VN-EU - Chặng đường hợp tác hiệu quả

(TTXVN) - Việt Nam và EU đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11/1990 và ngày 17/7/1995 đã đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác hai bên với việc ký kết Hiệp định khung về hợp tác, thiết lập các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU.

Từ đó tới nay, EU đã trở thành một đối tác rất quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như chính trị, hợp tác phát triển, thương mại và đầu tư. Về chính trị, hai bên đã tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao mà đỉnh cao là cuộc họp Thượng đỉnh Việt Nam-EU diễn ra vào tháng 10/2004 nhân dịp ASEM 5.

Cùng với phát triển quan hệ chính trị, quan hệ hợp tác phát triển, đầu tư và thương mại giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên EU cũng không ngừng phát triển. Hiện nay EU là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, hai bên đã dành cho nhau quy chế tối huệ quốc, và EU dành cho nước ta cơ chế GSP (ưu đãi thương mại dành cho các nước đang phát triển). Hiện nay, EC và các nước thành viên EU là nhà cung cấp ODA lớn thứ ba cho Việt Nam, sau Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới và là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất. Các dự án hợp tác của EC đều tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như: Phát triển nông thôn, giảm khoảng cách giàu- nghèo, hỗ trợ vùng sâu vùng xa, miền núi; phát triển nguồn nhân lực; phát triển y tế giáo dục; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý; cải cách hành chính, tư pháp.

Tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ năm 2004, tổng vốn cam kết của EU dành cho Việt Nam trong năm 2005 lên tới 722,53 triệu euro, tăng 37% so với năm 2004, đặc biệt Pháp tăng gấp hơn ba lần viện trợ ODA. Trong 10 năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU tăng trung bình 15-20%/ năm; EU là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 17% tổng giao dịch thương mại. Năm 2002, kim ngạch hai chiều tăng gấp 20 lần so với năm 1990; năm 2004 đạt trên 6,2 tỷ euro, tăng 20% so với năm 2003. Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU tăng mạnh, nhất là vào Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan; trong đó hàng công nghiệp nhẹ, hàng nông sản và thủy sản chiếm tỷ trọng trên 85% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường EU chủ yếu là máy móc thiết bị, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da, sắt thép, thuốc, phân bón. 6 tháng đầu năm 2005, quan hệ thương mại Việt Nam - EU tiếp tục tiến triển tốt, đặc biệt EU bỏ hạn ngạch đối với hàng dệt may của Việt Nam từ ngày 1/1/2005.

Nhân dịp Hội nghị ASEM 5 (10/2004), Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Đây là những bước tiến mang tính chất đột phá, có tác động tích cực đến đàm phán song phương của Việt Nam với các đối tác khác. Các nước EU và EC tích cực ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập tổ chức WTO.

Các nước EU đầu tư vào Việt Nam ngay từ những ngày đầu Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (12/1987). Đến hết năm 2004, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước EU vào Việt Nam đã đạt 6,9 tỷ USD với 473 dự án, chiếm 9,04% tổng vốn FDI được cấp phép, đứng đầu danh sách những nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Riêng 5 tháng đầu năm 2005, đầu tư trực tiếp của EU vào Việt Nam chiếm 16,67% về số dự án và 64,8% tổng số vốn đăng ký, trị giá trên 293 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2004. Đầu tư của các nước EU đã có mặt ở 33 địa phương, rất nhiều công ty lớn của châu Âu trong nhiều lĩnh vực chủ chốt đã có mặt tại Việt Nam như BP của Anh, Shell Group của Hà Lan và Anh, Total Elf Fina, France Telecom của Pháp, Siemen của Đức.

Có thể nói các chương trình hợp tác phát triển của EC dành cho Việt Nam đang ngày càng phát huy hiệu quả. Các chương trình hợp tác mới ngày càng đi vào chiều sâu để giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách toàn diện và phát triển bền vững. Sự phát triển quan hệ tốt đẹp Việt Nam-EU trong thời gian qua là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thành viên EU, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở mỗi khu vực, đồng thời đóng góp thiết thực vào quá trình hợp tác Á-Âu. Quan hệ tốt đẹp với EU đã góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam, thực hiện đường lối "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế", đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngày 7/9, Hội nghị triển khai đề án tổng thể và chương trình hành động Việt Nam-EU đến năm 2010 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội nghị, hai bên sẽ điểm lại các nội dung đã triển khai, trao đổi ý kiến, kiến nghị về những hỗ trợ và hợp tác cụ thể của EU và bàn các biện pháp triển khai chương trình hành động giữa hai bên./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn