhưng có thể nói những gì đã đạt được chứng tỏ ngành ngoại giao Việt Nam đã tiến một bước dài "ngàn dặm" so với thời điểm cách đây 60 năm./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer