Trong các cuộc làm việc và thăm quan, phía Coóc đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác phát triển bền vững với Việt Nam, sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong những lĩnh vực mà vùng Coóc có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh, nhất là phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hoá. Các vị lãnh đạo vùng Coóc và các thành phố nơi Đại sứ đến thăm đều bày tỏ sự khâm phục đối với thành tựu của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; đánh giá cao tinh thần hoà giải dân tộc, yêu chuộng hoà bình, đoàn kết hữu nghị với quốc tế của nhân dân Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Đình Bin nêu rõ tăng cường hợp tác với Pháp trong mọi lĩnh vực và ở mọi cấp là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Đại sứ hài lòng nhận thấy sự hợp tác giữa vùng Coóc và Việt Nam đang tiến triển tốt đẹp, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, nông nghiệp và nghiên cứu đại học, đặc biệt là dự án hợp tác giữa Khu Bảo tồn Quốc gia Cát Bà và Khu Bảo tồn Thiên nhiên vùng Coóc. Đại sứ cho rằng vùng Coóc là một vùng nổi tiếng về du lịch biển. Việt Nam và Coóc có chung một quá khứ và gắn bó bởi những sợi dây tình cảm thắm thiết, thông qua sự hiện diện của những người con nuôi Việt Nam trong các gia đình người Coóc. Đại sứ mong muốn Việt Nam và Coóc có thể hợp tác trong các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, trao đổi hiện vật hoặc đào tạo cán bộ giữa Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội và Bảo tàng Dân tộc học vùng Coóc.
Vùng Coóc bắt đầu hợp tác với Việt Nam từ năm 1997, trong đó có dự án hợp tác giữa Khu Bảo tồn Thiên nhiên vùng Coóc với Khu Bảo tồn Quốc gia Cát Bà, dự án giữa trường Đại học Coóc với Viện Hải dương học của Hải Phòng, một số dự án phát triển cây cam-quít, phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở một số tỉnh Việt Nam./.